Tây Ninh: Đồng bào Khmer rộn ràng đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2024

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay, người Khmer tỉnh Tây Ninh đón Tết trong không khí đổi mới, kinh tế-xã hội, đời sống vật chất tinh thần khởi sắc.

Tục đắp núi cát là nghi thức quan trọng trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer nhằm cầu bình an, cầu siêu cho vong linh những người đã khuất. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)
Tục đắp núi cát là nghi thức quan trọng trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay của đồng bào Khmer nhằm cầu bình an, cầu siêu cho vong linh những người đã khuất. (Ảnh: Minh Phú/TTXVN)

Tây Ninh có trên 10.000 đồng bào dân tộc Khmer sinh sống. Trong những ngày Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây, các vùng đồng bào dân tộc Khmer tỉnh Tây Ninh đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội đặc sắc mừng Tết cổ truyền, không khí tại các phum, sóc, xóm, ấp ngày càng rộn ràng, tươi vui.

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới quan trọng của đồng bào Khmer, là dịp cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống an lành, hạnh phúc, khởi đầu năm mới với nhiều niềm tin, khát vọng mới, cầu chúc cho sự tốt đẹp, cuộc sống ấm no.

Đây cũng là dịp để người dân thể hiện tấm lòng hiếu thảo, thành kính với tổ tiên và biết ơn đối với Đảng và Nhà nước.

Hằng năm, Tết Chôl Chnăm Thmây được tổ chức vào khoảng đầu tháng Chét theo Phật lịch (tức khoảng tháng 4 Dương lịch).

TTXVN_1704Khmer2.jpg
Đồng bào Khmer làm lễ trong Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay tại chùa ấp Cà Ốt, xã Tân Đông, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh. (Ảnh: Minh Phú /TTXVN)

Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm nay, người Khmer tỉnh Tây Ninh đón Tết trong không khí đổi mới, kinh tế-xã hội, đời sống vật chất tinh thần khởi sắc.

Ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các các xóm, ấp, phum, sóc, ngay từ sáng sớm, phật tử đồng bào Khmer đã đến dâng cơm tại các chùa. Năm nay, đồng bào Khmer tại tỉnh vui tươi, phấn khởi hơn khi kinh tế gia đình được phát triển, mùa màng bội thu, nông sản bán được giá, đời sống vật chất tinh thần ngày càng được cải thiện, y tế, giáo dục được các cấp chính quyền quan tâm.

Ông Cao Văn Ươn (62 tuổi, người có uy tín trong cộng đồng Khmer, ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh) cho biết nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cấp chính quyền địa phương, đời sống của người Khmer ngày càng được nâng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, văn nghệ…

Người Khmer cảm ơn Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức, đoàn thể luôn quan tâm, chăm lo, giúp đỡ về mọi mặt, tạo điều kiện để đồng bào dân tộc phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống, giữ gìn được nét văn hóa, phong tục tập quán.

Ông Kiên Sô Phát, Trụ trì chùa BôtTum KiRiRăngSây (chùa Khedol, tại ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh), nhận định năm 2024, đồng bào Khmer mừng Tết Chôl Chnăm Thmây lớn hơn mọi năm nhờ mùa màng bội thu, nông sản được giá.

Người Khmer luôn có ý thức thực hiện tốt tín ngưỡng-tôn giáo văn minh và các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động tại địa phương.

Ông Nguyễn Chí Thái, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh, cho biết trên địa bàn xã có gần 1.000 nhân khẩu là người Khmer, cuộc sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Trong những năm bị ảnh hưởng bởi COVID-19, cuộc sống của người dân rất khó khăn.

Đến nay, các nông sản của người dân vừa được mùa, vừa được giá, đời sống phát triển tốt. Trên địa bàn không còn hộ nghèo.

Từ ngày 13/4 đến ngày 16/4, nhiều hoạt động sôi nổi trên địa bàn xã đã được người Khmer tổ chức đón Tết Chôl Chnăm Thmây.

Theo ông Nguyễn Chí Thái, thời gian tới, Đảng ủy, chính quyền địa phương sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hỗ trợ người dân tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, sản xuất, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, nhất là đối với người Khmer trên địa bàn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Chương trình nghệ thuật sân khấu hóa với chủ đề “Huyền thoại Mẹ xứ sở” tại lễ hội. (Ảnh: Đặng Tuấn/TTXVN)

Khánh Hòa: Khai mạc Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025

Lễ hội Tháp Bà Ponagar năm 2025 kéo dài đến hết ngày 20/4, là cơ hội gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa, để nơi đây mãi là biểu tượng thiêng liêng của lòng tri ân, niềm tin và khát vọng của con người.

Những chiếc thuyền câu cùng vật tế lễ tại lễ Khao lề. (Ảnh: TTXVN phát)

Quảng Ngãi: Tri ân những hùng binh Hoàng Sa

Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa không chỉ dừng lại ở ý nghĩa văn hóa, mà còn góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên vùng Biển Đông.

Nước phở nóng sốt được chan vào bát. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Về Nam Định tham dự lễ hội làng nghề Phở Vân Cù

Lễ hội làng nghề phở Vân Cù, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, Nam Định nhằm bảo tồn, phát triển và tri ân các bậc tiền bối đã làm nên một nghề Phở Vân Cù truyền thống, được lan tỏa khắp mọi miền tổ quốc.

Các nghệ nhân trình diễn đổ chiếc bánh xèo khổng lồ có 100 con tôm hùm trong khuôn khổ Lễ hội. (Ảnh: Trung Kiên/TTXVN)

Bảo tồn và phát huy giá trị bánh dân gian Nam Bộ

Lễ hội bánh dân gian Nam Bộ 2025 quy tụ nhiều nghệ nhân từ khắp mọi miền đất nước với quy mô hơn 230 gian hàng gồm không gian bánh dân gian, không gian đặc sản vùng miền, không gian ẩm thực.