Xuất khẩu không phải là nguyên nhân khiến phân bón trong nước đội giá

Theo Bộ Công Thương, xuất khẩu phân bón không phải là nguyên nhân chính đẩy giá lên bởi lượng phân bón sản xuất trong nước dành cho nhu cầu nội địa trong 6 tháng đầu vừa qua vẫn tăng gần 290.000 tấn.
Xuất khẩu không phải là nguyên nhân khiến phân bón trong nước đội giá ảnh 1Sản phẩm đạm Phú Mỹ của Công ty PVFCCo. (Ảnh: TTXVN)

Giá phân bón tăng cao liên tục trong những tháng gần đây (tăng khoảng 30-40% tùy loại so với thời điểm tháng 12/2020).

Trong khi đó, sản lượng sản xuất trong nước cũng như nhập khẩu các mặt hàng này từ đầu năm đến nay đều tăng cao, các doanh nghiệp đều khẳng định hoàn toàn đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước.

Vì vậy, việc đánh giá tìm ra nguyên nhân để đề xuất các giải pháp bình ổn thị trường cũng là nội dung chính tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp cùng các địa phương sáng 11/8.

Không có chuyện cung-cầu đứt gãy

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, trong nửa đầu năm nay, sản lượng phân bón sản xuất trong nước tăng hơn 11,7% so cùng kỳ năm 2020. Cùng đó, lượng nhập khẩu cũng tăng gần 15%, xuất khẩu tăng 44,7%.

Mặc dù xuất khẩu phân bón tăng cao, với sản lượng khoảng 667.000 tấn, song, đại diện ngành Công Thương khẳng định xuất khẩu phân bón không phải là nguyên nhân chính đẩy giá lên, bởi lượng phân bón sản xuất trong nước dành cho nhu cầu nội địa trong 6 tháng vừa qua vẫn tăng gần 290.000 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.

[Phân bón tăng giá, hiện tượng găm hàng có thể xảy ra]

Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết nhu cầu sử dụng cùng năng lực sản xuất và khối lượng nhập khẩu đều tăng và không có chuyện giữa cung và cầu có sự đứt gãy. Thậm chí, theo tính toán số lượng dư đến thời điểm này khoảng 0,5 triệu tấn.

“Tất cả các địa phương, các Sở Nông nghiệp, cục cũng như Bộ đều nắm bắt được điều này và chưa có ai báo cáo nơi nào do thiếu cung về phân bón dẫn đến gián đoạn sản xuất,” ông Hoàng Trung nói.

Còn theo báo cáo của Bộ Công Thương, giá phân bón tăng cao do nhiều nguyên nhân. Đơn cử, giá nông sản trên thế giới liên tục tăng trong thời gian qua (điển hình là giá gạo) kết hợp với tình hình thời tiết thuận lợi đã thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển, kèm theo đó là nhu cầu phân bón tăng theo.

Trong khi đó, do giá phân bón giảm quá sâu trong nửa đầu năm 2020, nguồn cung phân bón trên thế giới lại có xu hướng giảm nên không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh.

Ở góc độ khác, tác động của dịch COVID-19, nhiều tỉnh, thành phố khu vực phía Nam thực hiện giãn cách nên vấn đề lưu thông hàng hóa, vận chuyển khó khăn, dẫn đến các loại chi phí đều tăng lên làm cho giá phân bón cũng vì thế mà tăng cao.

Ông Bùi Thế Chuyên, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn hóa chất Việt Nam cho rằng dù Bộ Công Thương đã có đề nghị các hiệp hội, ngành hàng giảm chi phí logistics, cảng biển, lưu kho… song vẫn cần có các giải pháp hỗ trợ từ Chính phủ nhằm ổn định thị trường phân bón trong nước.

Theo đó, ông Chuyên đề xuất các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu cho các chính sách về thuế VAT đối với phân bón, bởi một năm các doanh nghiệp chi phí hàng nghìn tỷ không được khấu trừ phải tính vào chi phí sản xuất; giữ bình ổn một số nguyên liệu vật tư trong nước có thể cung cấp được, như than đầu vào cho sản xuất ure…

Phát huy tối đa công suất để cung ứng cho thị trường

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định từ cuối quý 1, khi diễn biến giá phân bón có chiều hướng tăng, có tình trạng nguồn cung ở một số nơi thiếu hụt cục bộ do ảnh hưởng của khâu vận chuyển, chi phí tăng cao… Bộ Công Thương đã yêu cầu các doanh nghiệp sản xuất trong nước giảm xuất khẩu và thực tế các doanh nghiệp đã giảm mạnh xuất khẩu phân bón trong thời gian vừa qua.

Cụ thể, xuất khẩu tháng 5 đạt 104.230 tấn, giảm 25% so với tháng 4/2021; xuất khẩu tháng 6 đạt gần 88.000 tấn, giảm 15,5% so với tháng 5/2021.

Xuất khẩu không phải là nguyên nhân khiến phân bón trong nước đội giá ảnh 2Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh phát biểu tại cuộc họp trực tuyến đề xuất các giải pháp bình ổn thị trường phân bón. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Liên quan tới việc xem xét bãi bỏ thuế phòng vệ thương mại đối với một số mặt hàng phân bón đang nhập khẩu, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định kỳ rà soát tới Bộ Công Thương sẽ tiếp nhận ý kiến, đề nghị các nhà sản xuất phân bón DAP, MAP, các đơn vị nhập khẩu phân bón và các nhà sử dụng phân bón khác để đưa ra quyết định phù hợp trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và các cam kết khi gia nhập tổ chức thương mại thế giới…

Theo ông Khánh, thời gian qua, Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý thị trường phân bón, chống các hành vi gian lận thương mại, đầu cơ, tích trữ, đẩy giá phân bón lên cao và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Tuy vậy, để ổn định thị trường phân bón trên cơ sở phù hợp với quy định của pháp luật và cam kết quốc tế, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón duy trì, phát huy tối đa công suất để cung ứng nhanh, kịp thời phân bón ra thị trường và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước.

Ngoài ra, ông Khánh đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát, tính toán, định kỳ công bố nhu cầu sử dụng các loại phân bón chủ chốt phục vụ sản xuất nông nghiệp trong từng giai đoạn, mùa vụ để các doanh nghiệp chủ động cân đối kế hoạch sản xuất, kinh doanh.

Nhấn mạnh đến nguồn cung, đại diện Bộ Công Thương đề nghị các đơn vị đẩy mạnh sản xuất phân bón hữu cơ, đặc biệt là phân bón hữu cơ sử dụng nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước (phụ phẩm trồng trọt, chất thải chăn nuôi, rác thải sinh hoạt…) để vừa cải tạo đất, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng phân bón, từ đó giảm dần sử dụng phân bón vô cơ, xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng nông sản và bảo vệ môi trường.

Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thành dự thảo Luật sửa đổi Luật Thuế số 71 theo hướng đưa phân bón thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng, trình Thủ tướng xem xét, báo cáo Quốc hội và giao các địa phương chủ động phối hợp với các Bộ, ngành liên quan trong việc chỉ đạo, điều hành sản xuất, kinh doanh cũng như lưu thông phân bón trên thị trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục