Ý kiến của Bộ GD&ĐT về trường Kinh doanh và Công nghệ đào tạo y, dược

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng về việc cấp phép cho Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đào tạo y đa khoa và dược - vấn đề gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận những ngày gần đây.
Ý kiến của Bộ GD&ĐT về trường Kinh doanh và Công nghệ đào tạo y, dược ảnh 1Nhà trường đầu tư 37 phòng trong đó 10 phòng làm việc, Khoa Y có 17 phòng và khoa Dược có 10 phòng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Việc Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ được Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cấp phép đào tạo hai ngành y đa khoa và dược đã gây nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận những ngày gần đây. Bởi đào tạo nhân lực trong lĩnh vực y, dược là vấn về quan trọng, liên quan đến sức khoẻ con người.

Trao đổi về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Trước khi cho phép đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế đã thành lập Đoàn thẩm định liên ngành của hai Bộ để thẩm định các điều kiện mở ngành, trong đó có thẩm định cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên.

Kết quả thẩm định điều kiện mở mã ngành của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho thấy, trường đã chuẩn bị đủ điều kiện để mở mã ngành theo Thông tư số 08 năm 2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Tuy nhiên, Đoàn thẩm định cũng khuyến cáo nhà trường về yêu cầu cao hơn quy định so với Thông tư 08 hiện hành. Đó là những yêu cầu mà hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đang cùng với Bộ Y tế thảo luận. Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ cần chuẩn bị đầy đủ để khi quy định mới được triển khai thì trường đã sẵn sàng điều kiện đáp ứng.

Ngoài ra, khi Đoàn đi thẩm định còn có một số giảng viên chưa cam kết giảng dạy tại trường nhưng đến thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép mở mã ngành thì những giảng viên này đã có cam kết dạy tại trường.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng nhấn mạnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng Bộ Y tế sẽ tiếp tục giám sát việc triển khai đào tạo của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ để bổ sung, hoàn thiện theo lộ trình các năm học.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Từ hơn 2 năm trước, Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ đã đầu tư hơn 80 t​ỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy hai ngành này; tuyển dụng, trả lương để duy trì đội ngũ giảng viên. Về cơ sở vật chất, trang thiết bị, trường đã chuẩn bị đủ các điều kiện mở ngành theo quy định.

Hiện nhà trường đã đủ điều kiện phục vụ đào tạo cho những năm học đầu tiên của khóa học; đã xây dựng kế hoạch đảm bảo đào tạo những năm cuối của khóa học theo đúng nguyên tắc.

Đoàn thẩm định đã yêu cầu trường cần bổ sung thêm đội ngũ và cơ sở vật chất thiết bị thực hành thí nghiệm để đảm bảo theo lộ trình các năm học và khi tăng quy mô đào tạo.

Trong quá trình đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Y tế để kiểm tra điều kiện đảm bảo chất lượng. Nếu trường không đủ điều kiện sẽ yêu cầu ngừng đào tạo ngay. Trước đây cũng đã có trường bị yêu cầu ngừng đào tạo vì không đảm bảo điều kiện.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, cả nước hiện có 21 trường đào tạo y đa khoa, trong đó 5 trường ngoài công lập; 26 trường đào tạo ngành dược (trong đó có 14 trường ngoài công lập).

Các trường này được quản lý theo điều kiện chung, không phân biệt công hay tư. Trước thời điểm Bộ Giáo dục và Đào tạo có quyết định dừng cấp phép (tháng 12/2014), cả nước có khoảng 70 trường tham gia đào tạo Y, Dược./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục