Xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội

Với sự hỗ trợ của tổ chức GIZ (Đức), Bộ LĐTB và XH đã tổ chức hội thảo quốc tế về xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

Chiều 15/11, tại Hà Nội, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm quốc tế xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội.

Hiện nay các cơ sở dữ liệu chuyên ngành được phát triển một cách tự phát, không dựa trên một nền tảng thống nhất, đồng bộ; do đó, việc cập nhật, quản lý thông tin mang tính đơn lẻ, không kịp thời, độ tin cậy thấp dẫn đến không đáp ứng được nhu cầu quản lý Nhà nước.

Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành không có sự kết nối dẫn đến chồng chéo, tốn kém từ khâu thu thập thông tin, quản lý, khai thác, chia sẻ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị cho rằng việc chưa có mã định danh công dân cũng là một thách thức trong việc kết nối giữa các cơ sở dữ liệu với nhau.

Hệ thống an sinh xã hội đang trong quá trình hoàn thiện vì vậy các chính sách luôn luôn biến động. Đội ngũ cán bộ các cấp chưa được đào tạo chuyên sâu về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, vận hành, khai thác...

Đề án cơ sở dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội được xây dựng nhằm thực hiện nhiệm vụ "xây dựng mã số an sinh xã hội để phát triển hệ thống thông tin chính sách an sinh xã hội; xây dựng bộ chỉ số về an sinh xã hội quốc gia và bộ cơ sở dữ liệu hộ gia đình để phát triển hệ thống giám sát, đánh giá thực hiện chính sách an sinh xã hội hàng năm" quy định tại Nghị quyết số 70/NQ-CP của Chính phủ.

Mục tiêu của Đề án là tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực an sinh xã hội thông qua một hệ thống dữ liệu quốc gia về an sinh xã hội thống nhất, đồng bộ.

Đề án tập trung thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng chính sách, quy định; chuẩn hóa bộ chỉ tiêu thống kê quốc gia về an sinh xã hội, xây dựng bộ mã số an sinh xã hội dựa trên nền tảng mã số công dân; chuẩn hóa, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhân viên quản lý vận hành hệ thống an sinh xã hội.

Đối tượng của Đề án là các cơ quan quản lý nhà nước về an sinh xã hội các cấp; các cơ quan quản lý, tổ chức có liên quan trên phạm vi cả nước; công dân là đối tượng thụ hưởng các chế độ chính sách về an sinh xã hội.

Giai đoạn thực hiện Đề án là từ năm 2014 đến năm 2018.

Tại Hội thảo, các đại biểu cũng đã nghe các đại biểu quốc tế chia sẻ kinh nghiệm về việc xây dựng hệ thống thông tin quản lý dự án an sinh xã hội cho lao động phi chính thức tại Ấn Độ; hệ thống thông tin quản lý tại Kyrgyztan và việc ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực an sinh xã hội tại Campuchia./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục