Xây dựng đô thị Thủ đô xứng tầm: Bài 1: Cần sự cải thiện đích thực

Công việc thu gom rác cho thấy Hà Nội đang quyết tâm thay đổi hình ảnh lạc hậu để tiến tới một đô thị hiện đại, nhưng nhiều lĩnh vực khác cũng đang cần "đại phẫu."
Xây dựng đô thị Thủ đô xứng tầm: Bài 1: Cần sự cải thiện đích thực ảnh 1Lấn chiếm vỉa hè ở Hà Nội. (Nguồn: TTXVN)

Thăng Long-Hà Nội, mảnh đất ngàn năm văn hiến đang thực sự vươn mình mạnh mẽ, xứng với tên gọi “con Rồng châu Á." Ai sinh sống tại đây đều có thể cảm nhận rõ sự khác biệt của Hà Nội xưa và nay, với các công trình đồ sộ, quy mô dân số, diện tích gấp nhiều lần. Hà Nội đã khẳng định được là Thủ đô - trung tâm đầu não lớn về mọi mặt của đất nước.

Tuy nhiên, khi đến Hà Nội, không ít người vẫn phải rầu lòng bởi chứng kiến nhiều cảnh tượng thiếu chất văn hóa. Đây cũng là điều khiến lãnh đạo Hà Nội trăn trở, nhiều năm qua luôn chọn chủ đề “Năm trật tự văn minh đô thị” để tập trung hành động.

TTXVN giới thiệu loạt bài “Để xây dựng đô thị Thủ đô xứng tầm."

Thiếu ý thức - Nỗi lo lớn

Bao năm qua, chúng ta vẫn thấy hình ảnh chị lao công cần mẫm quét rác, xào xạc tiếng chổi tre trên từng con phố. Nay, vẫn chiếc xe rác ấy nhưng chị lao công phải cơi thêm thùng để có thể chứa hết lượng rác thải ra ở mỗi tuyến phố. Rác nhiều cho thấy Hà Nội đã thay đổi về quy mô dân số. Nhưng điều đáng nói hơn vẫn là ý thức, thói quen xả rác bừa bãi của từng nhà, từng người chưa được đổi thay. Dường như ai cũng biết xả rác làm bẩn môi trường, nhưng ý thức bảo vệ thì không phải ai cũng làm và rồi mỗi ngày rác tồn tại khắp nơi trên phố, khiến ai cũng than phiền.

Là công nhân quét rác gần 20 năm ở khu phố Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng, chị Hòa cảm nhận rõ sự thay đổi ở khu phố này qua rác. Vừa nhanh tay quét lượng rác vương vãi trên vỉa hè, chị Hòa cho biết lượng rác thải ra giờ đủ loại, từ vỏ rượu ngoại, bìa cáctông hộp bánh đến những đồ da mỹ nghệ, thức ăn thừa... ​Điều đó cho thấy điều kiện kinh tế của gia chủ đã khá giả hơn nhiều. Tuy nhiên, ý thức giữ vệ sinh chung của người dân Hà Nội có phần giảm sút so với trước đây, rác vứt tùy tiện. Nhiều khi thùng rác ngay cửa nhà nhưng nhiều người không ngần ngại vứt ra đường trong nháy mắt, vì nghĩ có người sẽ dọn cho mình.

"Ai nấy đều ý thức, mỗi người chung tay làm một việc rất nhỏ thì thành phố đẹp biết bao, mà lại không tốn kém chi phí nhân công," chị Hòa than phiền.

Theo số liệu thống kê, mỗi ngày tại 4 quận lõi của Hà Nội thải ra môi trường khoảng 40 tấn rác, tăng 10 lần so với năm 2000. Rác bẩn tồn tại ở Hà Nội do nhiều nguyên nhân, song ý thức của người dân, cũng như việc buông lỏng quản lý chính là cốt lõi của vấn đề.


Nhọc nhằn “trận địa” vỉa hè

Có lẽ, ai cũng biết vỉa hè là dành cho người đi bộ. Vậy nhưng vỉa hè đường phố Hà Nội dường như kết hợp đa chức năng, biến thành bãi giữ xe, “siêu thị” di động, hàng xáo, hàng gánh hay còn là nơi sinh hoạt “trà đá chém gió” mỗi chiều.

Nếu như hỏi những người bạn nước ngoài đến du lịch xem họ băn khoăn nhất điều gì ở Hà Nội, chắc hẳn nhiều câu trả lời là “Hà Nội về đêm." Hà Nội không chỉ náo nhiệt, ồn ào mà về đêm dường như có nhiều thứ xa rời với các quy định ban ngày.

Ở các tuyến phố các quận nội đô như Quán Sứ, Hai Bà Trưng, Hàm Long, Hàng Tre..., vỉa hè vô cùng sôi động, như thể sinh ra để đương nhiên làm chỗ kinh doanh buôn bán.

Dãy bàn ghế nhựa được đưa bày ra sát mép đường phục vụ thực khách, với đủ loại hàng hóa đến đồ ăn, thức uống được bày bán. Nơi ồn ào, chạm cốc với những tiếng tung hô. Sát cạnh là chỗ bày bán tạp hóa, giầy dép, quần áo đại hạ giá với lời ngã giá chào mời ầm ĩ như chợ về đêm.

Người ta nghiễm nhiên kinh doanh, xả rác, trục lợi trên hè phố. Từ nước thải, xô chậu của quán ăn, đến hàng vịt nướng phun khói ra đường, biến vỉa hè như một trận địa với rác thải khắp nơi, dơ bẩn hôi tanh. Vỉa hè đang mất kiểm soát, hay nói đúng hơn là bất lực trong quản lý, trở thành vấn đề cực kỳ nhức nhối ở Thủ đô từ nhiều năm qua.

Đừng để “quyết tâm nửa vời”

Vỉa hè Hà Nội thời gian gần đây đã được chỉnh trang nhiều, lát đá, lát gạch, làm cho đường phố đẹp hơn, nhưng công năng của nó lại không như mong muốn. Đã nhiều lần Hà Nội ra quân xử lý lập lại trật tự hè phố nhưng chỉ được chóng vánh. Nguyên nhân một phần là do buông lỏng quản lý của chính quyền sở tại, thiếu quyết liệt trong triển khai, xử lý, nể nang né tránh, thậm chí “bật đèn xanh” cho vi phạm tồn tại.

Vỉa hè ở Hà Nội có tới "năm cha ba mẹ" quản lý nhưng trách nhiệm chính thuộc Ủy ban Nhân dân phường sở tại.

Bà Nguyễn Thị Huyền, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng cho rằng rất khó để xử lý triệt để, vì trên địa bàn cũng có hộ gia đình chính sách, gia đình nghèo, họ kiếm kế sinh nhai ở vỉa hè, đây cũng là thực tế khó của địa phương.

Sau tiếng loa máy oang oang của cán bộ công an phường, yêu cầu các hộ dân, tháo dỡ mái che mái vẩy, để gọn đồ đạc, thu gọn hàng ăn, không lấn chiếm vỉa hè, thì cả tuyến phố như náo loạn đối phó. Nhưng tiếng loa vừa dứt chừng 5 phút, nhiều chủ hàng nước cũng như hộ kinh doanh tại nhiều tuyến đường lại tràn ra, bắt đầu điệp khúc chiếm vỉa hè.

Chép miệng rồi chỉ tay về phía hè đối diện, một chủ quán trên đường Phạm Đình Hổ buông lời: “Người khác bán trên vỉa hè được, mình cũng bán, nếu chấp hành nghiêm túc thì lấy gì mà ăn."

Là một người từng sống ở Đức nhiều năm, anh Trần Văn Trường cho biết vỉa hè ở một số nước châu Âu, cũng bày bán báo, quán cà phê..., có điều ở những nơi như vậy, giá cho thuê vỉa hè rất cao và phải có những quy định cụ thể về khoảng cách giữa quầy bán báo và quán càphê... Nhiều tuyến đường trong thành phố, vỉa hè còn được bố trí những băng ghế nghỉ chân, những thư viện sách ngoài trời, thùng chứa rác, trạm điện thoại, máy rút tiền tự động. "Nhìn vào vỉa hè là người ta biết văn minh của đô thị, đất nước", anh Trường chia sẻ.

Khác với vẻ lầm lũi, lặng lẽ của chị lao công trước đây, từ khoảng 3 tháng nay, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên môi trường Hà Nội đã cho những chiếc xe tải nhẹ đi thu gom rác trên một số tuyến phố của Thủ đô. Khi chiếc xe đi đến đâu, mang theo đoạn nhạc sôi động với câu hát như lời kêu gọi: "Tổ quốc Việt Nam xanh ngát/Có sạch đẹp mãi được không/Điều đó tùy thuộc hành động của bạn/Chỉ thuộc vào bạn mà thôi..." liên tục lặp đi lặp lại mãi không dứt, đem lại ấn tượng mạnh với người dân Hà Nội.

Công việc thu gom rác cho thấy Hà Nội đang quyết tâm thay đổi hình ảnh lạc hậu để tiến tới một đô thị hiện đại. Nhưng có lẽ không chỉ ở lĩnh vực vệ sinh môi trường mà nhiều lĩnh vực khác ở Thủ đô như giao thông, quy hoạch, cũng đang cần cuộc "đại phẫu" để cải thiện hình ảnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục