Xác minh lại vụ siêu lừa gần 47 tỷ đồng cổ phiếu OTC

Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung đối với vụ siêu lừa chiếm đoạt gần 47 tỷ đồng cổ phiếu OTC.
Trong các ngày từ 7-9/5, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Đoàn Vũ Thanh Nghĩa, 44 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Trước đó, ngày 1/8/2011, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt Nghĩa lĩnh án tù chung thân về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.”

Tại phiên phúc thẩm ngày 5/12/2012, Tòa án Nhân dân Tối cao đã hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ cho Viện Kiểm sát để điều tra với lý do bản cáo trạng chỉ xác định và đề nghị truy tố Nghĩa chiếm đoạt hơn 42 tỷ đồng, nhưng tòa cấp sơ thẩm lại kết luận chiếm đoạt hơn 46 tỷ đồng, tăng hơn 3,5 tỷ đồng là không đúng với quy định của pháp luật và vi phạm tố tụng hình sự.

Cấp phúc thẩm cũng cho rằng việc quy kết bị cáo phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” là chưa có căn cứ, phải chăng bị cáo chỉ phạm tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản."

Tại phiên sơ thẩm lần này, Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội đã công bố bản cáo trạng mới, xác định Nghĩa lợi dụng mối quan hệ quen biết từ trước với các chị Nguyễn Thị Kim Oanh, Vũ Bích Nga, Nguyễn Hoài Anh, Đỗ Thị Phượng, Vũ Thị Kim Dung để lừa đảo các bị hại này đầu tư tiền mua cổ phiếu rồi chiếm đoạt.

Để tạo lòng tin, Nghĩa nói với những người này là có khả năng mua giúp các cổ phiếu ưu đãi của doanh nghiệp đang cổ phần hóa chưa đưa lên sàn giao dịch (loại cổ phiếu OTC), chắc chắn sẽ lãi từ 5-10%, nhưng việc mua của công ty nào, giá cả, số lượng bao nhiêu phải do Nghĩa mua và đứng tên. Trước khi mua bán, Nghĩa sẽ báo cho mọi người biết thời gian để nộp tiền cho Nghĩa.

Tin lời Nghĩa nói là thật nên các chị Oanh, Nga, Hoài Anh, Phượng và Dung đã nhiều lần đưa tiền cho Nghĩa dưới hai hình thức: đưa trực tiếp (không có giấy biên nhận) và chuyển vào tài khoản.

Thời gian đầu, Nghĩa trả gốc và lãi đầy đủ cho mọi người nhằm tạo niềm tin để mọi người tiếp tục giao tiền cho mình với số lượng lớn. Sau khi cầm được tiền, Nghĩa không mua cổ phiếu mà dùng tiền trả lãi cho những người trước hoặc chỉ thông báo tiền lãi rồi cộng dồn vào tiền gốc để làm tin.

Viện Kiểm sát cáo buộc Nghĩa đã chiếm đoạt tổng cộng hơn 46,8 tỷ đồng, trong đó chiếm đoạt của chị Kim Oanh là gần 16 tỷ đồng, chị Hoài Anh gần 6 tỷ đồng, chị Phượng khoảng 9 tỷ đồng... Các khoản tiền này, đến nay Nghĩa không có khả năng chi trả.

Trước tòa, bị cáo Nghĩa khai cô ta không quảng cáo, rao với mọi người là có khả năng mua cổ phiếu mà những người này tự biết cô ta làm ăn “hiệu quả” nên đã tự tìm đến và đặt vấn đề mua cổ phiếu. Nghĩa nhiều lần không thừa nhận việc các bị hại đã chuyển hàng chục tỷ đồng trực tiếp cho cô ta. Nghĩa còn cho rằng số tiền mà các bị hại chuyển vào tài khoản cho Nghĩa là do họ nợ tiền của Nghĩa trước đó.

Các bị hại đều đồng loạt cho rằng họ không vay nợ Nghĩa mà chỉ là do thấy Nghĩa nói quen biết và có thể mua cổ phiếu có lãi, nên đã vay mượn, dồn tiền để đưa cho Nghĩa kinh doanh, lấy lãi.

Trước mâu thuẫn này, Nghĩa đã đề nghị tòa cho xác minh lại tài khoản đứng tên bị hại Nguyễn Thị Kim Oanh và chồng tại ngân hàng Vietcombank, Techcombank từ năm 2007 đồng thời, bị cáo cũng yêu cầu xác minh lại tài khoản của các bị hại còn lại là Vũ Bích Nga, Nguyễn Hoài Anh, Đỗ Thị Phượng, Vũ Thị Kim Dung. Các bị hại cũng đồng ý để cơ quan điều tra xác minh lại tài khoản của mình trong ngân hàng.

Xét thấy những yêu cầu này không thể giải quyết ngay tại tòa, Hội đồng xét xử đã quyết định trả hồ sơ vụ án, yêu cầu điều tra bổ sung việc xác minh tài khoản của các bị hại và làm rõ một số nội dung mà Tòa án Nhân dân Tối cao trong phiên phúc thẩm đã yêu cầu điều tra lại.../.

Kim Anh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục