Xây dựng đề án thí điểm chính quyền đô thị TP.HCM

Bí thư Thành ủy TP.HCM nhấn mạnh thành phố sẽ triển khai xây Đề án thí điểm chính quyền đô thị nghiêm túc, quyết tâm chính trị cao.
Ngày 7/8, phát biểu tại Hội nghị bất thường Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh để đóng góp ý kiến vào bản dự thảo Đề án thí điểm Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố đã nhấn mạnh: Quán triệt Kết luận 64-KL/TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai xây dựng Đề án thí điểm Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh với tinh thần nghiêm túc, trách nhiệm và quyết tâm chính trị cao.

Ông Lê Thanh Hải nêu rõ: Việc xây dựng Đề án này là trách nhiệm của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố và góp phần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy quản lý, cụ thể là về chính quyền địa phương trong cả nước.

Hiện nay, cơ sở pháp lý để xây dựng Đề án đã có đủ, nhưng phạm vi của đề án rất lớn, liên quan đến Hiến pháp, cho nên có nhiều luật liên quan phải được điều chỉnh. Việc xây dựng và thực hiện đề án là hết sức quan trọng và phức tạp, cần phải làm thí điểm với bước đi thích hợp, vừa làm vừa rút kinh nghiệm và từng bước bổ sung, hoàn thiện.

Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá Đề án thí điểm Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, bám sát các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của thành phố, đưa ra những định hướng lớn về mô hình chính quyền đô thị.

Ban chấp hành đã giao Ban cán sự Ủy ban nhân dân thành phố và Ban chuẩn bị Đề án làm rõ hơn, minh chứng rõ hơn việc xây dựng chính quyền đô thị mới đúng với bản chất của chế độ ta là “chính quyền của dân, do dân, vì dân”; làm rõ quy chế tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu; tránh tình trạng quan liêu, cửa quyền, xa dân… Ban chấp hành cũng giao Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức lấy ý kiến sâu rộng hơn, lắng nghe và tiếp thu ý kiến của nhân dân để hoàn chỉnh đề án này.

Theo dự thảo đề án, Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích tự nhiên 2.095,54 km2, với 19 quận và 5 huyện, dân số trên 8 triệu người (nếu tính cả người vãng lai hiện gần 10 triệu người), là một trong số 40 đô thị đông dân nhất thế giới, là đô thị đặc biệt, một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-kỹ thuật, đầu mối giao thông, giao lưu trong nước và quốc tế, có đóng góp ngày càng lớn vào sự phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Trong nhiều năm qua, thành phố đã được Trung ương Đảng tập trung lãnh đạo, được Quốc hội, Chính phủ quan tâm chỉ đạo thường xuyên và được sự hỗ trợ, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành Trung ương, tạo thuận lợi trong quá trình quản lý, điều hành để đáp ứng yêu cầu phát triển; trong đó, phân cấp quản lý ngày càng nhiều hơn cho chính quyền thành phố trong các lĩnh vực quản lý đô thị, phát triển kinh tế-văn hóa-xã hội và đảm bảo quốc phòng-an ninh.

Tuy nhiên, với mô hình tổ chức chính quyền địa phương hiện nay của thành phố đang ngày càng bất cập so với yêu cầu quản lý và phát triển đô thị. Mặt khác, thành phố là một đô thị đặc biệt, có những tính chất đặc thù so với nhiều địa phương khác nên cần nghiên cứu một mô hình tổ chức quản lý và một cơ chế quản lý thích hợp. Từ thực tế này, thành phố đã xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị nhằm các mục tiêu: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý Nhà nước trên địa bàn, phù hợp với đặc điểm, tính chất của đô thị đặc biệt và điều kiện vận hành của cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế; xây dựng hai cấp chính quyền địa phương tại thành phố; xây dựng bộ máy quản lý hành chính Nhà nước chuyên nghiệp, tinh gọn.

Theo Đề án này, chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức dựa trên nguyên tắc chủ yếu: Chính quyền địa phương có 2 cấp, bao gồm cấp thành phố trực thuộc Trung ương và cấp cơ sở. Cấp cơ sở bao gồm cấp xã, thị trấn và thành phố (hoặc thị xã). Riêng địa bàn đô thị của 13 quận nội thành chỉ có 1 cấp chính quyền.

Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh được xây dựng theo mô hình chuỗi đô thị, bao gồm: Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh - thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu chính quyền có Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền này vừa đóng vai trò là chính quyền cấp trên cơ sở, vừa là chính quyền đô thị của 13 quận nội thành. Tại mỗi quận tổ chức cơ quan đại diện hành chính dưới hình thức Ủy ban hành chính.

Đề án cũng kiến nghị thành lập chính quyền 4 đô thị thành lập mới. Đây là chính quyền cơ sở dưới cấp chính quyền thành phố Hồ Chí Minh. Đối với 4 đô thị thành lập mới có chính quyền 2 cấp gồm: Cấp Thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Trung ương và cấp đô thị thành lập mới. Các đô thị này có tên gọi là các thành phố (hoặc thị xã), tạm đặt là các thành phố Đông, Nam , Tây, Bắc; trong đó, thành phố Đông, bao gồm quận 2, 9 và Thủ Đức; thành phố Nam bao gồm toàn bộ quận 7, huyện Nhà Bè và một phần diện tích của Phường 7 thuộc quận 8; thành phố Tây bao gồm quận Bình Tân và một phần diện tích của các phường 7, phường 16 thuộc quận 8 và 4 xã của huyện Bình Chánh; thành phố Bắc bao gồm quận 12 và huyện Hóc Môn.

Trên địa bàn nông thôn, sau khi tổ chức 4 thành phố mới, diện tích còn lại khoảng 1.304 km2 sẽ tổ chức thành các xã và thị trấn. Đây là cấp chính quyền cơ sở, với cơ chế tự chủ cao.

Như vậy, theo mô hình này, Chính quyền đô thị Thành phố Hồ Chí Minh được tổ chức phù hợp với loại đô thị đặc biệt, theo mô hình chính quyền địa phương có 2 cấp, gồm chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh và chính quyền cấp cơ sở gồm 4 thành phố trực thuộc, các xã, thị trấn còn lại là pháp nhân công quyền, có địa vị pháp lý như nhau.

Đô thị hiện hữu, tức là 13 quận nội thành, là một đô thị hoàn chỉnh, đóng vai trò đô thị trung tâm, thuộc pháp nhân công quyền Thành phố Hồ Chí Minh; 4 đô thị vệ tinh là các thành phố Đông, Nam, Tây, Bắc là những đô thị mới, được tổ chức thành một cấp chính quyền (cơ sở), Chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh quản lý theo cơ chế phân cấp; 3 thị trấn là chính quyền cơ sở; 35 xã là chính quyền cơ sở; đồng thời có cơ quan đại diện hành chính của chính quyền cấp trên là quận, phường và huyện./.

Hà Huy Hiệp (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục