Ca sinh con đầu tiên của người chạy thận nhân tạo chu kỳ

Bệnh nhân Hoàng Ngọc Yến, 31 tuổi, đã trở thành trường hợp đầu tiên ở Việt Nam khi là bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ bảy năm có thai đã sinh con.
Ca sinh con đầu tiên của người chạy thận nhân tạo chu kỳ ảnh 1(Ảnh minh họa. Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 14/10, giáo sư-tiến sỹ Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết Bệnh viện vừa điều trị thành công ca bệnh khó, hiếm gặp trong lĩnh vực cột sống, chấn thương chỉnh hình và trường hợp bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ bảy năm có thai đã sinh con.

Đối với trường hợp bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối lọc máu chu kỳ bảy năm có thai đã sinh con, theo tiến sỹ Nguyễn Hữu Dũng, Trưởng khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Bạch Mai, đây thực sự là kỳ tích bởi đối với bệnh nhân suy thận, tỷ lệ có thai chỉ đạt 1-7% và 40 năm qua Bệnh viện mới ghi nhận năm bệnh nhân chạy thận nhân tạo có thai. Việt Nam chưa có báo cáo nào bệnh nhân có thai trong khi chạy thận nhân tạo chu kỳ sinh con.

Bệnh nhân Hoàng Ngọc Yến, năm nay 31 tuổi, ở Lĩnh Nam, Hà Nội, bị suy thận từ năm 2008 khi đang có thai 16 tuần tuổi và đã không giữ được thai. Từ đó đến nay, chị gắn bó với khoa thận nhân tạo vì phải chạy thận chu kỳ 3 lần/tuần và chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ lại được làm mẹ. Thế nhưng 7 năm sau chị Yến được phát hiện có thai và song hành với niềm vui là nỗi lo làm thế nào giữ được thai khi bản thân chị đang mang bệnh mạn tính và đối với bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ như chị, có thai sinh con có rất nhiều rủi ro cho cả mẹ và con.

Và những nỗ lực của các thầy thuốc, khao khát làm mẹ của chị Yến đã được đền đáp, ngày 6/9, bé trai Xuân Bảo đã chào đời.

Ca bệnh khó, hiếm gặp trong lĩnh vực cột sống và chấn thương chỉnh hình là trường hợp của bệnh nhân là Chu Tiến Long (28 tuổi, ở thôn 1, xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) bị khối u ở đốt sống. Khối u xuất phát từ thân đốt sống, xâm lấn chèn ép vào thần kinh, ổ bụng, hệ thống động tĩnh mạch chủ chậu. Vị trí khối u nằm ở thắt lưng, ngay chỗ chia động mạch chủ chậu.

Ngày 27/9, một ca mổ kéo dài 6 giờ đồng hồ với sức mạnh tổng hợp của tất cả các chuyên khoa liên quan để giành lại sự sống và chức năng cho người bệnh từ tay tử thần đã diễn ra thành công.

Trước khi mổ bệnh nhân đã được chỉ định nút mạch khối u tại khoa Chẩn đoán hình ảnh. Ca mổ tiếp cận bằng hai đường. Đầu tiên, phẫu thuật đi từ đường lưng để cố định cột sống và xương chậu lấy phần u phía sau. Tiếp đó, phẫu thuật đường mở ổ bụng, phối hợp bóc tách động mạch chủ chậu ra khỏi khối u…

Ca mổ đã thành công ngoài sức mong đợi của tập thể thầy thuốc của Bệnh viện Bạch Mai và gia đình. Khối u đã được bóc tách hoàn toàn khỏi cơ thể bệnh nhân; đồng thời các bác sỹ đã tạo hình, ghép đốt sống mới cho bệnh nhân. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân đang hồi phục nhanh chóng và bệnh nhân có thể sinh hoạt, lao động trở lại sau khi ra viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục