Xây dựng, phát triển tỉnh Lào Cai thành một cực tăng trưởng

Quy hoạch phát triển tỉnh Lào Cai nhằm hướng đến xây dựng, phát triển tỉnh Lào Cai trở thành một cực tăng trưởng và trung tâm kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN.
Xây dựng, phát triển tỉnh Lào Cai thành một cực tăng trưởng ảnh 1Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trao Quyết định của Thủ tướng Chính phủ cho tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Thu Hương/TTXVN)

Chiều 12/4, tại thành phố Lào Cai, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai đã tổ chức công bố Quy hoạch tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định 316/QĐ-TTg ngày 29/3/2023.

Theo quy hoạch được phê duyệt, tỉnh Lào Cai có diện tích tự nhiên 6.364km2 gồm 9 đơn vị hành chính: thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và 7 huyện.

Quy hoạch phát triển tỉnh Lào Cai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm hướng đến xây dựng, phát triển tỉnh Lào Cai trở thành một cực tăng trưởng và trung tâm kết nối các tỉnh phía Tây Nam Trung Quốc và các nước ASEAN, phù hợp với với quan điểm, chủ trương phát triển chung của Vùng trung du miền núi phía Bắc và cả nước, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng của vùng và cả nước.

Quy hoạch bố trí không gian phát triển kinh tế-xã hội của Lào Cai trên cơ sở tập trung phát triển một trục động lực; hai cực phát triển; ba vùng kinh tế; bốn trụ cột phát triển kinh tế; năm nhiệm vụ trọng tâm.

Đến năm 2030, phấn đấu GRDP bình quân đầu người của tỉnh Lào Cai đứng trong nhóm 10 tỉnh, thành phố có GRDP bình quân đầu người cao của cả nước.

Thu nhập bình quân đầu người đứng trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước; trở thành trung tâm của vùng và cả nước về du lịch, kinh tế cửa khẩu, dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân của Lào Cai thời kỳ 2021-2030 phấn đấu đạt trên 10%/năm. GRDP bình quân đầu người đạt trên 260 triệu đồng/năm, thu nhập bình quân đầu người phấn đấu đạt trên 145 triệu đồng.

[Công bố quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch Quốc gia Sa Pa]

Lào Cai phấn đấu tự cân đối ngân sách vào năm 2030. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội cả thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 754.000 tỷ đồng. Tỷ lệ xã đạt chuẩn quốc gia về nông thôn mới đạt trên 90% và trên 70% số huyện đạt huyện nông thôn mới.

Cũng theo quy hoạch, đến năm 2050, xây dựng Lào Cai trở thành tỉnh phát triển, là một trung tâm phát triển của vùng Trung du, miền núi Bắc Bộ và cả nước; là trung tâm kết nối quan trọng trên hành lang kinh tế Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Hải Phòng-Quảng Ninh giữa Trung Quốc, Việt Nam, ASEAN và châu Âu với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại và tích hợp.

Kinh tế Lào Cai phát triển theo hướng chủ đạo là sáng tạo, xanh, sạch; một trong những trung tâm hoạt động văn hóa lớn ở vùng Tây Bắc với các thế mạnh về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa của vùng đồng bào các dân tộc; bảo đảm sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Để hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển của tỉnh Lào Cai theo quy hoạch, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai Vũ Xuân Cường đề nghị ngay sau hội nghị, các cấp, các ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao tập trung làm tốt công tác truyền thông, công bố, công khai nội dung quy hoạch đối với từng ngành, lĩnh vực, địa phương… trên tất cả các nền tảng thông tin để cán bộ, công chức, viên chức, các nhà tư vấn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư và toàn dân hiểu được khát vọng phát triển của địa phương trong giai đoạn tới.

Các ngành nâng cao tinh thần trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác quản lý quy hoạch, vừa bảo đảm quy hoạch được triển khai trong thực tế, vừa tận dụng tối đa nguồn lực trong thực hiện theo quy hoạch.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lào Cai đề nghị các sở, ngành, địa phương cập nhật, điều chỉnh, bổ sung xong các nội dung liên quan đến quy hoạch tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chủ động nghiên cứu, sửa đổi các cơ chế, chính sách đã ban hành, đề xuất ban hành mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế-xã hội cho từng thời kỳ, tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục