Nhân Ngày Pasta thế giới (25/10), Italy đã công bố số liệu cho thấy kim ngạch xuất khẩu pasta - một trong những sản phẩm mang tính biểu tượng của nước này, đạt mức cao kỷ lục cho dù kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn.
Theo phân tích của Hiệp hội Nông nghiệp Italy Coldiretti dựa trên dữ liệu của Viện Thống kê Quốc gia Italy (ISTAT), kim ngạch xuất khẩu pasta (tên gọi chung của các loại mỳ) trong 7 tháng đầu năm nay tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái.
Khoảng 200.000 nông dân Italy tham gia sản xuất lúa mỳ cứng dùng để làm pasta, cung cấp cho chuỗi cung ứng gồm 360 công ty và 7.500 lao động. Ngành sản xuất pasta đem lại tổng giá trị khoảng 5 tỷ euro (5 tỷ USD).
Cũng theo Coldiretti, Italy là nước tiêu thụ pasta hàng đầu thế giới, với 23,5 kg/người/năm, vượt các nước khác có sức tiêu thụ ở mức 2 con số gồm Tunisia, Venezuela và Hy Lạp. Trong khi đó, Đức là nhà nhập khẩu hàng đầu pasta của Italy, với mức tăng 31% trong thời gian nói trên, sau đó là Mỹ và Pháp.
Kim ngạch xuất khẩu pasta tăng mặc dù giá đồng euro giảm mạnh, chi phí sản xuất và vận chuyển tăng cao do giá năng lượng leo thang kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.
Bên cạnh đó, theo dữ liệu của trang Macrotrends, giá lúa mì cũng tăng vọt, chạm đến mức cao kỷ lục 435 euro/tấn đầu năm nay. Tuy nhiên, giá lúa mì cứng giảm do Italy đạt được năng suất cao, bất chấp thời tiết mùa Hè khô và nóng bất thường.
Ngày Pasta thế giới lần thứ 24 được tổ chức trên khắp Italy và tại một số nước khác với nhiều sự kiện đặc biệt. Ngày này được kỷ niệm lần đầu vào năm 1997, sau sáng kiến của một nhóm các hiệp hội quốc tế khuyến khích các nước nghiên cứu và tìm hiểu về dinh dưỡng mà pasta đem lại, cũng như tác dụng của thực phẩm này đối với sức khỏe con người.
Theo các nhà nghiên cứu, ăn pasta tốt cho tim mạch, bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh về hô hấp, giúp các cơ bắp và não có năng lượng, đồng thời giảm stress./.