Giá bán tăng thúc đẩy triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón

Trên cơ sở giá phân bón các loại được dự báo tiếp tục tăng, giới phân tích kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp ngành này từ nay đến cuối năm.
Giá bán tăng thúc đẩy triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón ảnh 1Vận chuyển đạm Phú Mỹ tại kho sản phẩm của Tổng Công ty tại Cần Thơ. (Ảnh minh họa: Huy Hùng/TTXVN)

Chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón của Trung Quốc nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa đang mở ra cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam tăng thị phần trong nước cũng như xuất khẩu.

Cùng với đó, trên cơ sở giá phân bón các loại được dự báo tiếp tục tăng, giới phân tích kỳ vọng vào kết quả kinh doanh khả quan của các doanh nghiệp ngành này từ nay đến cuối năm.

Theo ghi nhận giá hàng hóa trên thị trường, giá phân bón đang trong xu hướng tăng giá kéo dài từ giữa năm 2020. Trong nước, nửa đầu năm, giá phân bón, nhất là giá hai loại phân bón DAP và phân đạm urê đã tăng khá cao.

Số liệu thống kê cho thấy phân đạm ure tăng 62%, DAP tăng trên 54%, phân bón kali tăng 31%, cụ thể ở mức từ 435-440 USD/tấn, mức giá cao nhất từ năm 2015 đến nay. Hiện, giá phân bón các loại đang tiếp tục tăng mạnh.

Nguyên nhân được cho là giá nguyên liệu đầu vào cho sản xuất các loại phân bón như giá dầu và giá khí đang tăng mạnh cũng như cước vận tải biển tăng thời gian qua đã đẩy chi phí sản xuất tăng theo.

[Tổng Thư ký VFA: Phân bón tăng giá, hiện tượng găm hàng có thể xảy ra]

Bên cạnh đó, mới đây, Trung Quốc đã có những chính sách hạn chế xuất khẩu phân bón nhằm đảm bảo nguồn cung cho thị trường nội địa, trong khi nước này là quốc gia xuất khẩu phân bón lớn trên thế giới. Việc này khiến cho giá phân bón trên thị trường thế giới lẫn trong nước tăng cao.

Với lượng phân bón xuất khẩu của Trung Quốc chiếm tới 40-50% lượng phân bón nhập khẩu vào Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước nhờ đó có thể cải thiện được thị phần nội địa và tăng sản lượng cũng như giá trị xuất khẩu ra các nước khác trên thế giới.

Thực tế, nhu cầu nhập khẩu phân bón tăng nhanh do sản xuất, nhu cầu tích trữ lương thực ngày càng gia tăng hậu đại dịch COVID-19 để đảm bảo an ninh lương thực.

Trong khi đó, nguồn cung phân bón trên thế giới đang sụt giảm mạnh, không kịp đáp ứng nhu cầu phục hồi quá nhanh để tái thiết nền kinh tế.

Còn trong nước, nhu cầu phân bón hiện cũng tăng cao do phục hồi sản xuất nông nghiệp sau khi dịch bệnh được kiểm soát và đặc biệt khi bước vào vụ lúa Đông Xuân và nối vụ Hè Thu.

Đơn cử, 9 tháng vừa qua, mặc dù gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi vận chuyển nhưng Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau đã vẫn tiêu thụ 930.650 tấn phân bón các loại tại thị trường trong nước và xuất khẩu 300.000 tấn urê sang Campuchia, cung ứng đều đặn sang Myanmar, Thái Lan, Philippines.

Thời điểm ngày 6/10 vừa qua, Nhà máy Đạm Cà Mau cán mốc 8 triệu tấn sản phẩm, góp phần cung ứng ra thị trường sản phẩm chất lượng phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Với sản lượng tiêu thụ và xuất khẩu không ngừng tăng, Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền ghi nhận doanh thu nửa đầu năm lên tới 4.102 tỷ đồng; trong đó, doanh thu từ thị trường nội địa ghi nhận xấp xỉ 3.531 tỷ đồng (chiếm 86%), còn lại doanh thu thu từ xuất khẩu.

Thời gian tới, giới phân tích cũng kỳ vọng chính sách thuế giá trị gia tăng sửa đổi hỗ trợ tăng trưởng của các doanh nghiệp phân bón. Nội dung sửa đổi thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón, với dự kiến 5% đã được tổng hợp trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng.

Giá bán tăng thúc đẩy triển vọng lợi nhuận của doanh nghiệp phân bón ảnh 2Vận chuyển đạm Phú Mỹ tại kho hàng của PVFCCo tại Cần Thơ. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN)

Khi dự thảo được thông, các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào, giúp giảm giá vốn hàng bán và cải thiện biên lợi nhuận, trong đó các doanh nghiệp sản xuất phân urea sẽ được hưởng lợi nhiều nhất do chênh lệch thuế giữa đầu vào và đầu ra lớn.

Tuy nhiên, một trong những đầu ra rất quan trọng với phân bón ở thị trường Việt Nam là sản xuất lúa gạo. Trong khi đó, giá gạo sau đà tăng kể từ năm 2020 lại có sự sụt giảm về mức thấp nhất trong vòng gần 2 năm. Điều này có thể tác động tiêu cực lên nhu cầu phân bón.

Về dài hạn, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) đối với mặt hàng lúa gạo là 1% trong giai đoạn 2022-2026. Diện tích đất nông nghiệp đã đạt đỉnh và đang có xu hướng giảm cũng như xu thế phân hữu cơ, phân vi sinh có lợi cho môi trường sẽ ngày càng phổ biến.

Ngoài ra, theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, với đặc điểm nền kinh tế Việt Nam có độ mở rất cao khi tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do và ưu đãi thuế quan trên thế giới nên thị trường phân bón Việt Nam cũng liên thông với thị trường thế giới và tuân theo quy luật vận động, điều tiết của thị trường thế giới.

Với đà tăng giá thế giới hiện nay và quy luật thị trường, chắc chắn giá phân urê và các loại phân bón khác như DAP, NPK, kali… trong nước sẽ biến động tăng theo.

Nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cũng đưa cảnh báo trong trường hợp giá nguyên vật liệu tiếp tục tăng mạnh, đây sẽ là một yếu tố bất lợi tới biên lợi nhuận khi ngành nghề có tính cạnh tranh cao như phân bón khó tiếp tục đẩy cao giá bán.

Lúc này, tình trạng giá phân bón tăng mạnh có thể ảnh hưởng tới các hộ nông dân và ngành nông nghiệp nói chung, cơ quan chức năng có thể sẽ áp dụng những biện pháp nhằm bình ổn giá phân bón trên thị trường.

Trên thị trường, cổ phiếu phân bón tăng trưởng tích cực. Cổ phiếu DCM của Công ty cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau, cổ phiếu BFC của Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền đều tăng hơn 2 lần so với đầu năm, lần lượt đóng cửa phiên 11/10 ở mức 29.500 đồng/đơn vị và 34.800 đồng/đơn vị.

Cổ phiếu DPM của Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí-Công ty cổ phần ở mức 37.400 đồng/đơn vị, tăng gần gấp đôi thị giá tại thời điểm đầu năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục