96% người bị từ chối quyền tị nạn tìm mọi cách ở lại Pháp

Thông cáo công bố ngày 20/10 của Viện Thẩm kế của Pháp (Tòa kiểm toán) cho biết 96% những người di cư bị Pháp từ chối quyền tị nạn sẽ tìm mọi cách để ở lại Pháp.
96% người bị từ chối quyền tị nạn tìm mọi cách ở lại Pháp ảnh 1Cảnh giải tỏa điểm nóng nhập cư tại nhà ga Austerlitz, ngay giữa trung tâm Paris vào tháng Chín. (Nguồn: Báo Le Figaro)

Thông cáo công bố ngày 20/10 của Viện Thẩm kế của Pháp (Tòa kiểm toán) cho biết 96% những người di cư bị Pháp từ chối quyền tị nạn sẽ tìm mọi cách để ở lại Pháp.

Thông cáo cũng cho biết các chi phí nhằm triển khai các chính sách liên quan đến người tị nạn của Pháp đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay.

Từ năm 2009-2013, chi tiêu của ngân sách Nhà nước liên quan đến người tị nạn đã tăng 72%, lên đến 540 triệu euro trong năm 2013.

Các chi phí gia tăng không phải là do số lượng người xin tị nạn vào Pháp tăng lên, mà là do thời gian chờ đợi xử lý hồ sơ kéo dài trung bình là 2 năm, nhiều gấp đôi so với thời gian chờ đợi ở Đức. Hệ quả là số tiền hỗ trợ ăn nghỉ cùng các khoản phụ cấp gia tăng làm bùng nổ các chi phí liên quan đến người tị nạn.

Theo Viện Thẩm kế, các cơ quan chức năng cần phải nỗ lực rút ngắn thời gian thẩm tra vì mỗi tháng giảm xuống sẽ tiết kiệm được từ 10-15 triệu euro. Theo luật mới được thông qua về quyền tị nạn, thời gian thẩm định hồ sơ từ nay sẽ bị rút xuống còn 9 tháng.

Việc buộc các đối tượng có hồ sơ bị từ chối rời khỏi nước Pháp là một trong những khâu yếu nhất của chính quyền đương nhiệm. Theo con số do Tổng vụ phụ trách người nước ngoài thuộc Bộ Nội vụ Pháp (DGEF) công bố, chỉ có khoảng 6,8% người có hồ sơ bị từ chối thực sự rời lãnh thổ Pháp, những người còn lại đều tìm mọi cách để ở lại nước Pháp. Con số này được Viện Thẩm kế đưa ra trên cơ sở cung cấp thống kê cụ thể của năm 2014. Với 40.206 hồ sơ bị từ chối, nước Pháp đã chỉ có thể trục xuất được 1.432 người.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve cho rằng tỷ lệ trung bình 6,8% được thống kê trong nhiều năm này là không chính xác, tỷ lệ những người rời Pháp trên thực tế phải lên đến 20%.

Trong khi đó, Bí thư toàn quốc phụ trách vấn đề nhập cư thuộc đảng đối lập Những người Cộng hòa, ông William Larrivé khai thác ngay chi tiết này và cho rằng điều này cho thấy những yếu kém của chính quyền và hệ thống xem xét hồ sơ xin tị nạn tại Pháp đã trở thành "cỗ máy sản xuất những người nhập cư bất hợp pháp. "

Theo Viện Thẩm kế, số lượng hồ sơ xin tị nạn được ghi nhận tại Pháp vào năm 2014 là 65.000 hồ sơ. Mặc dù dòng người di cư đang đổ về châu Âu ngày một đông trong những tháng gần đây, tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ vẫn ổn định như vậy trong năm 2015.

Thực tế cho thấy người di cư không ưu tiên lựa chọn Pháp mà muốn đến những nước mà theo họ sẽ cho họ cuộc sống tốt hơn. Ở chiều ngược lại, nhiều người dân Pháp, thông qua các cuộc thăm dò được tiến hành thời gian qua, đã bày tỏ quan điểm rằng nước Pháp không còn khả năng đón tiếp thêm được nhiều người nhập cư nữa do những khó khăn kinh tế nội tại đồng thời cũng lo ngại những xung đột lâu dài vì các khác biệt về văn hóa và tôn giáo./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục