Gần 300 trẻ tự kỷ náo nức hòa mình trong Hội thao thân thiện

Lần đầu tiên được tham gia thi đấu các môn thể thao như bơi, chạy, nhảy bao bố... và vẽ tranh cát, xâu vòng, nặn sáp, gần 300 trẻ tự kỷ đã hòa mình vào cuộc chơi hết sức hào hứng và sôi nổi.

Ngày 3/6, tại khu du lịch Văn Thánh, Thành phố Hồ Chí Minh, đã diễn ra Hội thao thân thiện 2016 dành cho trẻ tự kỷ, với sự tham gia của gần 300 trẻ trên địa bàn thành phố.

Chương trình đặc biệt này được thực hiện do Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam (VAN) phối hợp với Trung tâm phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật (Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh) và các trường chuyên biệt ở thành phố tổ chức.

Theo bà Phạm Thị Kim Tâm, Phó Chủ tịch Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam, đây là lần đầu tiên Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thao cho các trẻ, tập cho trẻ biết thi đấu, biết vui buồn khi thắng thua, biết chờ đợi, biết chơi theo luật, nghe theo lệnh. Những kỹ năng tưởng như đương nhiên với trẻ bình thường, thì với trẻ tự kỷ phải tập luyện nhiều mới đạt được.

Bên cạnh việc học, trẻ tự kỷ cũng cần và thích chơi các môn thể thao như trẻ bình thường. Trẻ hoàn toàn có thể học được cách chơi nếu được hướng dẫn rõ ràng.

Trong khuôn khổ hội thao, trẻ được thi đấu các môn bơi, chạy, nhảy bao bố, kéo co và trò chơi khác như bò qua dây, đập bóng, nhảy cặp, tô, vẽ, tranh cát, xâu vòng, nặn sáp…

Bên cạnh đó, trẻ còn được giao lưu với MC Thanh Bạch và thưởng thức màn trình diễn của nhóm "Bàn tay nhỏ" gồm chú hề Thanh Hậu, ảo thuật gia Kelvin Nguyễn, ca sỹ nhí Thanh Duy, Trâm Anh, Ngọc Giàu…

Theo Mạng lưới Người tự kỷ Việt Nam, ở Việt Nam, số trẻ em mắc chứng tự kỷ liên tục tăng qua các năm và ảnh hưởng sâu sắc đến chất lượng sống của mọi gia đình có con tự kỷ.

Tự kỷ không có nguyên nhân nên cũng không có cách phòng ngừa. Mỗi trẻ tự kỷ lại không giống nhau, biểu hiện từ rất nặng đến rất nhẹ, nên việc chăm sóc, can thiệp và điều trị trở nên khó khăn và tốn kém, đa phần đều vượt quá khả năng kinh tế của gia đình.

Rất nhiều trẻ vì khó khăn kinh tế mà không nhận được bất kỳ hỗ trợ can thiệp nào. Các em luôn cần sự trợ giúp của cộng đồng và xã hội, giúp các em có thêm điều kiện học hành, vui chơi và hòa nhập cuộc sống.

“Tuy tự kỷ khá phức tạp, song thực tế cho thấy, nếu trẻ được phát hiện sớm, can thiệp sớm, đúng cách và phù hợp, trẻ sẽ có những tiến bộ đáng kể, từ việc nâng cao khả năng tự phục vụ, nhiều trẻ có thể đi học, tìm việc làm và sống độc lập,” bà Tâm cho biết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục