Chỉ có 4,9% lao động dùng trợ cấp thất nghiệp để học nghề

Năm 2016 chỉ 4,9% công nhân lao động hưởng chế độ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đi học nghề với mong muốn quay trở lại thị trường lao động.
Chỉ có 4,9% lao động dùng trợ cấp thất nghiệp để học nghề ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Lao động Việt Nam vẫn thờ ơ với việc tự nâng cao trình độ, đây là sự thật đáng lo ngại khi Việt Nam đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (hay còn gọi là cuộc Cách mạng 4.0).

Ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã nhận định như vậy tại tọa đàm “Việt Nam trong thế giới sản xuất kỹ thuật số”, do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Viện Friedrich Ebert (FES) phối hợp tổ chức chiều 11/5.

Ông Mai Đức Chính dẫn chứng, trong năm 2016 chỉ 4,9% công nhân lao động hưởng chế độ từ quỹ Bảo hiểm thất nghiệp để đi học nghề với mong muốn quay trở lại thị trường lao động, trong khi đó hơn 95% còn lại sử dụng số tiền đó vào việc khác.

Do đó cần có những sự tác động để thay đổi nhận thức của đại đa số công nhân lao động, bởi chỉ trong khoảng 10 năm nữa khi cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 lan rộng, hàng loạt lao động sẽ đối mặt với thất nghiệp do trình độ tay nghề yếu kém, lạc hậu không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Dự báo khoảng 45% lao động điện tử, 86% lao động dệt may của Việt Nam sẽ bị thay thế trong cuộc Cách mạng lần thứ 4 tới đây.

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh, Nguyên Viện trưởng Viện quản lý Trung ương nhìn nhận, việc các doanh nghiệp sẽ sử dụng máy móc hiện đại thay thế cho con người trong sản xuất là xu hướng tất yếu. Tuy vậy, Nhà nước và các tổ chức công đoàn cần có những giải pháp hỗ trợ cho công nhân lao động bằng các phương án như đào tạo, nâng cao trình độ tay nghề hoặc chuẩn bị những công việc khác cho họ.

Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, giảng viên Đại học Fullright Việt Nam bày tỏ lo ngại trong bối cảnh lao động Việt Nam đang già hóa một cách nhanh chóng, cần có những phương án ngay từ bây giờ để không xảy ra tình trạng người lao động bị sa thải một cách ồ ạt trong tương lai. Làm sao để thoát được bẫy sản suất gia công, sản xuất giá rẻ nhưng vẫn nâng cao được năng lực, trình độ tay nghề cho người lao động là điều mà các nhà hoạch định chính sách cần phải nghiên cứu kỹ.

Đề xuất giải pháp, ông Trương Văn Cẩm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, cần có sự thay đổi trong hệ thống giáo dục-đào tạo ngay từ bây giờ để nâng cao chất lượng nguồn lực lao động. Nên giao việc đào tạo nhân lực cho các trường của ngành thì việc đào tạo mới sát với thực tế, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.

[Thiếu cơ sở dữ liệu để giải quyết những thách thức của việc làm]

Dẫn chứng về điều này, ông Cẩm nêu ví dụ về đào tạo nhân lực trong ngành dệt may, với các trường đại học do ngành dệt may lập ra thì việc đào tạo nhân lực cho ngành cũng tốt hơn, sát với nhu cầu thực tế hơn.

Song theo nhận định của ông Trương Văn Cẩm, không nên quá bi quan về cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Ở góc độ tích cực, việc sử dụng máy móc hiện đại sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, cải thiện môi trường việc làm (máy móc sẽ thực hiện những công việc có tính độc hại), giảm giờ làm cho người lao động để họ có cơ hội tự đi đào tạo, nâng cao trình độ của chính mình.

Nhà nước cũng cần có những chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp vừa sử dụng hiệu quả máy móc, thiết bị hiện đại vừa tận dụng tốt nguồn lực lao động sẵn có./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục