“Cái bóng nghiêng”: Sắp đặt chân dung cuộc sống của Quỷ

Trần Đức Quỷ sẽ trở lại với công chúng Thủ đô với triển lãm sắp đặt có tên gọi “Chân dung cuộc sống tập 5: Cái bóng nghiêng,” bằng chất liệu composite và thạch cao, tại Trung tâm Văn hóa Pháp.
“Cái bóng nghiêng”: Sắp đặt chân dung cuộc sống của Quỷ ảnh 1Phác thảo "cái bóng" của Trần Đức Quỷ. f(Ảnh: BTC)

Lần thứ tư triển lãm cá nhân ở Trung tâm Văn hóa Pháp, 24 Tràng Tiền, Hà Nội, Trần Đức Quỷ sẽ trở lại với công chúng Thủ đô với sắp đặt có tên gọi “Chân dung cuộc sống tập 5: Cái bóng nghiêng,” bằng chất liệu composite và thạch cao. Triển lãm sẽ khai mạc vào 18 giờ, ngày 9/1 và trưng bày tới hết ngày 24/2.

Với cá nhân nghệ sỹ Trần Đức Quỷ, trong mỗi chuyện cổ tích dành cho trẻ em, còn có một chuyện cổ tích khác mà người lớn mới có thể hiểu. Có hai nhà văn mà tác phẩm của họ khiến anh rất thích và thích mê cho đến tận bây giờ, khi đọc lại, đó là Ngô Thừa Ân với bộ Tây Du Ký nổi tiếng và Andersen (Hans Christian Andersen) với những truyện ngắn cổ tích tuyệt vời. Tác phẩm của họ không chỉ dành cho một giới, một lứa tuổi, mà là cho mọi giới, mọi lứa tuổi.

Anh chia sẻ: “Một trong những truyện hay nhất của Andersen mà tôi thích và nhớ đến mức ám ảnh từ hồi bé là truyện ‘Cái bóng.’ Lúc đó, tôi vẫn chỉ là một đứa trẻ và chưa hiểu được ý nghĩa ‘cổ tích khác’ của người lớn. Ai rồi cũng phải lớn lên, va vấp và gục ngã, rồi đứng dậy. Và rồi theo sự lớn lên ấy, cái bóng của chúng ta cũng to dần. Cái bóng ẩn dụ ấy là danh tiếng, là dục vọng hóa thân, là những gì hiện thân của tiếng nói và việc làm của chúng ta. Nó phình ra rõ rệt trên mặt đất, trong không gian, trong tâm tưởng người khác, trong khi cơ thể sinh học của chúng ta, theo thời gian tất yếu, là yếu đuối, bé nhỏ, còm cõi đi và sẽ đến lúc nào đó tiêu tan. Chỉ cái bóng là còn lại.”

“Khi hiểu ra mọi sự của đời sống, tôi đọc lại truyện ‘Cái bóng’ của Andersen, hiểu ra câu ngạn ngữ mà từ truyện ngắn ấy, người ta hay nói, đại khái rằng: Con người này đã trở thành cái bóng của chính mình. Tôi bỏ qua được nỗi ám ảnh hồi bé, nhưng một nỗi ám ảnh kinh hoàng khác lại đến với tôi khi nhận ra được nhiều chiều ý nghĩa của những triết lý nhân sinh ẩn dụ trong câu chuyện…”

Và, Trần Đức Quỷ đã biến nỗi ám ảnh của chính mình thành những vật có thể nhìn thấy được, sờ thấy được: “Đó là một cuộc đi tìm của chính tôi, nằm trong những khám phá về Chân dung cuộc sống này.”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục