Xu hướng các tổ chức phi chính phủ liên kết để phát triển bền vững

Trong bối cảnh nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài cho các tổ chức phi chính phủ đang ngày càng ít, việc liên kết giữa các tổ chức tạo thành một mạng lưới là cách để các tổ chức phát triển bền vững.
Xu hướng các tổ chức phi chính phủ liên kết để phát triển bền vững ảnh 1Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các mạng lưới. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trong bối cảnh nguồn vốn hỗ trợ từ nước ngoài cho các tổ chức phi Chính phủ đang ngày càng ít, việc liên kết giữa các tổ chức tạo thành một mạng lưới là cách hiệu quả để các tổ chức tiếp tục phát triển bền vững, duy trì được các hoạt động vì cộng đồng.

Đây là thông tin được đưa ra tại hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các mạng lưới” do Trung tâm thông tin Tổ chức phi Chính phủ (NGO-IC) phối hợp với Trung tâm Phát triển nông thôn bền vững (SRD) tổ chức sáng 26/5 tại Hà Nội.

Tại hội thảo, các tham luận tập trung vào vấn đề chia sẻ kinh nghiệm hoạt động của các mạng lưới: Mạng lưới an ninh lương thực và giảm nghèo (CIFPEN), Mạng lưới các tổ chức phi Chính phủ Việt Nam về thực thi Lâm luật, quản trị Rừng và thương mại Lâm sản (VNGO FLEGT), Mạng lưới vận động chính sách cấm sử dụng amiang tại Việt Nam (VN-BAN), Mạng lưới đồng đẳng trong phòng, chống HIV/AIDS, Mạng lưới góc nhìn báo chí-công dân….

Phát biểu tại hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Trung tâm thông tin Tổ chức phi Chính phủ (NGO-IC), Tiến sỹ Hồ Uy Liêm nhận định rằng, thời gian gần đây, Chính phủ luôn quan tâm, ghi nhận vai trò và sự đóng góp tích cực của các mạng lưới. Các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước đang từng bước được hoàn thiện, hướng tới tạo điều kiện thuận lợi cho sự ra đời và hoạt động của các mạng lưới, góp phần đem lại lợi ích thiết thực cho đất nước.

Theo tiến sỹ Hồ Uy Liêm, nhận thức của dân chúng và các nhóm cộng đồng khác nhau về vai trò, sự hiện diện của các mạng lưới cũng đã được thay đổi theo hướng bình đẳng, dân chủ, công khai minh bạch và cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro.

Tiến sỹ Hàn Mạnh Tiến, Chủ tịch Hội các nhà Quản trị doanh nghiệp Việt Nam (VACD) nhấn mạnh, để phát triển bền vững, các tổ chức phi chính phủ phải liên kết cùng chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, hiệu quả hoạt động với nhau.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều thách thức đối với hoạt động của các mạng lưới như: Việc phối hợp giữa các tổ chức nhiều lúc chưa thực sự chặt chẽ, hoạt động mạng lưới phụ thuộc chủ yếu vào nguồn dự án tài trợ quốc tế, tính chủ động trong huy động nguồn lực chưa cao, năng lực chuyên môn còn có yếu, thay đổi nhân sự ở các tổ chức thành viên dẫn đến sự tham gia không đều của các thành viên. …

Đến nay, các mạng lưới hoạt động ở Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển. Hệ thống các tổ chức phi chính phủ đã có hơn 100 tổ chức, mạng lưới, chỉ riêng mạng lưới đồng đẳng trong phòng, chống HIV/AIDS đã có 309 nhóm tại 43 tỉnh, thành trong cả nước tham gia.

Nhiều đại biểu mong muốn các cơ quan quản lý nhà nước tiếp tục quan tâm bổ sung, hoàn thiện các cơ chế chính sách. Sự hợp tác của các cơ quan nhà nước với các tổ chức phi Chính phủ trong nước cần được hỗ trợ hơn nữa để có thể duy trì bền vững những hoạt động vì cộng đồng có hiệu quả./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục