Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng đột biến trong 9 tháng

Không chỉ xuất khẩu tốt tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU) đang là một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam.
Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng đột biến trong 9 tháng ảnh 1Rau quả bán tại siêu thị. (Ảnh: Thanh Tâm/Vietnam+)

Rau quả tươi đang là mặt hàng xuất khẩu mang về giá trị lớn cho Việt Nam những năm gần đây với kim ngạch vài tỷ USD. Ngoài những thị trường xuất khẩu lớn như Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản… thì ​Liên minh châu Âu (EU) cũng được đánh giá là một thị trường tiềm năng, giúp nâng cao kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian tới.

[Xuất khẩu hàng rau, quả 9 tháng qua ước đạt 2,64 tỷ USD]

Thị trường lớn đầy tiềm năng

Thông tin tại hội thảo “Duy trì và mở rộng thị trường rau quả tươi của Việt Nam xuất khẩu vào EU” do dự án EU - MUTRAP phối hợp với Văn phòng SPS Việt Nam tổ chức ngày 11/10, tại Hà Nội, đại diện Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, lượng xuất khẩu rau quả của Việt Nam thời gian gần đây đã có nhiều đột biến.

Nếu như năm 2016 kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt 2,4 tỷ USD, tăng 33,6% so với năm 2015 thì chỉ trong 9 tháng năm 2017, kim ngạch đã ở mức 2,6 tỷ USD, tăng 44,2% so với cùng kỳ.

Đặc biệt, năm 2016, mặt hàng rau quả đạt kim ngạch 2,4 tỷ USD, tăng 31,2% so với năm 2015, lần đầu vượt qua kim ngạch xuất khẩu lúa gạo (2,2 tỷ USD). Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả có mức tăng trưởng ngang bằng với càphê và vượt xa các ngành hàng chủ lực khác như: cao su, chè, hạt điều...

Không chỉ xuất khẩu tốt tại các thị trường Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ông Nguyễn Hữu Đạt, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, Liên minh châu Âu (EU) đang là một thị trường lớn và tiềm năng cho xuất khẩu rau quả của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt gần 94 triệu USD, tăng 22,1% so với năm 2015.

Tuy vậy, EU là một thị trường khó tính và để đạt chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm khi xuất khẩu vào EU, ông Đạt khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng nguồn nguyên liêu và tuân thủ các quy trình kiểm soát chất lượng khắt khe giống như khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.

"Nếu tưởng thị trường dễ dãi thì khó phát triển được sang thị trường này," ông Nguyễn Hữu Đạt nói.

- Biểu đồ nhập khẩu rau quả của Việt Nam 8 tháng:

Để xuất khẩu vào thị trường EU, ông Rugguero Malossi, chuyên gia tư vấn quốc tế, dự án EU-MUTRAP cũng đưa ra những lưu ý đối với thị trường này, từ vấn đề dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất lượng sản phẩm sau cùng... đều phải được kiểm soát chặt chẽ.

Chuyên gia này cho biết, để bảo đảm an toàn thực phẩm và tránh thiệt hại về môi trường, EU hạn chế sử dụng một số hóa chất và sản phẩm nhập khẩu phải chịu một sự kiểm soát chính thức.

Cụ thể, EU thiết lập giới hạn đối với một số chất lây nhiễm. Đặc biệt, hiện nay, rau quả đang được EU kiểm tra về giấy tờ, danh tính hàng hóa, kiểm tra thực tế hàng hóa.

“Trong trường hợp tái phạm, các sản phẩm cụ thể có nguồn gốc từ các quốc gia cụ thể EU quyết định tiến hành kiểm soát ở mức độ cao hơn hoặc đưa ra các biện pháp khẩn cấp. Kiểm soát có thể thực hiện ở tất cả các giai đoạn nhập khẩu và tiếp thị tại EU,” ông Rugguero Malossi cho hay.

Xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng đột biến trong 9 tháng ảnh 2Các chuyên gia phân tích cơ hội về thị trường EU đối với xuất khẩu rau quả của Việt Nam. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Cần kiểm soát chặt chất lượng theo chuỗi

Một trở ngại khác cho trái cây Việt Nam là các nhà xuất khẩu rau quả tươi phải đối mặt với việc duy trì chất lượng đến những thị trường xa xôi này. Lưu ý thêm, đại diện Mutrap cho rằng, người tiêu dùng ở châu Âu yêu cầu nhà cung cấp phải có các bảo đảm đối với sản phẩm, đơn cử như yêu cầu thực hiện hệ tống quản lý an toàn thực phẩm dự trên Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn (HACCP)

Hơn nữa, chương trình chứng nhận an toàn thực phẩm được yêu cầu nhiều nhất là GLOBALGAP, đây là tiêu chuẩn trước khi xuất hàng ra khỏi trang trại bao gồm toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp trước khi cây trồng nằm trong đất đến sản phẩm chưa chế biến.

Đặc biệt, rau quả xuất khẩu vào EU phải tránh hết các sinh vật gây hại cho thực vật và các sản phẩm thực vật ở EU. Trong trường hợp cần có giấy chứng nhận kiểm dịch để được nhập khẩu vào EU, doanh nghiệp nên nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận này tại Tổ chức Bảo vệ thực vật quốc gia (NPPO) và hỏi nhà nhập khẩu EU về các quy định cụ thể.

Trong khi đó, theo Tiến sỹ Đàm Quốc Trụ chuyên gia trong nước thuộc dự án EU-Mutrap cũng khuyến cáo các nhà cung cấp của Việt Nam cần lưu ý đến các thông tin cho thị trường này, trong đó đặc biệt lưu ý việc cung cấp thông tin về vùng sản xuất, bản đồ quy hoạch và thông tin về phương pháp trồng trọt, ngày thu hoạch, đóng gói...

Chuyên gia này cũng đề xuất các cơ quan chức năng sớm quy hoạch và phát triển các vùng sản xuất tập trung phục vụ cho các sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu cũng như có chính sách đầu tư cho công nghệ xử lý kiểm dịch thực vật và công nghệ bảo quản, chế biến sâu đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

"Cần nâng cao năng lực kiểm tra tại cửa khẩu để đảm bảo chất lượng các lô hàng khi xuất khẩu," ông Đàm Quốc Trụ khuyến nghị thêm./.

Chuyên gia nói về tiềm năng xuất khẩu rau quả tươi vào thị trường EU
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục