Theo mạng tin Ynetnews.com, các cuộc xung đột quân sự lớn gần đây giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas diễn ra vào các năm 2008, 2012, 2014 và tháng 5/2021 theo kịch bản giống nhau: Phía Palestine bắn đạn pháo sang và bị Israel đáp trả khốc liệt bằng các cuộc không kích. Hậu chiến tranh, người Palestine luôn chịu những thiệt hại nặng nề về con người và kinh tế. Cơ sở hạ tầng chưa kịp được tái thiết lại tiếp tục bị tàn phá trong cuộc chiến mới.
Nền kinh tế bị tàn phá
Liên hợp quốc ước tính trong bốn cuộc chiến tranh vừa nêu, tổng thiệt hại về nhà cửa, nông nghiệp, công nghiệp, cơ sở hạ tầng điện nước của Palestine vào khoảng 5 tỷ USD. Chia nhỏ số liệu này cho thấy tổn thất chiến tranh không dễ gì gây dựng lại được.
Theo thống kê người dân Palestine với đa phần là dân số trẻ đang thất nghiệp ở mức cao chưa từng thấy. Một cuộc khảo sát trước cuộc chiến tháng Năm vừa qua cho biết, 40% số người dân Dải Gaza muốn rời bỏ mảnh đất này nếu có thể.
2/3 dân số Dải Gaza thuộc những gia đình bị buộc phải sơ tán lánh nạn sau cuộc chiến tranh với người Do Thái dẫn đến sự ra đời của Nhà nước Israel năm 1948.
Cuối những năm 1980, cuộc nổi dậy đầu tiên của người Palestine chống lại sự cai trị của Israel nổ ra tại Dải Gaza, với sự ra đời của Phong trào Hồi giáo Hamas.
[Xung đột giữa Israel và Palestine dưới góc nhìn kinh tế]
Năm 2007, sau khi giành thắng lợi tại cuộc bầu cử Quốc hội Palestine, Hamas nắm quyền kiểm soát Dải Gaza. Trong khi đó, Israel, với sự giúp đỡ của Ai Cập, đã nhanh chóng đóng cửa biên giới với Dải Gaza.
Hiện nay, Dải Gaza gần như bị phong tỏa hoàn toàn, không có người và hàng hóa nào được ra vào nếu không có sự đồng ý của Israel.
Mỗi cuộc xung đột, phía Hamas bắn hàng ngàn quả rocket sang Israel. 10 năm gần đây, nhờ phát triển được hệ thống phòng thủ tên lửa Iron Dome (Vòm Sắt), Israel đã ngăn chặn được phần lớn trong số này, giúp giảm hầu hết số thương vong.
Israel cũng thực hiện hàng ngàn cuộc pháo kích và không kích tấn công Hamas, trong đó nói rằng chỉ nhằm vào các mục tiêu quân sự. Tuy nhiên, các cơ sở hạ tầng dân sự tại Dải Gaza thiệt hại vô cùng lớn, lý do là lực lượng Hamas thường lẩn khuất trong các khu dân cư.
Liên hợp quốc đã theo dõi qua hình ảnh vệ tinh các cuộc xung đột năm 2009, 2014 và 2021. Những hình ảnh cắt lớp cho thấy hàng chục khu dân sự dọc theo biên giới Dải Gaza đã bị tàn phá trong các cuộc xung đột.
Trong số này có các thành phố và thị trấn đông đúc như Rafah, Khuza’a và Beit Hanoun. Trong 4 cuộc xung đột lớn gần đây giữa Israel và Hamas đã có hơn 4.000 người Palestine thiệt mạng, hơn một nửa trong số đó là dân thường.
Phía Israel thông báo có 106 người thiệt mạng, bao gồm cả dân thường và binh sỹ. Về thiệt hại kinh tế, Cơ quan Thuế Israel đã chi trả 96 triệu USD cho người dân khắc phục các thiệt hại do bom đạn gây ra sau ba cuộc xung đột 2009, 2012 và 2014.
Trong cuộc chiến tháng 5/2021 vừa qua,Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel ước tính số tiền bù đắp cho thiệt hại kinh tế của Israel tương đương với ba kỳ trước cộng lại.
Tuy nhiên, tổn thất kinh tế tại Dải Gaza lớn và dai dẳng hơn nhiều. Thiệt hại trực tiếp trong 4 cuộc xung đột đã vượt 5 tỷ USD tính theo tỷ giá hiện nay.
Việc tái thiết cơ sở hạ tầng chủ yếu phụ thuộc vào nguồn viện trợ nước ngoài, thông qua các dự án do Liên hợp quốc điều phối và các chương trình hỗ trợ tiền mặt cho người dân Dải Gaza.
Trong nhiều trường hợp, chỉ có các công trình quan trọng được ưu tiên sửa chữa hoặc xây mới. Ngoài ra còn là tình trạng thiếu thốn nguyên vật liệu như xi măng, sắt thép, do Israel kiểm soát chặt chẽ nguồn vật liệu xây dựng nhập khẩu vào Gaza vì sợ rơi vào tay Hamas để phục vụ cho các công trình quân sự.
Rami Alazzeh, chuyên gia kinh tế của Liên hợp quốc về Gaza, cho rằng tình trạng này khiến Dải Gaza rơi vào “vòng xoáy luẩn quẩn” của chiến tranh tàn phá, tái thiết rồi lại tàn phá; “Gaza không bao giờ hồi phục.”
Thế hệ "bị đánh cắp"
Khoảng 70% trong tổng dân số 2 triệu người tại Dải Gaza đang ở độ tuổi dưới 30. Đây là thế hệ thanh thiếu niên lớn lên và trưởng thành trong thời chiến. Độ tuổi trung bình ở Dải Gaza là 19.
Với họ, hai trong số những hậu quả khắc nghiệt của chiến tranh là thất nghiệp và ảnh hưởng tâm lý. Kể từ khi Hamas tiếp quản, thất nghiệp tại Dải Gaza tăng mạnh, hiện đã ở mức cao gấp đôi so với Bờ Tây, nơi hàng hóa ra vào được thông thương dễ hơn và người dân cũng dễ dàng xin giấy phép sang Israel lao động.
Đặc biệt cao là thất nghiệp trong giới trẻ ở Dải Gaza, lên tới 62% trong tháng 6/2021. Chuyên gia Alazzeh nói: “Đó là một thế hệ bị đánh cắp. Một thế hệ không có những trải nghiệm và kỹ năng sống cần có.”
Ít nhất có khoảng 640.000 em bé được sinh ra tại Dải Gaza trong giai đoạn xảy ra các cuộc xung đột giữa Israel và Hamas. Các triệu chứng trầm cảm hậu chiến tranh rất phổ biến.
Sau cuộc chiến năm 2012, một nghiên cứu trong số 1.000 trẻ em cho thấy hầu hết các em đều đã nghe hoặc nhìn thấy tiếng đạn pháo, xe tăng hoặc máy bay quân sự; quá nửa đã từng chứng kiến người bị chết hoặc bị thương do chiến tranh.
Yara Asi, một chuyên gia về y tế công, cho biết: “Mật độ dân số ở Gaza rất cao. Khi xảy ra các vụ không kích, kể cả không rơi trúng tòa nhà bạn ở, bạn vẫn nghe và nhìn thấy chúng.”
Năm nay 16 tuổi, Abdullah Srour đã bị ảnh hưởng tâm lý nặng nề khi phải trải qua cả 4 cuộc xung đột lớn. Tháng Năm vừa qua, Srour lại chứng kiến lực lượng cứu hộ lôi những thi thể của các thành viên cùng một gia đình khỏi đống đổ nát do pháo kích.
Mẹ Srour cho biết cậu luôn trong tâm trạng lo sợ, cắn móng tay và không ngủ được một mình. “Sau cuộc chiến này, nó trở lại thời kỳ của một thằng bé 5 tuổi,” mẹ Srour nói.
Không lối thoát
Theo Trung tâm khảo sát nghiên cứu và chính sách Palestine, các cuộc chiến tranh giữa Israel và Hamas đã bào mòn tâm lý lạc quan của người dân Dải Gaza. Hiện chỉ có 14% người dân vùng lãnh thổ này có cảm nhận tích cực trong cuộc sống.
Với mong muốn thoát khỏi nỗi thống khổ, nhiều người đã tìm đường ra đi, nhưng cơ hội để họ làm điều này vô cùng thấp. Trong một cuộc khảo sát hồi tháng Sáu vừa qua có tới 40% người dân Palestine cho biết, họ đang tính đến việc rời bỏ quê hương mãi mãi.
Nhưng ở Dải Gaza, không có sân bay, không có cảng biển thương mại. Các cửa khẩu trên bộ qua biên giới với Israel, Ai Cập và Jordan đóng chặt với hầu hết dân thường, ngoại trừ một số trường hợp. Danh sách xin visa kéo dài với hàng ngàn cái tên.
Majd Mashharawi, chủ một doanh nghiệp nhỏ ở Dải Gaza, cho biết người dân sẽ chờ đợi bất cứ cơ hội nào có thể để rời bỏ mảnh đất này. Anh trai và nhiều bạn bè đại học của cô đã rời sang châu Âu hoặc Thổ Nhĩ Kỳ và không bao giờ muốn quay trở lại.
Mashharawi không trách họ, bởi cuộc sống khó khăn và chiến tranh thường xuyên khiến không ai dám hình dung tương lai mình sẽ như thế nào.
Chuyên gia kinh tế Alazzeh cho rằng thiệt hại do chiến tranh gây ra là thứ không thể lượng hóa bằng đồng tiền. Ông nói: “Chúng tôi muốn gắn con số USD cho mọi thứ. Nhưng người dân Dải Gaza trải qua 4 cuộc chiến, 14 năm bị phong tỏa, ngăn sông cấm chợ, hạn chế. Bạn sẽ tính toán thiệt hại bằng tiền như thế nào? Làm sao có thể lượng hóa cơ bản được nỗi thống khổ?”./.