Các tỉnh phía Nam sẽ hỗ trợ tiêu thụ hơn 80.000 tấn quả vải

Mùa vải năm nay, các sở, ngành và các doanh nghiệp tại khu vực phía Nam đã cam kết hỗ trợ tiêu thụ hơn 80.000 tấn vải, tăng 20.000 tấn so với năm trước.
Các tỉnh phía Nam sẽ hỗ trợ tiêu thụ hơn 80.000 tấn quả vải ảnh 1 Lãnh đạo Sở Công thương 12 tỉnh, thành phố ký kết hỗ trợ tiêu thụ vải thiều năm 2015. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Tại hội nghị xúc tiến tiêu thụ quả vải năm 2015 do Bộ Công Thương tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 10/6, các sở, ngành và doanh nghiệp tại khu vực phía Nam đã cam kết hỗ trợ tiêu thụ hơn 80.000 tấn vải, tăng 20.000 tấn so với năm trước.

Chủ động tìm đầu ra cho quả vải

Mùa vụ năm 2015, sản lượng vải của tỉnh Bắc Giang đạt khoảng 160.000 tấn, gồm vải sớm là 25.000 tấn và vải chính vụ 135.000 tấn; riêng vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap là 80.000 tấn.

Tại tỉnh Hải Dương, sản lượng vải đạt 50.000 tấn, riêng vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap đạt trên 1.500 tấn.

Tính chung trên cả nước có khoảng 10 tỉnh, thành phố tham gia trồng vải với tổng sản lượng dự kiến đạt 250.000-300.000 tấn, trong đó dự kiến lượng tiêu thụ trong nước khoảng 60% và còn lại là xuất khẩu. Theo các cơ quan quản lý, mùa vải năm nay đạt chất lượng khá cao do nhiều địa phương ứng dụng quy trình tiên tiến, mở rộng diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap.

Ông Bùi Văn Hạnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang cho biết bên cạnh việc nỗ lực sản xuất và cung ứng ra thị trường những sản phẩm vải chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, chính quyền địa phương còn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến tiêu thụ mặt hàng này tại thị trường trong và ngoài nước. Trong đó, khu vực phía Nam là một trong những thị trường trọng điểm, nên lãnh đạo tỉnh đã chủ động phối hợp với bà con nông dân và các Bộ, ngành triển khai nhiều hoạt động xúc tiến cho mặt hàng vải.

Các sở, ngành của tỉnh Bắc Giang đã kết nối chặt chẽ với sở, ngành các địa phương phía Nam để nắm bắt diễn biến thị trường, cập nhật thông tin đầu mối tiêu thụ, để thực hiện những giải pháp phù hợp nhằm đẩy mạnh tiêu thụ vải trên thị trường.

Không chỉ tỉnh Bắc Giang, mà nhiều tỉnh, thành phố trồng vải đã triển khai song song các giải pháp nâng cao chất lượng vải và cải thiện năng lực xúc tiến thị trường trong và ngoài nước cho mặt hàng này.

Một số tỉnh, thành phố đã quy hoạch phát triển hạ tầng để phục vụ cho hoạt động xúc tiến sản phẩm vải nói riêng và nông sản địa phương nói chung. Đặc biệt hoạt động xúc tiến được tổ chức có trọng tâm nên phát huy được hiệu quả bước đầu, tập trung tăng cường kết nối giao thương với các trung tâm tiêu thụ lớn trong cả nước; chú trọng quảng bá thương hiệu và tìm kiếm thị trường.

Về công tác xúc tiến xuất khẩu mặt hàng quả vải, ông Vũ Doãn Quang, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Hải Dương cho biết tỉnh Hải Dương đã tập trung các giải pháp để duy trì thị trường truyền thống như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore; thực hiện mở rộng hoạt động xúc tiến xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Nhật Bản, EU...

Các tỉnh phía Nam sẽ hỗ trợ tiêu thụ hơn 80.000 tấn quả vải ảnh 2Thu hoạch vải thiều. (Nguồn: TTXVN)

Bên cạnh đó, các sở, ngành tỉnh Hải Dương đang từng bước thực hiện dự án xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, kết nối các đối tác lớn, đảm bảo thị trường tiêu thụ lâu dài và ổn định cho mặt hàng vải.

Chính quyền địa phương cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông mặt hàng vải; hỗ trợ thương nhân và doanh nghiệp xuất nhập khẩu thu mua, vận chuyển và thương thảo với người dân trồng vải.

Dấu hiệu tích cực từ thị trường

Theo kết quả khảo sát tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, từ đầu tháng 6/2015 đến nay, mặt hàng quả vải không chỉ được kinh doanh phổ biến trong các hệ thống siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng nông sản mà tại nhiều tuyến đường thuộc trung tâm thành phố cũng bày bán, giới thiệu mặt hàng này đến đông đảo người tiêu dùng.

Chị Hồ Minh Thủy, thương nhân bán buôn quả vải trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, vải là mặt hàng thời vụ được các thương nhân thành phố ưu tiên kinh doanh và người tiêu dùng rất ưu thích loại trái cây này.

Hiện tại, mặt hàng vải có nhiều mức giá khác nhau tùy theo chất lượng và nhu cầu thị trường. Trong đó, vải được khô được vận chuyển bằng máy bay có giá tương đối cao từ 50.000-60.000 đồng/kg; vải đông lạnh đóng trong thùng xốp dao động ở mức 30.000-35.000 đồng/kg; còn loại vải thường thì giá trung bình khoảng 25.000 đồng/kg.

Tại chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có 37 thương nhân kinh doanh mặt hàng quả vải, nhưng để đẩy mạnh tiêu thụ mặt hàng này Ban Quản lý chợ đã mở rộng thêm 33 quầy sạp tham gia.

Các thương nhân tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng quả vải đến các đơn vị kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và phân phối về các tỉnh, thành phố Đông-Tây Nam bộ.

Từ đầu mùa vụ đến nay, giá bán sỉ quả vải tại chợ dao động từ 15.000-22.000 đồng/kg, sản lượng tiêu thụ trung bình đạt 11.500 tấn/ngày.

Thông tin về kế hoạch hỗ trợ tiêu thụ quả vải, bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó Giám đốc Liên Hiệp hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cho biết năm nay, Saigon Co.op sẽ hỗ trợ tiêu thụ sản lượng vải gấp đôi so với năm 2014, với tổng sản lượng dự kiến tiêu trong giai đoạn từ tháng 6 đến tháng 7/2015 là hơn 800 tấn.

Đánh giá về sức tiêu thụ mặt hàng vải tại các hệ thống bán lẻ của Saigon Co.op, bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho rằng, hiện tại đang đạt mức 10-15 tấn/ngày và dự tính vào thời gian cao điểm sẽ có khả năng tăng gấp đôi.

Mặt khác để đảm bảo xúc tiến tiêu thụ quả vải và phục vụ tốt nhu cầu người tiêu dùng, Saigon Co.op triển khai kiểm tra, giám sát chất lượng nguồn hàng; không tính khoản chiết khấu; thực hiện giảm giá mạnh lên đến 20% cho mặt hàng này.

Ghi nhận ý kiến một số người tiêu dùng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, hầu hết đều cho rằng sản phẩm quả vải năm nay có chất lượng khá cao và giá thành ổn định từ đầu mùa, nên được nhiều người dân chọn mua.

Theo anh Nguyễn Quốc Thái, cư ngụ tại quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh, trong tình hình thời tiết oi bức và nắng nóng kéo dài tại khu vực phía Nam, người dân có nhu cầu tiêu thụ những loại trái cây giải nhiệt, trong đó có mặt hàng quả vải.

Ngoài sử dụng sản phẩm quả vải để ăn liền, thì nhiều gia đình còn mua số lượng lớn để chế biến mứt, nấu vải với đường phèn.../. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục