Xung đột giữa Israel và Palestine dưới góc nhìn kinh tế

Ước tính trong cuộc xung đột Israel-Palestine, ngoài phí tổn vũ khí, đạn dược, thiệt hại về kinh tế chủ yếu dưới dạng gián tiếp, do nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc để tránh đạn pháo.
Xung đột giữa Israel và Palestine dưới góc nhìn kinh tế ảnh 1Hiện trường đổ nát sau vụ không kích của Israel xuống thành phố Khan Younis, Dải Gaza, ngày 19/5 vừa qua. (Ảnh: THX/TTXVN)

Cuộc xung đột quân sự giữa Israel và lực lượng Hamas của Palestine kéo dài 11 ngày đã gây thương vong lớn cho cả hai bên.

Tại nhiều thành phố của Israel, các hoạt động kinh tế xã hội bị đảo lộn do nhiều người dân không dám ra đường. Và như thường lệ, khi chiến tranh qua đi thì đó cũng là lúc những thiệt hại về kinh tế xã hội bắt đầu được kiểm đếm.

Trong 11 ngày xảy ra chiến sự, phía Hamas đã bắn khoảng 4.000 quả đạn pháo và tên lửa hướng sang lãnh thổ Israel. Tuy nhiên, một phần trong số này rơi ngay trong lãnh thổ Gaza, phần còn lại vượt qua biên giới đa số đều bị đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ "Vòm Sắt" của Israel, hoặc rơi vào các khu vực không có người ở.

Vì vậy, thiệt hại trực tiếp về vật chất, chẳng hạn như phá hủy nhà cửa, đường sá, cơ sở sản xuất… do bom đạn gây ra là không lớn nếu xét về quy mô của các trận "mưa tên lửa" như vậy.

600 triệu USD cho chiến dịch kéo dài 11 ngày

Cho đến nay, vẫn chưa có báo cáo chính thức nào về chi phí cũng như thiệt hại kinh tế của cuộc chiến từ phía Israel. Ước tính sơ bộ cho thấy phí tổn ngoài vũ khí, đạn dược, nhân sự cung cấp cho chiến dịch "Bảo vệ những bức tường," các thiệt hại về kinh tế chủ yếu là dưới dạng gián tiếp, do nhiều doanh nghiệp phải cho công nhân nghỉ việc để tránh đạn pháo và tên lửa của Hamas, khiến hoạt động sản xuất bị đình trệ.

Ngoài ra, một số ý kiến còn tính cả những thiệt hại vật chất gây ra bởi các cuộc bạo lực sắc tộc giữa các cộng đồng Do Thái và Arab tại nhiều thành phố của Israel, diễn ra trước và sau khi chiến tranh kết thúc.

Báo chí địa phương dẫn nguồn tin tiết lộ mỗi ngày giao tranh, Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tiêu tốn hơn 100 triệu shekel, tức 11 ngày chiến dịch mất khoảng 1,5 tỷ shekel, cộng thêm các chi phí liên quan thì tổng cộng cả chiến dịch tiêu tốn khoảng trên 2 tỷ shekel (tương đương hơn 600 triệu USD).

Hiện vẫn chưa rõ các chi phí này có bao gồm hoạt động của hệ thống "Vòm Sắt" hay không, bởi mỗi quả tên lửa đánh chặn của Israel có giá từ 40.000-100.000 USD. Cũng cần lưu ý là ước tính của IDF có thể "vênh" (thường là cao hơn) so với thống kê chính thức của các cơ quan quản lý kinh tế.

[Xung đột Israel-Palestine: Quốc tế nỗ lực củng cố lệnh ngừng bắn]

Theo thông báo của Hiệp hội Chế tạo Israel (MAI), có khoảng 50 khu công nghiệp và chế xuất tại nước này trực tiếp bị ảnh hưởng bởi đạn pháo, đều là những sự cố gây thiệt hại không lớn. Thiệt hại của các doanh nghiệp chủ yếu là gián tiếp, ước tính vào khoảng 1,2 tỷ shekel (tương đương 369 triệu USD).

Những thiệt hại "vô hình"

Tuy nhiên, trong những ngày chiến sự, khoảng 35% lực lượng lao động tại các thành phố phía Nam của Israel và 10% tại các thành phố miền Trung gần với biên giới Dải Gaza phải nghỉ việc, khiến sản lượng và doanh số bán hàng giảm mạnh.

Đó còn chưa tính đến các thiệt hại "vô hình", chẳng hạn các doanh nghiệp Israel bị mất uy tín về môi trường an ninh an toàn với các đối tác nước ngoài hoặc các đơn giao hàng chậm. Một số tàu chở hàng phải đi vòng qua khu chiến sự. Nhiều chuyến bay ra vào Israel bị hủy do sân bay đóng cửa.

Trong cuộc giao tranh giữa Israel và Hamas hồi năm 2014, vốn kéo dài 7 tuần và khốc liệt hơn, thiệt hại kinh tế theo ước tính của Ngân hàng Trung ương Israel là trên 1 tỷ USD, cộng thêm một khoản tương đương nữa do doanh thu của ngành du lịch giảm sút.

Tất nhiên, cuộc chiến giữa tháng Năm vừa qua có điểm khác là ngành du lịch Israel vẫn còn chưa gượng dậy sau tác động của đại dịch COVID-19 kể từ đầu năm ngoái.

Trước những thiệt hại kinh tế do cuộc chiến gây ra, thông qua MAI, khoảng 1.500 doanh nghiệp Israel đã đề nghị chính phủ xây dựng một cơ chế chính thức để đền bù cho những thiệt hại này.

Đáp lại, Bộ Tài chính và Tổng cục thuế của Israel đã phác thảo một kế hoạch đền bù cho các doanh nghiệp nằm trong phạm vi 40km sát đường biên giới với Gaza.

Theo đó, các doanh nghiệp này có thể lựa chọn giữa hai phương án đền bù, hoặc là dựa trên tổn thất về doanh thu và chi phí lương trong thời gian chiến sự, hoặc là nhận một khoản cố định nằm trong gói hỗ trợ khó khăn do dịch COVID-19.

Nói chung, cuộc chiến 11 ngày không gây ra cú sốc cho nền kinh tế Israel, vốn ít phụ thuộc vào các hoạt động sản xuất thực mà chủ yếu là các ngành dịch vụ và công nghệ cao (chiếm tới 70% GDP).

Kế hoạch mở cửa trở lại thị trường du khách quốc tế sau dịch COVID-19 của Bộ Du lịch Israel kể từ ngày 23/5 vẫn tiếp tục được thực hiện. Thị trường chứng khoán chỉ giảm mạnh trong ngày đầu tiên khi chiến sự nổ ra, sau đó đã hồi phục nhanh chóng, với chỉ số TA-35 tăng từ 1.649 điểm ngày 10/5 lên 1.694 điểm khi đóng cửa phiên 25/5.

Đặc biệt, trong báo cáo mới nhất công bố ngày 24/5, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s đánh giá tác động của cuộc xung đột tới nền kinh tế Israel là "nhẹ nhàng". Từ trước đến nay, quốc gia này đã "quen" với tình trạng xung đột địa chính trị xảy ra liên tục trong khu vực.

Cuộc chiến vừa qua với Hamas không tạo ra sức ép lớn về tài khóa cho chính phủ, ví dụ tăng thuế, đền bù thiệt hại chiến tranh hay chi phí quốc phòng tăng lên.

Thay vào đó, Moody’s nhấn mạnh tới tình hình bất ổn chính trị kéo dài hơn hai năm qua mới là yếu tố có thể khiến hãng này phải đánh tụt mức xếp hạng tín dụng của Israel, hiện ở mức khá cao so với mặt bằng chung giữa các nền kinh tế phát triển. Lý do là bế tắc chính trị cản trở ngân sách hoạt động và các chương trình cải cách kinh tế của chính phủ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục