Những thách thức về việc làm bắt nguồn từ hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu toàn ngành Lao động-Thương binh và Xã hội chưa được đầu tư đồng bộ. Việc thực hiện chế độ báo cáo ở các địa phương, đơn vị chưa tốt ảnh hưởng đến việc nắm thông tin để kịp thời tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách cũng như giải quyết những vướng mắc phát sinh.
Đây là nhận định được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến đánh giá thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ năm 2016, phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 13/1. Hội nghị trực tuyến với 63 điểm cầu truyền hình trực tiếp tại 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã biểu dương những nỗ lực của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương trong năm 2016. Phó Thủ tướng yêu cầu, trong năm 2017, ngành Lao động-Thương binh và Xã hội cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với các ngành liên quan thu thập, sàng lọc để có số liệu chính xác, thực chất về số lao động được tạo việc làm mới hàng năm, từ đó có những chính sách thúc đẩy công tác giải quyết việc làm.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ, các số liệu về lao động, việc làm chủ yếu vẫn thông qua Tổng cục Thống kê, bản thân ngành lao động chưa tự nắm được số liệu chính xác. Trong thời gian tới cần phải tự kiểm tra, thống kê số liệu của ngành, xây dựng hệ thống thông tin dữ liệu chuẩn.
Về vấn đề đào tạo nghề, trong số 54 triệu lao động chỉ có 21% lao động có bằng cấp trở lên, còn lại chủ yếu là lao động chân tay. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, kết quả thống kê lại cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của lao động trình độ cao đẳng là cao nhất với 6,8%, trình độ đại học chiếm 6,3%. Đây đúng là nghịch lý, là thách thức không nhỏ cho ngành Lao động-Thương binh và Xã hội. Phó Thủ tướng yêu cần cần phải mạnh dạn đổi mới toàn diện, đặc biệt khi ngành Lao động-Thương binh và Xã hội được giao quản lý giáo dục nghề nghiệp.
Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Hồng Lan cho biết, năm 2016, Bộ đã thực hiện đồng bộ các chương trình về việc làm, phát triển thị trường lao động, đồng thời hoàn thành các chỉ tiêu mà Chính phủ, Quốc hội đề ra. Vấn đề cung cầu lao động được theo dõi, nắm chắc, chỉ đạo kịp thời. Các vấn đề lao động thất nghiệp, thiếu việc làm, các biến động trong các doanh nghiệp được giám sát chặt chẽ.
Năm 2016, cả nước tạo việc làm cho khoảng hơn 1,64 triệu người, tăng 1% so với năm trước (tạo việc làm trong nước cho hơn 1,5 triệu người). Trong đó, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi là 2,3%, trong đó khu vực thành thị là 3,18%; khu vực nông thôn là 1,86%.
Tỷ lệ giải quyết việc làm và xuất khẩu lao động trong 2 năm 2015 và 2016:
Bên cạnh phát triển thị trường lao động và tạo việc làm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo các địa phương thực hiện nghiêm túc, đầy đủ chính sách bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động, nhất là công tác tư vấn, giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề.
Theo báo cáo của các địa phương, cả năm 2016 có 574.310 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 12,06% so với cùng kỳ năm 2015. Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp là 566.820 người, tăng 11,11% so với cùng kỳ năm 2015; số người được tư vấn, giới thiệu việc làm là 877.718 lượt người; số người được hỗ trợ học nghề là 27.642 người.
Về tuyển sinh dạy nghề, trong năm 2016 đào tạo nghề cho gần 2 triệu người. Đánh giá chung cho thấy, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 53%, tuy nhiên, số lao động có bằng cấp hoặc chứng chỉ chỉ đạt 21%. Điều này cho thấy tại sao nguồn cung lao động khá lớn nhưng chất lượng lao động lại hạn chế.
Dù hoàn thành chỉ tiêu về việc làm, đào tạo nghề đề ra, nhưng theo Thứ trưởng Đào Hồng Lan, vấn đề giải quyết việc làm, đặc biệt là việc làm cho thanh niên, sinh viên mới ra trường vẫn còn khó khăn. Đó quả là thách thức không nhỏ khi trong quý 3-2016 cả nước có 202.300 người có trình độ đại học trở lên thất nghiệp. Trong công tác tuyển sinh học nghề, phân luồng học sinh còn nhiều hạn chế, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề ở mức thấp./.