Các nhà xuất bản thế giới khôi phục niềm tin vào báo chí như thế nào

Gần đây, 28 tòa soạn đã tham gia vào dự án Trusting News (Tin tưởng tin tức), xoay quanh việc tìm hiểu xem độc giả nghĩ gì về độ tin cậy của tin tức.
Các nhà xuất bản thế giới khôi phục niềm tin vào báo chí như thế nào ảnh 1(Nguồn: mediashift.org)

Gabriele Boland, nhà phân tích của NewsWhip vừa có bài viết đăng trên Media​Shift, dẫn một nghiên cứu gần đây của Viện Báo chí Donald W. Reynolds xác định được những nguồn tin tức đáng tin cậy hàng đầu.

Tác giả cũng cho biết bà và đồng nghiệp đã tìm hiểu các dữ liệu để xem những nhà xuất bản này đang làm gì nằm xây dựng lại niềm tin với báo chí thông qua truyền thông xã hội.​

Niềm tin với truyền thông vẫn tiếp tục trong tình trạng rất ảm đạm. Một cuộc khảo sát năm 2016 của Gallup cho thấy các nhà báo chỉ được tin tưởng nhiều hơn so với các luật sư và thống đốc bang. Ở Anh, nhà báo là nghề thuộc tốp năm nghề nghiệp chót bảng, xếp sau cả môi giới bất động sản.​

Gần đây, 28 tòa soạn đã tham gia vào dự án Trusting News (Tin tưởng tin tức), xoay quanh việc tìm hiểu xem độc giả nghĩ gì về độ tin cậy của tin tức.

8.700 người tham gia đã được đề nghị nêu tên ba thương hiệu tin tức mà họ tin tưởng, và ba thương hiệu khác họ không tin. Dưới đây là tốp 10 câu trả lời được đưa ra nhiều nhất.

Các nhà xuất bản thế giới khôi phục niềm tin vào báo chí như thế nào ảnh 2

Không phải tất cả những cái tên ở đây đều là những nguồn tin tức cụ thể. Có thể thấy rằng truyền thông xã hội và internet được nhắc đến với thái độ ít ưu ái hơn so với những phương tiện truyền thông truyền thống như truyền hình và phát thanh đại chúng, và không hãng tin chuyên về kỹ thuật số nào lọt danh sách những thương hiệu tin tức được tin tưởng nhất.

[Các công ty truyền thông đang "phát ốm" vì mạng xã hội Facebook]

Cùng với danh sách này, các chuyên gia đã quyết định ghép cặp các nguồn tin tức này với nhau và xem xét những khác biệt giữa các nội dung cuốn hút nhất của họ cũng như các phương pháp phân bổ tin tức trên mạng xã hội.

Niềm tin có đóng vai trò gì trong tương tác trên truyền thông xã hội không?

Xét thực tế rằng chỉ có 9 nhà xuất bản tin tức trong danh sách những cái tên được tin tưởng, và 7 nhà xuất bản trong danh sách ít đáng tin hơn, nhóm tác giả đã bổ sung thêm hai nhà xuất bản/thương hiệu truyền thông từ kết quả những hãng tin ít được tin tưởng nhất của nghiên cứu, là Fox News và Rush Limbaugh.

Chúng tôi đã xem xét những dữ liệu về tháng 7​/2017 của NewsWhip Analytics.

Các nhà xuất bản thế giới khôi phục niềm tin vào báo chí như thế nào ảnh 3

Chỉ có một nửa các nhà xuất bản ở đây lọt danh sách đáng tin cậy nhất. Dựa trên các dữ liệu, được xem là đáng tin hay không không nhất thiết đóng một vai trò nào đó trong mức độ phủ sóng của nội dung trên mạng xã hội.

Như vậy có nghĩa là, với một số nhà xuất bản ở đây, việc lọt vào danh sách "ít đáng tin" không hẳn là một điều tiêu cực. Một số nhà xuất bản, ví dụ như BuzzFeed, đưa tin bao gồm rất nhiều chủ đề ngoài những tin nóng hổi và giật gân.

Tuy vậy, việc được xem là một hãng tin đáng tin cậy cũng có lợi nếu xét trong tình hình và quan điểm hiện tại về giới truyền thông. Chỉ 32% người Mỹ tin vào tin tức, và con số đó ở các đảng viên đảng Cộng hòa chỉ là 14%.

Vậy những nhà xuất bản đáng tin cậy này có cách tiếp cận khác như thế nào với các nội dung tin tức và sự phân bổ tin tức trên mạng xã hội?

1. Họ viết về nhiều chủ đề hơn ngoài chính trị

Chúng tôi đã nghiên cứu 18 nhà xuất bản tin tức và thương hiệu truyền thông này để xem có sự khác biệt nào giữa những chủ đề hấp dẫn nhất của họ hay không. Để làm điều này, chúng tôi xem xét 10 câu chuyện tin tức cuốn hút nhất từ ngày 14/6 đến 14/7 của từng nhà xuất bản.​

Các nhà xuất bản thế giới khôi phục niềm tin vào báo chí như thế nào ảnh 4

Có hơn một nửa trong số những tin tức hàng đầu của các trang tin ít đáng tin nhất là về chính trị. Những chủ đề thường xuyên khác là Hồi giáo và khủng bố, và các vấn đề xã hội liên quan đến nhận dạng giới tính và quyền lợi của cộng đồng LGBT. BuzzFeed có sự đa dạng lớn nhất, với chỉ 1 trong số 10 tin bài tốp đầu nói về chủ đề chính trị.​

Trong khi đó, những trang tin đáng tin cậy, sự khác biệt lại lớn hơn. Đa phần những tin tức thu hút nhất là tin thế giới. Những chủ đề khác liên quan đến những phát hiện về sức khỏe và môi trường. Thay vì nổi tiếng chỉ với một chủ đề, các nhà xuất bản này đã xây dựng hình ảnh là một nguồn cung cấp đa dạng các câu chuyện tin tức mà họ tin là các độc giả của mình nên biết.​

Các nhà xuất bản thế giới khôi phục niềm tin vào báo chí như thế nào ảnh 5

Nhiều câu chuyện tin tức hàng đầu từ các hãng tin đáng tin cậy cũng có chủ đề chính trị, nhưng chúng tập trung nhiều hơn vào cơ quan lập pháp hơn là các chính trị gia. Những tin bài khác là những ý kiến nhiều chiều.​

Có rất nhiều nỗ lực được bỏ ra cho việc đóng gói các nội dung cho trang web và truyền thông xã hội.

2. Họ viết những dòng tít một cách khách quan

Một nguyên lý cơ bản của báo chí là cung cấp thông tin không thiên vị, và những nhà xuất bản đáng tin nhất luôn có xu hướng ghi nhớ điều đó. Khi phân tích các dòng tiêu đề của họ, chúng tôi thấy rằng mặc dù không có vấn đề gì với việc thể hiện quan điểm, nhưng nhìn chung là không có sự bình luận ở đây.​

Các nhà xuất bản thế giới khôi phục niềm tin vào báo chí như thế nào ảnh 6

Nếu có những phát biểu mang tính chủ quan trong dòng tít, thì đó thường là trích dẫn lại lời của một ai đó, hoặc đó rõ ràng là một bài nêu ý kiến. Trong số 9 nhà xuất bản được tin tưởng nhất, chỉ Los Angeles Times có những phát biểu mang tính quan điểm trong những tiêu đề bài viết thu hút nhất của mình.​

Tại hội nghị Whipsmart của chúng tôi, Renan Borelli tới từ MTV News đã chia sẻ rằng khán giả của MTV không thích những tin tức đi kèm bất kỳ bình luận nào.​

"Chúng tôi thấy rằng mọi người không muốn nghe những lời châm biếm từ chúng tôi," Renan chia sẻ. "Họ không muốn những dòng tít kịch tính và khoa trương. Họ chỉ muốn chúng tôi trực tiếp trình bày mọi thứ ra."​

3. Họ không kích động những phản ứng tiêu cực​

Một điểm đáng chú ý nữa là hầu hết các hãng tin đáng tin cậy không tìm cách kích động những phản ứng tiêu cực ở độc giả. Những câu chuyện có thể giàu cảm xúc, nhưng những nhà xuất bản tin tức được tin cậy nhất cho phép những câu chuyện đó tự mình bộc lộ qua những sự kiện thực tế.​

Chúng tôi đã xem xét trang Facebook của các hãng tin này trong cùng khoảng thời gian là 30 ngày để xác định những hãng tin nào thúc đẩy lượng phản ứng cảm xúc cao nhất. The Economist, Wall Street Journal và Dallas Morning News có tỷ lệ phản ứng giận dữ trung bình thấp nhất.​

Các nhà xuất bản thế giới khôi phục niềm tin vào báo chí như thế nào ảnh 7

Nhìn vào những tin bài hàng đầu của những hãng tin ít được tin cậy nhất, những từ ngữ kích động cảm xúc cũng như việc sử dụng tràn lan kiểu viết hoa toàn bộ rất phổ biến.​

4. Họ không giấu thông tin trên phương tiện truyền thông xã hội

Facebook, Twitter, LinkedIn... là những cách tốt nhất để biến đổi thông điệp của bạn cho những đối tượng độc giả khác nhau trên mỗi kênh xã hội này.​

Nói vậy có nghĩa là, những nhà xuất bản được tin tưởng nhất luôn tránh xa những chiêu trò câu khách hay sự mập mờ trong những bài đăng trên mạng xã hội của mình. Trên Facebook, họ đưa ra tất cả những thông tin bạn cần biết trước khi phải nhấp chuột để đọc một bài viết hay xem một video.​

Thay vì chọn những từ ngữ bắt tai, cảm thán hay câu khách, Wall Street Journal đã tạo ra một sự thu hút thú vị cho tin tức trong khi vẫn đồng thời cung cấp thông tin về nội dung bài viết.​

Niềm tin có đóng vai trò quan trọng không?​

Khi những quan ngại quanh những bong bóng lọc vẫn còn rất phổ biến từ cả phía tòa soạn và phía độc giả, xác định những cách củng cố lòng tin giữa hai bên là một điều đáng làm.​

Theo Pew Research, các độc giả ở Mỹ đang ngày càng chú ý hơn tới những tin tức mang tính quốc gia. 72% độc giả Mỹ tin rằng các nguồn cung cấp tin tức ủng hộ cho một đảng chính trị cụ thể nào đó. Với những quan điểm mạnh mẽ như vậy, sử dụng những cách thức tốt nhất có thể giúp khôi phục niềm tin rằng các hãng tin không có chương trình nghị sự mang tính cá nhân nào./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục