Hành trình gian nan ở những lớp học can thiệp điều trị trẻ tự kỷ

Ai có dịp theo chân những bậc phụ huynh đưa con tới các lớp học can thiệp, điều trị chứng tự kỷ mới thấy đây là cả một quá trình vô cùng gian này và họ luôn phải liên tục kiên trì, kiềm chế hết sức.
Hành trình gian nan ở những lớp học can thiệp điều trị trẻ tự kỷ ảnh 1Nhân viên y tế của Bệnh viện Nhi Trung ương can thiệp, dạy cho trẻ có hội chứng tự kỷ. (Ảnh; PV/Vietnam+)

Tại lớp học can thiệp cho các bé có hội chứng tự kỷ ở Bệnh viện Nhi Trung ương khá đặc biệt. Lớp học được trang trí với những họa tiết cây, hoa lá, màu sắc rất bắt mắt.

Mỗi ô dành cho bé học chỉ có 1 bàn. Chiếc ghế dành cho bé ngồi được làm khá chắc chắn và được bao quanh đóng vào gọn gàng để mỗi bé khi ngồi vào thì khó có thể chạy ra chỗ khác được. Phía bên cạnh là khu vực vui chơi vận động dành cho các bé.

Ai có dịp theo chân những bậc phụ huynh đưa con tới các lớp học can thiệp, điều trị chứng tự kỷ mới thấy đây là cả một quá trình vô cùng gian này và họ luôn phải liên tục kiên trì, kiềm chế hết sức.

Lớp học cô nhiều hơn trò

Những phòng học dành cho việc can thiệp, dạy cho trẻ tự kỷ tại Bệnh viện Nhi Trung ương mấy năm gần đây lúc nào cũng chật cứng trẻ tới điều trị.

Một tiết học ở đây quả thật đặc biệt, lớp học chỉ vẹn vẻn với mỗi trẻ có 45 phút mà cô giáo, người hướng dẫn nhiều hơn cả học sinh. Để kèm một trẻ tự kỷ học tại đây luôn luôn có một phụ huynh của trẻ, một nhân viên y tế trực tiếp dạy trong ba buổi, một tổ trưởng tâm lý hỗ trợ nhóm.

Trong tiết học của con mình, chị Q.L mẹ bé G.L ở Phủ Lý Hà Nam đồng thời kiêm luôn cả vai trò cô giáo.

Chị Q.L kiên nhẫn giơ hình đồ chơi có màu đỏ lên rồi ngọt ngào hỏi bé G.L (5 tuổi) đây là màu gì? Bé ngẩn ra một hồi rồi trả lời màu đỏ. Một lát sau chị lại giơ màu xanh lên dạy cho bé, hỏi bé đây là hình gì? Chốc chốc, sau mỗi lần bé nói được đúng màu chị lại thưởng cho bé một miếng bim bim xen kẽ vào những lần hỏi để động viên, khen thưởng cho bé.

Hành trình gian nan ở những lớp học can thiệp điều trị trẻ tự kỷ ảnh 2Người mẹ hướng dẫn trẻ tự kỷ học tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Tại một phòng học khác, bà Nguyễn Thị Mơ (gần 60 tuổi) ở thành phố Lai Châu cũng đang dạy học cho bé Hân học. Ngồi bên cạnh hai bà cháu là hai nhân viên y tế khác để hướng dẫn, chỉnh sủa cho hai bà cháu.

Hân thì liên tục ngồi xoay ngang dọc, học không tập trung. Người bà với giọng nói ngọt ngào, cử chỉ âu yếm lấy hai bàn tay áp vào má bé cho bé ngồi thẳng đối diện với mình để tiếp tục dạy cháu quan sát, nghe và theo dõi từng câu hỏi, lời nói của bà.

“Hân ơi, Hân nhìn vào mắt bà nói chuyện này. Con có yêu bà không?

Đứa bé trả lời có, nhưng ngay tắp lự, mắt lại ráo hoảnh quay đi chỗ khác và ngọ nguậy liên tục, không ngồi tập trung học nói với bà.

Bé Hân với gương mặt thanh tú, sáng sủa và rất xinh xắn. Tuy nhiên, nhìn vào gương mặt ấy ai cũng phải xót xa vì bé xinh xắn những lại có một cảm giác như bé rất thờ ơ với mọi việc, bé không tập trung, không điều khiển được các cử chỉ và hành vi của mình. Đôi khi bé lại đột nhiên cáu gắt và gắt gỏng lên.

Và ở một góc bàn học khác là một người bố trẻ cũng kiên trì ngồi học và hướng dẫn cậu con trai. Hai người ngồi mặt đối mặt để dạy bé nói, dạy bé tập trung vào học.

Trong lớp học đặc biệt ấy, thỉnh thoảng đâu đó lại có tiếng một bé la lên vì không kiềm chế được cảm xúc, không muốn học, không tập trung ngồi vào ghế, muốn chạy ra chỗ khác. Những thái độ đó của các bé dứt khoát như đang “tăng động.”

Mỗi tiết học như vậy với các phụ huynh dạy cho trẻ chỉ kéo dài có 30 phút, nhưng dường như với mỗi bố mẹ, ông bà phải hết sức kiên nhẫn khi dạy cho trẻ có hội chứng tự kỷ. Bởi mỗi trẻ này, để bé ngồi im một chỗ học được 5 phút đã là khó. Sau 30 phút đó là 15 phút tiếp theo các nhân viên y tế nhận xét, đánh giá và hỗ trợ bé cũng như phụ huynh trong những lần học cùng trẻ tiếp theo.

910.000 người Việt mắc chứng tự kỷ

Tại Việt Nam, hiện tại, chưa có một số liệu thống kê chính thức về số lượng người mắc chứng tự kỷ ở trong nước.

Trung tâm phòng và kiểm dịch Hoa Kỳ (CDC) ước tính tỷ lệ trẻ em mắc rối loạn phổ tự kỷ là 1 trong 68 trẻ. Những nghiên cứu ở châu Á, châu Âu, và Bắc Mỹ chỉ ra tỷ lệ người mắc rối loạn phổ tự kỷ có tỷ lệ trung bình là 1% dân số.

Tuy nhiên, nếu dựa theo con số thống kê người tự kỷ chiếm khoảng 1% dân số, thì tại Việt Nam tương đương khoảng 910.000 người mắc chứng này.

Theo các chuyên gia y tế, rối loạn tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời, bộc lộ ngay từ những năm đầu đời. Tự kỷ là kết quả rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội.

Đặc trưng của người có chứng tự kỷ bao gồm khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cùng với những hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.

Hành trình gian nan ở những lớp học can thiệp điều trị trẻ tự kỷ ảnh 3Trẻ có hội chứng tự kỷ đang vui đùa tại phòng vận động. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thạc sỹ Thành Ngọc Minh - Trưởng khoa Tâm bệnh, Bệnh viện Nhi Trung ương cho hay, thống kê tại khoa cho thấy, số lượng trẻ đến khám và điều trị nhiều, nhưng bệnh viện chỉ nhận can thiệp được với số lượng có hạn. Hiện, trẻ đang can thiệp tại khoa mỗi đợt có 20-25 trẻ, có đợt cao điểm lên đến 30 trẻ.

Mỗi trẻ tự kỷ được can thiệp thường diễn ra trong 3 đợt sau đó được trả về cộng đồng. Tuy nhiên, có những trẻ phải can thiệp tới 5 đợt.

Về việc can thiệp với trẻ có chứng tự kỷ, thạc sỹ Minh cho hay, đợt đầu trẻ được can thiệp thường trong vòng ba tuần, những đợt sau 2 tuần. Mỗi đợt can thiệp của trẻ có sự kết hợp, song hành của cả cha mẹ, chứ không thể để trẻ cứ can thiệp với nhân viên là khỏi.

Theo thạc sỹ Minh, tại Bệnh viện Nhi trung ương mỗi năm có khoảng 400 lượt trẻ được can thiệp. Tại Khoa tâm bệnh của Bệnh viện chỉ nhận can thiệp trẻ tương đối nặng, hay những cha mẹ của trẻ có kỹ năng không chuẩn, trẻ ở những tỉnh không có trung tâm, ở vùng xa mới cần nhập viện để can thiệp. Hiện nay, đa phần những trẻ bị nhẹ thì sau khi được nhân viên y tế của bệnh viện tư vấn xong và kỹ càng cho các phụ huynh sẽ được bệnh viện trả về can thiệp tại những tỉnh đã được đào tạo.

Bác sỹ Minh phân tích, điều khó khăn đặc biệt của trẻ tự kỷ là trẻ không có ngôn ngữ, nhiều cháu bé có hành vi bất thường như tự làm đau, tự va đầu vào tường, đánh bạn, tăng động… Chính vì vậy, việc can thiệp vào trẻ tự kỷ một tuần khoảng 40 tiếng can thiệp và liên tục trong 2 năm thì cháu bé đó mới có sự cải thiện về điều khiển ý thức và hành vi.

Tuy nhiên, câu chuyện về những bậc phụ huynh, những trẻ được can thiệp sớm hay muộn là việc vô cùng quan trọng. Cũng có không ít những trường hợp đến viện can thiệp khi đã quá muộn, khi đó, hiệu quả điều trị, thay đổi hành vi cho những bé khó khăn hơn rất nhiều.

Bên cạnh đó, hiện nay những người có hội chứng tự kỷ nhận được rất ít sự quan tâm giúp đỡ của xã hội và các ngành có liên quan. Dường như họ bị “bỏ lửng” và đang đứng giữa ranh giới rất mong manh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục