Bắc Giang: Kỷ niệm 131 năm cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế

Đông đảo nhân dân cùng du khách thập phương đã tề tựu về quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế tại Bắc Giang để tham dự Lễ kỷ niệm 131 năm khởi nghĩa Yên Thế.
Bắc Giang: Kỷ niệm 131 năm cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế ảnh 1Trích đoạn biểu diễn nghệ thuật ''Hoàng Hoa Thám làm lễ tế cờ'' tại lễ kỷ niệm. (Ảnh: Đồng Thúy/TTXVN)

Ngày 16/3, tại trung tâm quần thể di tích Quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế, Ủy ban Nhân dân huyện Yên Thế (Bắc Giang) tổ chức Lễ kỷ niệm 131 năm khởi nghĩa Yên Thế (16/3/1884-16/3/2015) và khai mạc Lễ hội Yên Thế năm 2015.

Tham dự lễ hội có đông đảo nhân dân, du khách trong và ngoài tỉnh.

Lễ hội Yên Thế nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa dân gian, tôn vinh và tưởng nhớ đến người thủ lĩnh áo vải Hoàng Hoa Thám cùng tinh thần bất diệt của cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế.

Sau phần lễ được tổ chức trang trọng với màn dâng hương tưởng niệm anh hùng dân tộc Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân là chương trình nghệ thuật với chủ đề “Khởi nghĩa Yên Thế - Truyền thống hội tụ” đã tái hiện lại quá trình đấu tranh chống giặc ngoại xâm của nghĩa quân đầy gian khổ, mất mát nhưng cũng vô cùng oanh liệt, hào hùng.

Trong khuôn khổ lễ hội còn diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, thể thao truyền thống như kéo co, bóng đá nam, đẩy gậy, bóng chuyền hơi, cờ tướng, cờ người, đánh đu, thả chim, thả cá, biểu diễn nghệ thuật múa rối, hát quan họ, thi người mặc trang phục dân tộc đẹp; hội chợ kinh doanh thương mại, giới thiệu ẩm thực…

Ngoài ra, nhà trưng bày về cuộc khởi nghĩa Yên Thế mở cửa đón du khách đến tham quan những hiện vật, hình ảnh quý về hoạt động của nghĩa quân Yên Thế hơn một thế kỷ trước.

Khởi nghĩa Yên Thế nổ ra vào năm 1884 tại Bắc Giang rồi lan rộng tới các tỉnh Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Lạng Sơn…

Dưới sự lãnh đạo của Người anh hùng áo vải Hoàng Hoa Thám, cuộc khởi nghĩa kéo dài gần 30 năm đã thể hiện sự bền bỉ và tinh thần bất khuất của nông dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.

Cuộc khởi nghĩa Yên Thế (1884-1913) được đánh giá là cuộc khởi nghĩa có vũ trang của nông dân có quy mô lớn nhất, trên bình diện rộng nhất, thời gian kéo dài nhất và oanh liệt nhất trước khi có Đảng lãnh đạo.

Cuộc khởi nghĩa đã trở thành biểu tượng rực rỡ của lòng yêu nước, ý chí quật cường chống giặc ngoại xâm của nhân dân ta.

Năm 2012, Những địa điểm khởi nghĩa Yên Thế đã được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Lễ hội Yên Thế được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục