Cứ 3 gia đình Italy, thì 1 gia đình thường xuyên ăn pasta (tên chung của các loại mì Italy) ở nhà hàng ngày, cứ 10 người Italy thì 7 người ăn từ 4 đến 7 lần trong một tuần và 44% người Italy ngày nào cũng ăn pasta.
Đó là những thống kê mà Hiệp hội những người làm nông nghiệp Italy (Coldiretti) và Hiệp hội những người làm pasta Italy (Aidepi) đưa ra trong "Ngày pasta thế giới" hôm 25/10 tại Triển lãm thế giới EXPO Milan 2015.
Những con số đó đủ để khẳng định pasta, với hàng trăm loại có hình dạng và hương vị khác nhau được làm từ lúa mỳ, trong đó phổ biến nhất là spaghetti, là món ăn phổ biến nhất và yêu thích nhất ở Italy, trên cả pizza, một loại bánh nổi tiếng là biểu tượng khác của Italy.
Không có gì ngạc nhiên khi người Italy cũng tiêu thụ nhiều pasta nhất thế giới, với trung bình 25 kg/người/năm, xếp trên Tunisia 16 kg/người/năm, Venezuela 12,2 kg/người/năm, Hy Lạp 11,5 kg/người/năm và Mỹ 8,8 kg/người/năm.
Không những thế, pasta, cũng như pizza, đang trở thành một thứ đồ ăn được ưa chuộng trên toàn cầu. Theo Aidepi, nếu năm 1991, cả thế giới sản xuất 9,3 triệu tấn pasta, vào năm ngoái con số này là 14,5 triệu tấn, tăng 56%. Nhờ sự ưa chuộng một sản phẩm Italy đặc trưng mà các nhà sản xuất pasta Italy cũng được lợi.
Nếu năm 1991 pasta Italy chỉ xuất hiện ở 140 nước, thì năm ngoái con số này đã lên tới 188 nước. Aidepi cho rằng, pasta Italy cho thấy khả năng thích ứng nhanh với những phong cách và văn hóa ẩm thực khác nhau, nhờ khả năng chế biến của các nhà sản xuất Italy sao cho phù hợp với từng thị trường đặc biệt, như Mỹ hay Trung Quốc, mà chất Italy trong pasta vẫn được bảo đảm.
Năm 2015 cũng là năm mà Italy xuất khẩu pasta cao kỷ lục, với 2 triệu tấn, đạt doanh thu 2,4 tỷ euro, nhờ sự gia tăng đáng kể lượng tiêu thụ ở các thị trường quan trọng, như Liên minh châu Âu (tăng 6%), Mỹ (19%) và đặc biệt là Trung Quốc (35%).
Châu Âu và châu Mỹ hiện là hai thị trường lớn nhất của ngành sản xuất pasta Italy. Tổng doanh thu của ngành sản xuất pasta Italy năm ngoái đạt xấp xỉ 5 tỷ euro, và hiện đứng đầu thế giới. Tính trung bình cứ 4 đĩa pasta được tiêu thụ hàng ngày trên thế giới, thì 1 đĩa được sản xuất Italy.
"Ngày pasta thế giới" được kỷ niệm lần đầu vào năm 1997, theo sáng kiến của một nhóm các hiệp hội quốc tế khuyến khích các nước nghiên cứu và tìm hiểu về dinh dưỡng mà pasta đem lại, cũng như tác dụng của mỳ ống đối với sức khỏe con người.
Theo các nhà nghiên cứu, ăn pasta tốt cho tim mạch, bảo vệ cơ thể chống lại các bệnh về hô hấp, giúp các cơ bắp và não có năng lượng, đồng thời giảm stress./.