Xử nghiêm vi phạm chất lượng, sang chiết lậu gas

Trước tình hình giá gas tăng cao, Bộ Tài chính yêu cầu các Sở Tài chính tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh gas.
Sau một tháng giảm 36.000 đồng/bình 12kg (từ đầu tháng Bảy vừa qua), kể từ ngày 1/8, giá bán lẻ gas trong nước được điều chỉnh tăng mạnh tới 52.000 đồng/bình 12kg, do giá nhập khẩu thế giới tăng tới 177,50 USD/tấn, lên mức 775 USD/tấn.

Với mức điều chỉnh này, giá bán lẻ gas tới tay người tiêu dùng sẽ được nâng lên mức 367.000 đồng/bình 12kg.

Trước tình hình giá gas tăng cao, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân, Bộ Tài chính đã yêu cầu các Sở Tài chính tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, đại lý kinh doanh gas.

Lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước thuộc Bộ Công Thương nhận định rằng gas trong nước sản xuất còn rất hạn chế, một lượng lớn còn phải nhập khẩu. Mặt khác, do nhu cầu tiêu dùng của các nước trong khu vực và trên thế giới tăng mạnh nên giá gas và khí đốt hóa lỏng tăng rất cao. Điều đó cũng gây áp lực về việc điều chỉnh giá gas trong nước.

Ngoài ra về nguyên tắc, gas là mặt hàng đăng ký giá nhưng theo cơ chế thị trường và Nhà nước sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát để hạn chế việc lợi dụng tăng giá bất hợp lý.

Cũng theo Vụ Thị trường trong nước, Nghị định 104/2011/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu và Nghị định 105/2011/NĐ-CP về kinh doanh khí hóa lỏng đều có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Từ đó đến nay, các lực lượng kiểm tra đã tăng cường giám sát hệ thống phân phối, điều kiện kinh doanh, cơ sở sang chiết nạp, kiểm tra kiểm soát về giá.

Riêng về giá xăng dầu, giá gas đều theo Pháp lệnh giá, điều hành theo giá thị trường. Để bình ổn giá xăng dầu, giá bán từ đầu mối đến tổng đại lý phải đăng ký giá với Sở tài chính địa phương.

Các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương có trách nhiệm phối hợp kiểm tra xem doanh nghiệp có đăng ký đúng quy định với mặt hàng bình ổn hay không. Trường hợp phát hiện bán sai giá niêm yết, tăng giá không đúng theo quy định thì cơ quan Quản lý thị trường mới vào cuộc. Nhà nước tạo môi trường pháp luật để các doanh nghiệp cạnh tranh theo cơ chế thị trường và đối với từng mặt hàng cụ thể sẽ có những yêu cầu cụ thể. Riêng với gas, Nhà nước cho phép một đầu mối có thể được bán cho ba hệ thống phân phối khác nhau.

Theo Cục Quản lý thị trường thuộc Bộ Công Thương, năm nay, các Chi cục Quản lý thị trường sẽ tổng kiểm tra hệ thống phân phối các mặt hàng xăng dầu, gas bởi đây là hai mặt hàng điều hành theo thị trường và thuộc diện bình ổn nên muốn tăng, giảm giá là doanh nghiệp phải kê khai, đăng ký với Sở Tài chính tại địa phương.

Cục cũng đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường các địa phương tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vi phạm quy định về chất lượng gas, các trường hợp chiết nạp gas lậu, vi phạm về giá trong kinh doanh gas để lập lại trật tự thị trường gas, đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng./.

Uyên Hương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục