Ngày 11/11, tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội nghị “Xúc tiến tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực, đặc trưng tỉnh Bắc Giang năm 2021.”
Hội nghị được tổ chức trực tuyến với hàng trăm điểm cầu ở trong nước và được truyền hình trực tiếp trên các kênh truyền thông đa phương tiện.
Sự kiện nhằm đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ các loại nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh (trái cây, thịt lợn, thịt gà...) những tháng cuối năm tại thị trường trong và ngoài nước.
Đa dạng các nông sản chủ lực, đặc trưng
Bắc Giang là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp. Đến nay, diện tích cây ăn quả của tỉnh đang chiếm xấp xỉ 30% tổng diện tích cây ăn quả các tỉnh Trung du, miền núi phía Bắc, với tập đoàn cây ăn quả phong phú, đa dạng và có nhiều sản vật nông nghiệp đặc trưng, nổi tiếng. Cùng đó, tỉnh có tổng đàn vật nuôi lớn, luôn nằm trong top 5 tỉnh dẫn đầu cả nước về chăn nuôi lợn, gà.
Vào những tháng cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, những nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh sẽ cung ứng ra thị trường gồm: cam các loại 48.000 tấn; bưởi các loại gần 37.000 tấn; na gần 4.000 tấn; thịt gà khoảng 17.000 tấn (tập trung nhiều ở huyện Yên Thế); thịt lợn khoảng 60.000 tấn (tập trung nhiều tại huyện Tân Yên và các huyện Hiệp Hòa, Lạng Giang, Sơn Động).
[Bắc Giang: Lục Ngạn thực hiện thành công "mục tiêu kép"]
Bên cạnh đó, Bắc Giang có vùng trồng rau chế biến, rau an toàn trên 11 nghìn ha với sản lượng trên 230.000 tấn, đủ năng lực cung cấp cho các nhà máy chế biến nông sản, các siêu thị trong và ngoài tỉnh.
Tỉnh Bắc Giang cũng đã phê duyệt danh mục 52 sản phẩm nông sản có tính chất đặc trưng, chủ lực, tiềm năng của địa phương và 117 sản phẩm OCOP được thị trường trong và ngoài nước biết đến.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Lục Ngạn La Văn Nam cho biết hiện nay huyện Lục Ngạn đang vào vụ thu hoạch, tiêu thụ các sản phẩm trái cây như bưởi da xanh, bưởi ngọt, cam ngọt, cam lòng vàng, ổi, táo…
Đây là các loại trái cây chất lượng cao rất nổi tiếng mang thương hiệu "Đặc sản Lục Ngạn," được sản xuất theo quy trình an toàn, đã khẳng định được uy tín chất lượng ở các thị trường lớn trong nước.
Với sản lượng trên 60.000 tấn quả tươi, nhân dân, các doanh nghiệp, hợp tác xã của huyện Lục Ngạn luôn sẵn sàng phân phối, cung ứng những sản phẩm trái cây tốt nhất, phù hợp với nhu cầu của tất cả quý khách hàng ở mọi miền đất nước.
Về sản phẩm gà đồi Yên Thế, theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Yên Thế Nguyễn Văn Tuyền, sản phẩm gà đồi Yên Thế được xác định là một trong những sản phẩm chủ lực của huyện. Tổng đàn gà của huyện luôn duy trì ổn định ở mức từ 3,8-4 triệu con; cơ cấu đàn gà phát triển theo hướng nâng cao chất lượng đáp ứng yêu cầu của thị trường (chủ yếu là gà ri lai), trung bình hàng năm xuất bán ra thị trường từ 12-14 triệu con gà đồi thương phẩm.
Chăn nuôi gà đồi đã trở thành một nghề đối với nhiều hộ nông dân và cho thu nhập ổn định. Đến nay, nhãn hiệu gà đồi Yên Thế đã được bảo hộ sở hữu công nghiệp tại 3 nước là Lào, Trung Quốc và Singapore.
Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất
Tại hội nghị, các doanh nghiệp đánh giá cao chất lượng các sản phẩm chủ lực, đặc trưng của Bắc Giang.
Đại diện hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+ cho biết, các sản phẩm như cam, bưởi, na, thịt lợn, thịt gà của tỉnh Bắc Giang luôn được sự đón nhận nhiệt tình của khách hàng khi tới mua sắm. Từ đó, góp phần củng cố thương hiệu sản phẩm “Tươi ngon thượng hạng” của chuỗi bán lẻ VinMart, VinMart+ trong thời gian qua.
Năm 2021 hệ thống siêu thị VinMart và chuỗi cửa hàng VinMart+ cam kết tiêu thụ 700 tấn cam, 200 tấn bưởi, 100 tấn nông sản, thực phẩm khác như na, thịt lợn, thịt gà…
Đồng thời, tiếp tục kết nối, tăng cường sản lượng tiêu thụ các loại nông sản tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh tại hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng VinMart+.
Tại điểm cầu Bộ Công Thương, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ Bắc Giang nói riêng, các địa phương trên cả nước nói chung phát triển sản phẩm, kết nối giao thương, thực hiện các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản gắn với chuỗi giá trị; xây dựng và quảng bá thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm nông sản của địa phương thông qua việc lồng ghép các hoạt động liên quan của bộ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương đề nghị, tỉnh Bắc Giang tiếp tục định hướng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn theo chuỗi giá trị, sản xuất theo đúng quy hoạch, số lượng, chất lượng nông sản theo đúng nhu cầu của thị trường.
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức các hội nghị kết nối cung cầu, thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa nông sản tại thị trường trong nước và xuất khẩu; phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương để tháo gỡ khó khăn trong lưu thông hàng hóa, đặc biệt là hàng nông sản.
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Giang Phan Thế Tuấn khẳng định tỉnh Bắc Giang cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, thương nhân trong và ngoài nước trong công tác thu hoạch, chế biến, lưu thông và tiêu thụ cam, bưởi, na, thịt lợn, thịt gà... và các nông sản chủ lực, đặc trưng khác của tỉnh.
Tỉnh cũng chỉ đạo các đơn vị chức năng cung cấp các dịch vụ hậu cần tốt nhất như nguồn vốn, nguồn điện, vệ sinh môi trường, chuẩn bị kho, bãi tập kết phương tiện vận tải, công tác đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông và các dịch vụ khác...
Để việc sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chủ lực, đặc trưng của tỉnh nói riêng cũng như nông sản của tỉnh nói chung được thuận lợi, Bắc Giang đề nghị các bộ, ngành, địa phương liên quan tiếp tục đàm phán với cơ quan chức năng của Trung Quốc và một số quốc gia có thị trường tiềm năng trong khu vực và trên thế giới thúc đẩy xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh như cam, bưởi, thịt lợn, thịt gà…
Ngoài ra, hỗ trợ tỉnh Bắc Giang trong công tác thông tin, quảng bá, xúc tiến tiêu thụ nông sản chủ lực của tỉnh đến với thị trường trong và ngoài nước; tiếp tục quan tâm hỗ trợ, kết nối thúc đẩy tiêu thụ nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh Bắc Giang trên các sàn thương mại điện tử trong và ngoài nước.
Cùng đó, các đơn vị liên quan hỗ trợ tỉnh Bắc Giang và các doanh nghiệp tiếp cận với công nghệ hiện đại nâng cao năng suất, chất lượng; công nghệ bảo quản, chế biến nông sản sau thu hoạch, đảm bảo thời gian để phục vụ tiêu thụ tại thị trường trong nước và xuất khẩu; hướng dẫn các quy trình, thủ tục đăng ký và xác nhận sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý đối với các nông sản chủ lực, đặc trưng của tỉnh.
Các địa phương phối hợp thực hiện liên kết vùng, kết nối giao thương; cung cấp thông tin thị trường; giới thiệu cho Bắc Giang các doanh nghiệp, thương nhân có tiềm lực, kinh nghiệm đến tiêu thụ nông sản.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đơn vị đã ký kết 57 biên bản ghi nhớ hợp tác tiêu thụ cam, bưởi và các nông sản chủ lực tỉnh Bắc Giang năm 2021./.