WWF cần thu hồi Cẩm nang Hướng dẫn Thủy sản

Tổng Cục Thủy sản đề nghị WWF trước khi đưa ra bằng chứng cụ thể, phải thu hồi cuốn Cẩm nang đang gây bất lợi cho cá tra Việt Nam.
Ngày 8/12, Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh việc Quỹ Động vật hoang dã Thế giới (WWF) liệt cá tra, cá basa nuôi tại Việt Nam vào “Màu Đỏ - Đừng mua” trong Cẩm nang Hướng dẫn Thủy sản 2010-2011.

- Thưa Phó Tổng Cục trưởng, cá tra của Việt Nam hiện chiếm 95% thị phần cá tra thương phẩm thế giới. Việc các thành viên của WWF ở 6 nước EU (Đức, Áo, Thụy Sỹ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch) đưa loài cá này vào danh sách “Đừng mua” sẽ ảnh hưởng thế nào?

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn: Hiện nay, nhu cầu cá tra, cá basa của các nước châu Âu là rất lớn. Việc làm của WWF sẽ ảnh hưởng tới uy tín của cá tra, cá basa. Người tiêu dùng khi nhận được cẩm nang của WWF sẽ phải suy nghĩ trước khi sử dụng cá tra vào bữa ăn của mình.

- Tổng cục Thủy sản đã làm gì để bảo vệ người nuôi cá tra, cá basa tại Việt Nam?

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn: Sáng nay (ngày 8/12) chúng tôi đã có cuộc đối thoại với WWF Việt Nam về vấn đề này.

Đây là cuộc đối thoại bổ ích, giúp cho các thông tin được rõ ràng hơn và sự hợp tác giữa các bên trong quá trình giải quyết sự cố và hợp tác sau này đã được hình thành.

- Xin ông nói rõ hơn?

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn: Qua đối thoại, chúng tôi được biết, cho đến thời điểm này WWF chưa đưa ra được tiêu chí cụ thể trong việc đưa cá tra vào danh mục đỏ.

Ngoài ra, kể cả khi có tiêu chí rồi, thì việc số liệu, báo cáo đánh giá ra sao cho đến thời điểm này chúng tôi cũng chưa hề nhận được. Và kể cả khi có báo cáo đánh giá, chúng ta cũng phải bàn luận xem độ tin cậy, thuyết phục của báo cáo đến đâu.

Qua đối thoại, chúng tôi cũng thấy, một trong những nguyên tắc rất chung của WWF là bất cứ một hoạt động gì, đặc biệt là về xây dựng chính sách, tiêu chí... thường có sự tham gia của đa bên. Thế nhưng, WWF lại vi phạm nguyên tắc này của chính mình.

Điều này thể hiện qua việc WWF xây dựng tiêu chí nhưng từ người nuôi con cá, cơ quan quản lý địa phương, cơ quan quản lý thủy sản đều không được tham vấn.

Về phía WWF Việt Nam, tuy không tham gia trực tiếp vào quá trình đánh giá này nhưng đã hứa rằng trong thời gian sớm nhất sẽ gửi lại chúng tôi những tiêu chí và báo cáo đánh giá.

Hai bên cũng thống nhất, khi có tiêu chí, đánh giá sẽ ngồi lại thảo luận xem có phù hợp hay không.  Việc đánh giá một sản phẩm mang tính chất quốc gia đòi hỏi phải rất công phu, cẩn thận và toàn diện.

Tổng Cục Thủy sản đề nghị khi chưa rõ ràng về tiêu chí, về số liệu đánh giá thì phía WWF Việt Nam cần đề nghị với WWF các nước gỡ bỏ danh mục cá tra của Việt Nam trong Cẩm nang ngay.

- Tại buổi gặp gỡ này, phía WWF Việt Nam đã nói gì, thưa ông?

Tiến sĩ Phạm Anh Tuấn: Trong buổi đối thoại hôm nay, WWF Việt Nam  thấy rằng việc đưa cá tra của chúng ta vào Cẩm nang ở danh mục đỏ là điều đáng tiếc. WWF Việt Nam cũng chưa có bất cứ thông tin gì về tiêu chí cũng như báo cáo đánh giá.

Ngoài ra, họ cũng thấy việc vừa rồi không có sự tham gia của các bên, đặc biệt là cộng đồng nuôi cũng như cơ quan quản lý thủy sản của Việt Nam là một điều đáng tiếc.

Tôi cho rằng, mặc dù WWF Việt Nam không nắm hết hoạt động của WWF ở các nước khác. Do đó, WWF Việt Nam cần phải có cách làm việc thế nào để nắm được tình hình các WWF khác, từ đó có những hoạt động cụ thể.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (VASEP) cũng đã mời đại diện WWF Toàn cầu sang Việt Nam để khảo sát. Và họ đã nhận lời, dự kiến tháng 12 sẽ tới Việt Nam.

Xin cảm ơn ông!

Ông Nguyễn Tử Cương, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Nghề cá:

WWF vào nhà mà... không báo


Ngay sau khi có thông tin liên quan đến cá tra, cá basa của Việt Nam, nhiều người dân đã gọi điện đến chúng tôi, bày tỏ mối quan ngại của mình.

Chúng tôi cho rằng, WWF đã vi phạm hai nguyên tắc cơ bản của hiệp định thuộc Tổ chức Thương mại thế giới. Một trong số đó là nguyên tắc công khai.

“Anh vào đến Việt Nam, tổ chức hội nghị, hội thảo xây dựng tiêu chí đánh giá cho cá tra mà không ai biết. Dân không biết, Tỉnh không hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng không được báo. Chúng ta thử tưởng tượng xem người ta vào nhà mình mà không báo thì họ là ai? Tôi lại nghe nói, WWF họp với một giảng viên của trường Đại học để xây dựng tiêu chí. Vậy, giảng viên này liệu có đủ tư cách đại diện cho Việt Nam hay không?”, ông Cương bức xúc.

Ngoài ra, ông Cương cũng tỏ ý nghi ngờ số liệu mà WWF thu thập được. Từ đó, ông đề nghị WWF cung cấp bằng chứng lý do gắn nhãn đỏ cho cá tra. Trong khi chưa có đủ bằng chứng, phải thu hồi cẩm nang này.
Hiền Bách (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục