Xuất khẩu phân bón trong tháng Một tăng 682% so với cùng kỳ

Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng Một đều duy trì được tăng trưởng xuất khẩu dương, đặc biệt là một số mặt hàng đạt mức tăng khá cao so với cùng kỳ năm trước; trong đó, phân bón tăng 682%.
Xuất khẩu phân bón trong tháng Một tăng 682% so với cùng kỳ ảnh 1Công ty phân bón Bình Điền, tỉnh Long An. (Ảnh: Bùi Giang/TTXVN)

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, nhiều mặt hàng, từ phân bón, hóa chất tới thức ăn gia súc và sắt thép, ghi nhận xuất khẩu tăng trưởng đột biến trong tháng Một vừa qua, đáng chú ý nhất là phân bón tăng 682% và hóa chất tăng 98,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy vậy, nhập khẩu phân bón trong tháng Một vừa qua đạt hơn 322.000 tấn, tương đương 153,6 triệu USD, giảm 14,5% về lượng, giảm 6% về kim ngạch so với tháng 12/2021, số liệu của Tổng cục Hải quan cho hay. So với tháng 1/2021, nhập khẩu phân bón tăng cả về lượng và kim ngạch với mức tăng lần lượt là 0,2% và 81,7%.

Việt Nam chủ yếu mua phân bón từ Trung Quốc với 137.430 tấn, tương đương 57,6 triệu USD, chiếm 42,6% và 37,5% về lượng và kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này của cả nước. So với tháng 12/2021, lượng giảm 18% và kim ngạch thấp hơn 12,7%.

Sau hai năm ứng phó với dịch bệnh COVID-19 nên các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã dần thích nghi và phát triển. Do vậy, hầu hết các mặt hàng xuất khẩu trong tháng đầu năm 2022 đều duy trì được tăng trưởng xuất khẩu dương, đặc biệt là một số mặt hàng đạt mức tăng trưởng khá cao so với cùng kỳ năm trước; trong đó, phân bón các loại tăng 682%; hóa chất tăng 98,6%; thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 72,8%; chất dẻo nguyên liệu tăng 57%; sản phẩm mây, tre, cói và thảm tăng 61%; sắt thép các loại tăng 43,6%.

Trong thời gian qua, giá phân bón tăng cao và nhu cầu tăng đột biến đã giúp nhiều doanh nghiệp ngành phân bón báo lãi lớn trong năm 2021.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết doanh thu hợp nhất năm qua đạt mức kỷ lục 51.200 tỷ đồng, vượt 16% so kế hoạch cả năm và tăng 24% so với năm 2020.

[Từng bước thay thế phân bón vô cơ bằng phân bón hữu cơ]

Lợi nhuận tăng 2% so với thực hiện 2020; trong đó, lợi nhuận của nhiều công ty thành viên tăng cao gồm Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, Công ty Cổ phần Phân bón Miền Nam tăng 12 lần, Công ty Cổ phần DAP-VINACHEM tăng 6,7 lần, Công ty Cổ phần Hóa chất Việt Trì tăng 2 lần.

Công ty Cổ phần Phân bón và Hóa chất Dầu khí-Đạm Phú Mỹ cũng ước tính tổng doanh thu lên đến 12.826 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế khoảng 3.600 tỷ đồng; lần lượt tăng 63% và 324% so với năm 2020.

Với kết quả này, công ty vượt 54% chỉ tiêu doanh thu và đạt gấp 8,2 lần chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Đây cũng là năm lợi nhuận của Đạm Phú Mỹ cao nhất trong 10 năm qua.

Theo các chuyên gia, ngành phân bón Việt Nam đang được hưởng lợi trong ngắn hạn vì có cơ hội để gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế. Những bất ổn do dịch bệnh khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao cũng là tín hiệu tích cực cho những công ty phân bón nội địa.

Dù vậy, trong năm 2022, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, sẽ không còn những yếu tố thúc đẩy giá phân bón tăng cao, lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng.

Bộ Công thương cho biết do tháng đầu năm nay là dịp sát kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2022 nên số ngày làm việc thực tế của các công nhân này trong tháng 1/2022 chỉ khoảng 15 ngày. Do đó, hoạt động xuất khẩu hàng hóa trong tháng nhìn chung tăng không đáng kể khi kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2022 ước tính đạt 29 tỷ USD, giảm 16,2% so với tháng trước và chỉ tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước.

Trong tháng Một vừa qua có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 63.3% tổng kim ngạch xuất khẩu; trong đó điện thoại và linh kiện có giá trị xuất khẩu lớn nhất đạt 4 tỷ USD, chiếm 13,8% tổng kim ngạch xuất khẩu, giảm 34,4% so với cùng kỳ năm trước; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 3,5 tỷ USD, giảm 10,2% so với cùng kỳ năm trước; hàng dệt may và may mặt đạt 3,3 tỷ USD, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước.

Về các nhóm hàng, kim ngạch xuất khẩu nhóm nông, lâm, thủy sản ước đạt 2,67 tỷ USD, giảm 3,35% so với tháng 12/2021 nhưng tăng 21,4% so với cùng kỳ năm 2021 và chiếm 9,2% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong nhóm này, ngoại trừ gạo và sắn và các sản phẩm từ sắn có kim ngạch giảm so với cùng kỳ năm trước (lần lượt giảm 4,3% và 27,5%), các mặt hàng khác đều có kim ngạch tăng so với cùng kỳ năm trước. Cụ thể: xuất khẩu thủy sản ước đạt 870 triệu USD, tăng 42,9%; càphê đạt 395 triệu USD, tăng 40,9%; hạt tiêu đạt 71 triệu, tăng 47,3%; nhân điều đạt 296 triệu USD, tăng 9,6%.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục