WTO họp kín về thỏa thuận toàn cầu cấm trợ cấp đánh bắt cá tận diệt

Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng cuộc họp lần này là "cơ hội vàng" để đưa các cuộc đàm phán về vấn đề cấm trợ cấp cho các hoạt động đánh bắt cá tận diệt, tiến gần hơn tới đích đến.
WTO họp kín về thỏa thuận toàn cầu cấm trợ cấp đánh bắt cá tận diệt ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: reuters.com)

Ngày 15/7, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã khai mạc cuộc họp trực tuyến cấp bộ trưởng các quốc gia thành viên, nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán về vấn đề cấm trợ cấp cho các hoạt động đánh bắt cá theo kiểu tận diệt vốn đã kéo dài 20 năm qua mà chưa có kết quả.

Phát biểu khai mạc, Tổng giám đốc WTO Ngozi Okonjo-Iweala đã kêu gọi các bộ trưởng linh hoạt điều chỉnh quan điểm để thu hẹp những khoảng cách và bất đồng tồn đọng trong những năm qua. Trước đó, bà Okonjo-Iweala cũng thể hiện tinh thần lạc quan một cách thận trọng về khả năng các bộ trưởng thương mại của 164 nước thành viên có thể đạt được thỏa thuận lịch sử sau 20 năm đàm phán.

Cụ thể, bà Ngozi Okonjo-Iweala cho rằng cuộc họp lần này là "cơ hội vàng" để đưa các cuộc đàm phán tiến gần hơn tới đích đến là một thỏa thuận cuối cùng. Việc các bộ trưởng không thể nhanh chóng thống nhất thỏa thuận sẽ gây nguy hiểm cho hệ đa dạng sinh học trong lòng đại dương và các nguồn dự trữ cá tự nhiên vốn cung cấp thực phẩm và thu nhập cho rất nhiều người dân trên thế giới.

Các cuộc đàm phán nhằm tìm ra thỏa thuận giúp chấm dứt tình trạng trợ cấp nhà nước dành cho những hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp và không có giám sát cũng như tình trạng đánh bắt cá theo kiểu tận diệt, đe dọa các nguồn dự trữ cá tự nhiên và ngành ngư nghiệp.

[WTO: Cuộc họp tới có thể đạt thỏa thuận lịch sử về trợ cấp nghề cá]

Trên lý thuyết, hoạt động đánh bắt cá sẽ tự giảm tại các vùng biển có lượng dự trữ cá thấp vì khi đó chi phí sẽ tăng cao. Tuy nhiên, nếu có các khoản trợ cấp, hoạt động đánh bắt có thể vẫn được thực hiện tại những vùng biển này. Năm 2017, FAO ước tính có tới 1/3 tổng số nguồn dự trữ cá trên toàn cầu đang bị khai thác theo kiểu tận diệt. Trong khi đó, WTO ước tính các khoản trợ cấp cho ngành đánh bắt cá dao động từ 14-54 tỷ USD/năm.

Hầu hết các chính phủ đều đồng ý rằng cần bảo vệ nguồn dự trữ cá trên biển vì đây là nguồn tài nguyên quan trọng và thiết yếu với hàng triệu người dân ven biển trên thế giới.

Tuy nhiên, các cuộc đàm phán về vấn đề trợ cấp sao cho hợp lý, tránh tiếp tay cho hoạt động khai thác tận diệt kéo dài suốt 2 thập kỷ qua vẫn bế tắc trong một loạt vấn đề, trong đó có yêu cầu của Liên hợp quốc rằng cần áp dụng một số quy chế đặc biệt với các quốc gia nghèo nhất và các quốc gia đang phát triển.

Việc áp dụng quy chế đặc biệt với nhóm các nước nghèo nhất đã được đa số các nước thành viên WTO đồng thuận nhưng vẫn là vấn đề gây tranh cãi khi xét đến nhóm các nước đang phát triển. Trên thực tế, rất nhiều trong số các nước khai thác cá lớn nhất trên thế giới là các quốc gia đang phát triển.

Tiến trình đàm phán được tăng tốc trong những tháng gần đây sau khi các bên không thể đạt thỏa thuận vào hạn chót được đề ra trước đó là trước tháng 12/2020. Sau khi nhậm chức hồi tháng Ba vừa qua, bà Okonjo-Iweala cũng xác định việc thúc đẩy đạt thỏa thuận về vấn đề này trong cuối năm nay là một ưu tiên hàng đầu.

Cuộc họp ngày 15/7 tập trung thảo luận về bản dự thảo thỏa thuận do Đại sứ Colombia Santiago Wills, người chủ trì các cuộc đàm phán về đánh bắt cá của WTO, đề xuất hồi tháng Năm vừa qua. Bà Okonjo-Iweala hy vọng các cuộc đàm phán nước rút về dự thảo theo nhiều cách khác nhau sẽ giúp các bên đạt được thỏa thuận cuối cùng.

Trong một tín hiệu khả quan, Liên minh châu Âu (EU) đã đánh giá dự thảo thỏa thuận chứa nhiều yếu tố có thể thống nhất các bên, tạo cơ sở cho các bên tiến đến một thỏa thuận toàn cầu. Tuy nhiên, việc đạt được thỏa thuận chung ở cấp độ WTO là không hề dễ dàng vì mọi quyết định đều cần được tất cả các quốc gia thành viên đồng thuận./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục