Xa vời triển vọng nối lại đàm phán sáu bên

Tiến trình đàm phán sáu bên nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ngày càng bế tắc, sau các vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.
Tiến trình đàm phán sáu bên nhằm phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên ngày càng lún sâu vào bế tắc, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân thứ hai và hàng loạt vụ phóng tên lửa do Bình Nhưỡng tiến hành.

CHDCND Triều Tiên đã rút khỏi đàm phán để phản đối việc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc ra nghị quyết lên án vụ thử hạt nhân và áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn với nước này. Dư luận nói chung lo ngại rằng hành động của Triều Tiên có thể kích động một cuộc chạy đua hạt nhân ở khu vực Đông Bắc Á.

Trong bối cảnh hiện nay, đàm phán sáu bên vẫn được các bên liên quan nhìn nhận là con đường ngoại giao duy nhất để giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Trong khi đề xuất đàm phán năm bên (không bao gồm Triều Tiên) chưa nhận được sự ủng hộ đầy đủ, các bên đã gia tăng nỗ lực khôi phục đàm phán sáu bên với hàng loạt hoạt động ngoại giao "con thoi" nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng nhanh chóng trở lại bàn đàm phán.

Giới phân tích cho rằng việc thực hiện hiệu quả các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên phụ thuộc chủ yếu vào chính sách của Trung Quốc. Sau hàng loạt động thái mà dư luận nhiều nước coi là "hành động khiêu khích" của Triều Tiên, Trung Quốc đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn với quốc gia láng giềng này.

Cho đến nay, Trung Quốc, với vai trò nước chủ trì đàm phán sáu bên, vẫn khẳng định lập trường ủng hộ giải quyết hòa bình vấn đề hạt nhân của Triều Tiên thông qua đối thoại. Lập trường này được thể hiện rõ qua chuyến công du khoảng 10 ngày qua của Thứ trưởng Ngoại giao kiêm trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Vũ Đại Vĩ tới 4 nước, gồm Nga, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tại các cuộc gặp giữa ông Vũ Đại Vĩ với các đối tác của 4 nước nói trên, các bên đều nhất trí kiềm chế mọi động thái có thể gây thêm bất ổn cho khu vực, hợp tác khai thông bế tắc và duy trì tiến trình đàm phán sáu bên. Các bên đều khẳng định đàm phán sáu bên là cơ chế hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Do đó, với chuyến đi này, ông Vũ Đại Vĩ hy vọng có thể tạo dựng được bầu không khí đối thoại thuận lợi để khởi động lại đàm phán.

Cũng trong nỗ lực nối lại đàm phán sáu bên, các ngoại trưởng của Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc dự định sẽ gặp nhau vào ngày 25/7 tới tại Bắc Kinh. Theo một số nguồn tin, trước cuộc gặp này, các ngoại trưởng của Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ cũng sẽ gặp nhau ở Thái Lan bên lề hội nghị Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) vào ngày 23/7. Trong khi đó, ngày 17/7 cũng sẽ diễn ra cuộc thảo luận cấp chuyên viên giữa Nhật Bản và Mỹ để bàn về khả năng tổ chức đàm phán năm bên.

Theo một số nhà phân tích, trong bối cảnh căng thẳng hiện nay trên bán đảo Triều Tiên, các bên liên quan cần thảo luận một hình thức tham vấn mới để chuẩn bị cho khả năng Bình Nhưỡng trở lại đàm phán sáu bên. Một trong những hình thức tham vấn đó là tiến hành đàm phán năm bên theo đề xuất của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak. Tuy nhiên, mô hình trên khó có thể thực hiện được do chưa nhận được sự ủng hộ tích cực của các bên.

Vì thế, đàm phán sáu bên vẫn là cơ chế hợp lý và cần được duy trì. Mặc dù cơ chế này cần được cải tiến và hoàn thiện thêm một bước, song nó vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc tìm ra “giải pháp an toàn” cho các bên. Trong khuôn khổ đàm phán, các bên có thể xem xét một cách toàn diện những biện pháp nhằm ngăn chặn Triều Tiên tiến hành các vụ thử hạt nhân trong tương lai cũng như gây sức ép buộc nước này giải giáp hạt nhân.

Bên cạnh đó, với khuôn khổ đàm phán sáu bên, Nhật Bản có thể tận dụng cơ hội để giải quyết những vấn đề liên quan tới Triều Tiên.

Mặc dù vậy, khi lập trường của Triều Tiên và các nước còn quá khác biệt, triển vọng nối lại đàm phán sáu bên trong thời gian tới vẫn còn xa vời. Điều đó đòi hỏi các bên phải có thái độ và hành động tích cực hơn nữa cũng như phải chấp nhận nhượng bộ lẫn nhau, vì một bán đảo Triều Tiên phi hạt nhân hóa, vì hòa bình và ổn định trong khu vực./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục