Xuất khẩu thủy sản “tăng tốc” để cán đích

Bộ Công thương nhận định, thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi và sẽ là một trong những mặt hàng chủ lực giúp tăng tốc kim ngạch xuất khẩu.
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đầu tháng 8/2009 đạt 93,54 triệu USD.

Nhận định của Bộ Công thương cũng cho thấy, với xu hướng xuất khẩu thủy sản đang có dấu hiệu phục hồi thì đây sẽ là một trong những mặt hàng chủ lực góp phần tăng tốc kim ngạch xuất khẩu chung của toàn ngành.

Chiếm lĩnh bằng chất lượng

Theo đánh giá của Bộ Công thương, chất lượng thủy sản Việt Nam đã ngày càng đáp ứng được những tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường nhập khẩu và đây là thước đo khẳng định sự thành công của các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam trước các thị trường khó tính.

Với thâm niên gần chục năm làm hàng xuất khẩu sang các thị trường “khó tính” như: Hàn Quốc, Nhật Bản, EU… ông Nguyễn Xuân Trường, giám đốc doanh nghiệp Thủy sản xuất khẩu Xuân Trường, Đình Vũ, Hải Phòng cho biết: Từ con giống, thức ăn, đến khâu chế biến đóng gói và vận chuyển xuất khẩu... đều được doanh nghiệp tuân thủ một cách nghiêm ngặt nhất và đây cũng là bí quyết để doanh nghiệp đứng vững tại các thị trường lớn, khó tính suốt nhiều năm qua.

“Không có bất kỳ một dư lượng kháng sinh nào trong các mặt hàng xuất khẩu. Tất cả đều được kiểm tra theo mẫu để đạt tiêu chuẩn cao nhất trước khi xuất khẩu”, ông Trường nói.

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản (Vasep) cũng cho biết, Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam-Nhật Bản (VJEPA) sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 10/2009, nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp thủy sản đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại, cải tiến mẫu mã và nâng cao chất lượng sản phẩm để đẩy mạnh hàng xuất khẩu sang thị trường này.
 
Theo Giám đốc Công ty Đông Phương, Co Ltd, Phạm Văn Quang, chiến lược hiện nay của Công ty là chú trọng đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu, chứ không chỉ là "đa dạng" khách hàng. “Công ty sẽ cố gắng nâng cấp chất lượng sản phẩm và giữ chân khách hàng truyền thống”, ông Quang nói.

Tăng truyền thống, tìm hướng mở rộng

Trong số các thị trường truyền thống thì Mỹ và Trung Quốc vẫn là hai thị trường nhập khẩu ổn định nhất của Việt Nam với mức tăng trưởng cao hơn về cả khối lượng và giá trị so với cùng kỳ năm 2008. Xuất khẩu sang Mỹ tăng 25,2% về khối lượng và tăng 9,5% về giá trị; xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 21,9% về khối lượng và tăng 23,4% về giá trị.

Đánh giá của Bộ Công thương cũng cho thấy, các thị trường tiềm năng như Hàn Quốc, Nga, Trung Đông với nhu cầu ngày càng tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cần quan tâm và chú ý đến công tác xúc tiến thương mại để đẩy mạnh xuất khẩu.

Về sản phẩm xuất khẩu vào Nga, cá tra và basa vẫn là mặt hàng chủ yếu. So sánh với các thị trường khác, do việc gián đoạn trong 4 tháng đầu năm nên kim ngạch xuất khẩu tính từ đầu năm đến giữa tháng 7/2009 vào Nga chỉ đứng thứ 21. Tuy nhiên, cuối tháng 7/2009, kim ngạch xuất khẩu vào Nga đã vươn lên đứng thứ 9.

“Các doanh nghiệp trong ngành thủy sản có rất nhiều cơ hội để xuất khẩu vào thị trường này đặc biệt với các sản phẩm từ các tra và basa”, thứ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Thành Biên gợi ý.

Để đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản các tháng cuối năm, Bộ Công thương cũng khuyến cáo doanh nghiệp tích cực chuẩn bị nguồn hàng để tranh thủ cơ hội xuất khẩu vào thị trường như: Mỹ, Nhật Bản và một số ngách thị trường tại EU; tiếp tục điều chỉnh khâu bao tiêu, thu mua để đảm bảo nguồn thuỷ sản nguyên liệu cho xuất khẩu.

Với ưu thế về chất lượng, cách tiếp cận thị trường mới, ngành Thủy sản Việt Nam có khả năng tự tin vào khả năng tăng tốc trong các tháng cuối năm, cũng như đóng góp thêm hàng tỷ USD cho kim ngạch xuất khẩu chung./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục