Bộ Tài chính: 246 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa là một "thách thức"

Từ nay tới cuối năm, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, còn tới 246 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa.
Bộ Tài chính: 246 doanh nghiệp chưa cổ phần hóa là một "thách thức" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tính tới hết tháng Năm, số lượng doanh nghiệp đã cổ phần hóa mới đạt con số 43. Như vậy, từ nay tới cuối năm, đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, còn tới 246 doanh nghiệp phải thực hiện cổ phần hóa.

Đưa ra con số mới nhất này trong buổi họp báo chiều nay (5/6), ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính, thừa nhận số lượng doanh nghiệp còn lại theo kế hoạch là “thách thức.”

Cho rằng phải thực hiện theo kế hoạch nhưng ông Tiến cũng nhấn mạnh yếu tố “chất lượng” của doanh nghiệp hậu cổ phần hóa.

Theo lãnh đạo Cục Tài chính doanh nghiệp, từ nay tới cuối năm, phía cơ quan chức năng sẽ phân loại các doanh nghiệp để thực hiện bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO).

“Doanh nghiệp nào đủ điều kiện thì mới IPO còn không thì sẽ chuyển sang công ty cổ phần,” ông Tiến nói.

Cụ thể, vị lãnh đạo ngành tài chính cho biết, sau 12 tháng thực hiện chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp sẽ phải trình phương án IPO. Nếu tiếp tục không IPO được, doanh nghiệp này sẽ phải thực hiện đúng quy định là bán cả doanh nghiệp hoặc tuyên bố phá sản.

“Nếu không ai mua thì rõ ràng doanh nghiệp có vấn đề. Bởi vậy, giải pháp này không phải chữa cháy mà rõ ràng mang tính triệt để,” ông Tiến nói.

Một giải pháp khác được đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh kiên quyết tăng cường giám sát, kiểm tra, cụ thể là gắn trách nhiệm người đứng đầu doanh nghiệp, bộ, ngành với công tác cổ phần hóa.

“Nếu doanh nghiệp không thực hiện, không quyết tâm, chần chừ thì kiên quyết thay thế lãnh đạo doanh nghiệp. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ,” ông Đặng Quyết Tiến khẳng định.

Chưa đánh giá tiến độ tới cuối năm có thể thực hiện đúng kế hoạch hay không nhưng theo ông Tiến, từ nay tới cuối năm, quá trình này sẽ được đẩy nhanh hơn.

Về kết quả thoái vốn, báo cáo ngành tài chính cho thấy, số vốn đã thoái tính tới hết quý 1 là khoảng trên 8.200 tỷ đồng. Như vậy, ông Tiến thống kê, trong những tháng cuối năm, các đơn vị sẽ cần thoái 19.517 tỷ đồng.

Trong số tiền còn đọng lại trên, ông Tiến cho hay, phần lớn nằm vẫn trong khu vực ngân hàng bất động sản. Con số chưa thoái trong hai lĩnh vực này theo ông còn khoảng 12.000 tỷ đồng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục