Xúc động chuyện nghề

Xúc động xen bất ngờ với “Ngẩng đầu lên đi em”

"Chưng cất" từ thực tế nghề giáo, từ những đam mê, trăn trở, thậm chí là đớn đau, "Ngẩng đầu lên đi em” khiến người đọc  xúc động tận cùng.
Tác phẩm “Ngẩng đầu lên đi em” là cuốn sách gây bất ngờ liên tục cho người đọc. Đó là những câu chuyện về nhà giáo thấm thía, "chưng cất" từ thực tế nhằm giáo dục đạo đức, cảm hóa học sinh… Không ít câu chuyện trong số đó được chính nhà giáo viết ra từ những đam mê, trăn trở, thậm chí là nỗi đớn đau chuyện nghề.

“Ngẩng đầu lên đi em”

“Ngẩng đầu lên đi em” (Đỗ Tiến Thụy) mang sắc màu kỳ diệu của yêu thương. Tình yêu thương đã làm nên kỳ tích mà y học ngỡ đành lui bước. Cô học trò dị tật khớp cổ bị gọi là Nghẹo đã trở thành thiếu nữ tên Nga xinh đẹp với chiếc cổ cao kiêu hãnh nhờ cô giáo Nhâm - người đã đón em về kèm dạy và yêu thương em.

Cô giáo dùng tay giữ chiếc đầu “bấy bớt” ngỡ không thể nào trụ được trên cổ mà cứ đổ oặt  xuống vai. Cô giữ rất lâu rồi khẽ buông tay một lát, cái cổ theo phản xạ cưỡng lại, bớt "bấy" dần. Cứ thế, cô tập cho Nga. Mỗi sáng cô cài lên tóc Nga một bông hoa hồng thắm. Bốn năm liền bao nhiêu bông hồng khích lệ Nga không “đổ cổ.”  Vì nếu không, sẽ làm rơi nát bông hoa đẹp-hoa mang tình cảm và hy vọng của cô giáo.

Trước đó, bố em vì quá thương con nhưng nôn nóng nên đã để gai vào vai. Khi chiếc cổ không thể giữ được đã oặt xuống, mặt em đầy máu. Nga đã chữa được dị tật nhờ câu khích lệ chan chứa yêu thương mỗi  phút, mỗi giờ, mỗi ngày của cô Nhâm: “Ngẩng đầu lên đi em.”

Sau này, Nga gặp người yêu. Trước ngày cưới cô đã viết về câu chuyện dị tật bẩm sinh của mình cho người yêu.  Nhưng người yêu đã từ bỏ cô, có lẽ vì lo sợ dị tật di truyền sang đời con. Trước mất mát, Nga lại về với cô giáo Nhâm trong khắc khoải đợi chờ. Và lần này cô giáo lại nói: “Ngẩng đầu lên đi em.” 

Lời nhắc của cô giáo Nhâm không còn để chữa một dị tật riêng thuở nào của Nga mà chữa sự mặc cảm, thiếu tự tin, vốn luôn ở góc nào đó trong chúng ta. Vì thế “Ngẩng đầu lên đi em” vừa là lời động viên, là lời thôi thúc và là một mệnh lệnh để các trò bước vào đời với một tư thế, một thái độ sống thẳng thắn, tự chủ hơn.

“Tiết dạy cuối cùng”

Truyện “Tiết dạy cuối cùng” (của Nguyễn Anh) lại đem đến những nỗi xúc động khác… Một thầy giáo đau đáu vì nghề, hết lòng say chuyên môn. Lo bàn giờ thao giảng mà bẵng quên bữa ăn gia đình, đi nhận giải thưởng giáo viên dạy giỏi về gặp cướp. Cướp không chỉ “buông tha”mà còn “biếu” thêm tiền vì nhận ra ông giáo nổi tiếng trong vùng.

Thầy giáo đã bị ung thư, sau lần mổ, thầy chỉ còn da bọc xương nhưng thầy thèm dạy, “thầy nhớ học trò, thầy nhớ bục giảng đến cồn cào. Cho đến một lần, thầy cố chống gậy lê bước đến lớp”, thầy năn nỉ đồng nghiệp trẻ: “Nhớ lớp quá, cho anh dạy một tiết.”

Học sinh long lanh nước mắt nhìn thầy, rồi chúng gục xuống bàn òa lên nức nở. Nước mắt thầy cũng trào ra. Đó là tiết dạy cuối cùng trong đời của một nhà giáo yêu nghề.

“Mackeno” và "Phục sinh"...

Đối lập với các thầy cô như ân nhân là thầy Tú trong truyện (Nguyễn Văn Thởn) thầy là một nguyên nhân dẫn đến việc bỏ học của trò Tùng. Thầy Tú mở quán càphê-Văn và bị trò này cùng bạn xấu đến quậy phá “trả thù.” Vì thầy đã từng có lúc thiếu công bằng bênh cháu mình mà xử phạt oan cho Tùng khiến Tùng chán nản, xa rời sách vở.

Khi cần bênh vực, sửa sai thì thầy đã buông ra câu “Makeno” bỏ mặc học sinh ấm ức. Sau này, thầy ân hận lắm, thầy thôi nghề dạy học và cũng hiểu việc Tùng đến gây sự ở quán mình là có căn nguyên…

Khi Tùng nên người hơn được người khuyên đã đến xin lỗi thầy, thầy bảo: “Thầy biết vừa qua em có nhiều thay đổi. Thầy mừng cho em…Thầy hiểu ra rằng làm nghề gì cũng có thể mắc lỗi. Nhưng cái lỗi ở nghề khác, cùng lắm là mất tiền, mất của, còn cái lỗi trong nghề dạy học, thì có thể làm hỏng, thậm chí làm mất con người”. Câu chuyện mang màu sắc ăn năn từ phía người thầy cũng là một nét đẹp của nhân cách nhà giáo.

Truyên ngắn “Phục sinh” (Nguyễn Duy Tiến) là chuyện buồn nhưng có hậu về cô giáo Thủy rất yêu nghề mà bị biến đổi theo cơ chế thị trường, “nằm trong guồng máy của lò luyện thi”, chạy theo dạy thêm gây ra những ấm ức trong học sinh.

Tuệ, một học trò nhỏ vì không đi học thêm nhưng làm bài giống bạn có đi học thêm cô Thủy đã bị cô cho điểm 0, từ đó Tuệ chán nảm, bỏ học. Sau này, biết cô giáo ốm nặng “gần đất xa trời” lại nhờ người cha nhân hậu khuyên mà Tuệ hiểu tình thầy trò vô lượng, em đã đến bên cô Thủy với phương thuốc bí truyền từ Tây Nguyên.

Đều đặn Tuệ pha nước cốt giá đỗ mỗi sớm và cô giáo như được phục sinh. Vì ai cũng tưởng cô bị ung thư vòm họng và sẽ chết. Nhờ vậy, cô Thủy trở về với bục giảng và không còn mê mải theo dạy thêm để kiếm tiền…Cô biết “Đức Chúa Giê-su chỉ phục sinh một lần, cô cũng được phục sinh một lần rồi…”

Người ta thường coi sách về nhà trường là nặng tính giáo huấn nhưng "Ngẩng đầu lên đi em" đã thuyết phục đặc biệt. Hai nhăm câu chuyện, 25 nỗi lòng, 25 dư âm khó quên. Trong tình hình hiện nay, những câu chuyện về tình thầy nghĩa trò, tình bạn học đường lại càng thêm ý nghĩa. Bởi vì chống bằng xây chính là cách làm tích cực nhất./.

Nguyễn Anh (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục