Chống hàng giả: Doanh nghiệp phải "vào vai" người tiêu dùng

Chống hàng giả: Doanh nghiệp phải "vào vai" người tiêu dùng

Theo thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hiện hàng thật, hàng giả lẫn lộn khó phân biết, do vậy doanh nghiệp phải đặt địa vị là người tiêu dùng để thông tin về sản phẩm giúp ngăn ngừa việc kinh doanh trái phép.
Chống hàng giả: Doanh nghiệp phải "vào vai" người tiêu dùng ảnh 1Lực lượng Quản lý thị trường đang chia sẻ thông tin để đấu tranh với hàng giả (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Hiện nay, hàng thật, hàng giả lẫn lộn bằng mắt thường không biết cách nào để phân biệt, do vậy doanh nghiệp phải đặt địa vị là người tiêu dùng để có những thông tin niêm yết về sản phẩm giúp ngăn ngừa hoạt động kinh doanh trái phép.

[Triển lãm "Nói không với hàng giả"]

Đó là yêu cầu của thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải tại triển lãm Hàng thật - hàng giả và tuần lễ truyền thông do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Dự án hỗ trợ thương mại và đầu tư của châu Âu (EU-Mutrap) tổ chức sáng 21/10, tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Giảng Võ, Hà Nội.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, nạn buôn lậu, làm hàng giả và gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp với thủ đoạn ngày càng tinh vi, nếu chỉ một mình lực lượng chức năng chống buôn lậu thôi chưa đủ mà cần có sự đồng hành của doanh nghiệp.

"Doanh nghiệp cần phải có cách gì đó để nhận biết hàng thật, nếu cứ chỉ nói chung chung thì người tiêu dùng không phân biệt được," thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói.

Theo thống kê, mỗi năm lực lượng Quản lý thị trường cả nước kiểm tra, xử lý gần 90.000 vụ vi phạm pháp luật liên quan đến hàng giả. Chỉ tính riêng 9 tháng năm 2014, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra 119.651 vụ (tăng 8,92% so với cùng kỳ năm 2013), xử lý 63.978 vụ (tăng 12,25% so với cùng kỳ năm ngoái), với tổng số tiền phạt hành chính lên đến 187,86 tỷ đồng.

Tuy nhiên, con số trên chỉ phản ánh được một phần của thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái. Trên thực tế, không chỉ người tiêu dùng mà cả doanh nghiệp đang phải tiền mất tật mang, thậm chí chịu thua thiệt vì mua phải hàng giả.

Đơn cử, tại buổi triển lãm, hàng trăm mặt hàng giả từ dầu gội đầu đến các sản phẩm cao cấp như điện thoại di động, đồ dùng gia đình... đều đang bị làm giả.

Do vậy, theo ý kiến của các chuyên gia để có thể đẩy lùi vấn nạn trên cần có sự vào cuộc đồng bộ từ cả cơ quan chức năng và cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Huỳnh Minh Tùng, Giám đốc kinh doanh công ty Nguyen Dat - Locks&Hardware (chuyên cung cấp các sản phẩm khóa cửa) chia sẻ, trên thị trường hiện nay có rất nhiều sản phẩm làm giả thương hiệu của công ty.

Tuy nhiên, để bảo vệ thương hiệu cũng như đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, công ty đã chủ động phối hợp với lực lượng quản lý thị trường và công an để cung cấp các số liệu phục vụ cho việc đấu tranh với hàng giả, hàng nhái.

"Không thể bắt người tiêu dùng tự phân biệt được hàng chính hãng mà cần phải có sự vào cuộc từ nhiều phía, trong đó trách nhiệm chính phải từ doanh nghiệp," ông Tùng nói.

Hiện nay, theo quy định của pháp luật, để xử lý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp (hàng giả), nhất thiết phải có sự tham gia của doanh nghiệp chủ sở hữu quyền, vì doanh nghiệp có đủ căn cứ pháp lý bảo hộ quyền của mình, có đủ căn cứ xác định vi phạm quyền và đề nghị xử lý xâm phạm, xác nhận hàng hóa xâm phạm khi cơ quan chức năng bắt giữ. Nếu doanh nghiệp bất hợp tác, cơ quan chức năng rất khó khăn để chống hàng giả.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, một mặt cần đầu tư trang thiết bị cho lực lượng quản lý thị trường để làm tốt chức năng của mình thì phía doanh nghiệp cũng phải chung tay đồng hành với cơ quan nhà nước thì mới đủ khả năng đánh trúng và xử lý thích đáng các đổi tượng sản xuất hàng giả.

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cũng cho biết, hiện lực lượng này đã xây dựng nhiều kế hoạch để triển khai đồng bộ các giải pháp có thể đấu tranh chống buôn lậu và gian lận thương mại.

"Một mặt Cục Quản lý thị trường đã tổ chức tuyên truyền và yêu cầu các tiêu thương và doanh nghiệp phải ký cam kết không kinh doanh và buôn bán hàng lậu, hàng giả và mục tiêu từ nay đến cuối năm phải chuyển biến tích cực công tác này.

Ngoài ra Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng có chỉ thị về chấn chỉnh công tác của lực lượng Quản lý thị trường, qua đó yêu cầu lực lượng này không tiếp tay, không bảo kê và thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng để đẩy mạnh đấu tranh chống gian lận, thương mại và chống hàng giả," ông Tín cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục