Gần 80% các tổ chức cấp cơ sở có lãnh đạo là người cao tuổi

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ một thực tế đáng ghi nhận hiện nay là gần 80% các tổ chức đang hoạt động ở cấp cơ sở có lãnh đạo là người cao tuổi tham gia.
Gần 80% các tổ chức cấp cơ sở có lãnh đạo là người cao tuổi ảnh 1Các chuyên gia y tế về sức khỏe tâm thần tư vấn cho người cao tuổi có nguy cơ Alzheimer. (Ảnh minh họa: Dương Ngọc/TTXVN)

Sáng 6/6, phát biểu tại buổi họp mặt kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam (6/6/1941-6/6/2016), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu rõ một thực tế đáng ghi nhận hiện nay là gần 80% các tổ chức đang hoạt động ở cấp cơ sở có lãnh đạo là người cao tuổi tham gia.

Theo Phó Thủ tướng, thời gian tới, cần phát huy tốt hơn nữa lực lượng này vì đa phần những người cao tuổi tham gia công tác ở cơ sở đều đã trải qua nhiều năm công tác ngoài xã hội, có kinh nghiệm và uy tín.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận những đóng góp quan trọng của người cao tuổi Việt Nam trong tất cả các giai đoạn lịch sử của đất nước, đặc biệt trong sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ độc lập chủ quyền của Tổ quốc và xây dựng đất nước theo hướng văn minh hiện đại.

Thời gian qua, hoạt động của Hội Người cao tuổi được tổ chức khá bài bản, linh hoạt và có hình thức tổ chức rất đặc biệt. Nhiều mô hình, chương trình được triển khai từ cơ sở đạt hiệu quả cao, có tính lan tỏa rộng rãi.

Trăn trở về vấn đề an sinh xã hội dành cho người cao tuổi, Phó Thủ tướng cho biết hiện nay, các nước tiên tiến trên thế giới đều dựa vào hệ thống an sinh để người dân yên tâm. ​Người già yếu, thất nghiệp hay ốm đau đều được nhà nước chăm lo, bảo đảm ở mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, ở các nước phát triển, 98% người dân tham gia đóng bảo hiểm xã hội, trong khi ở Việt Nam tỷ lệ đó chưa được tới 25%.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc xây dựng một đất nước giàu có là cần thiết, nhưng phải đảm bảo được quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc cho con người, nghĩa là hướng đến một xã hội an lành, hạn chế rủi ro để cho người cao tuổi được chăm sóc tốt hơn.

Phó Thủ tướng đề nghị chính quyền các cấp, cộng đồng xã hội, trong đó có doanh nghiệp và các nhà tài trợ cần phối hợp nhiều hơn nữa với Trung ương Hội Người cao tuổi để đẩy mạnh nguồn lực xã hội hóa, tổ chức ngày càng nhiều hơn các chương trình từ thiện, an sinh xã hội dành cho người cao tuổi.

Tại buổi gặp mặt, Anh hùng lao động Cù Thị Hậu, Chủ tịch Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết cả nước hiện có trên 9,46 triệu người cao tuổi, trong đó có 8,4 triệu hội viên. Đến nay, 100% xã phường, thị trấn đã thành lập Hội Người cao tuổi và đang hoạt động rất hiệu quả.

Một trong những mô hình rất có ý nghĩa và được nhân dân ủng hộ hiện nay là “Câu lạc bộ liên thế hệ,” với mục tiêu phát huy tối đa sức mạnh của chính người cao tuổi và cộng đồng giúp nhau thoát nghèo, tăng cường đoàn kết, tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm.

Đến nay, trên 580 câu lạc bộ liên thế hệ đã được thành lập ở 15 tỉnh, thành phố thu hút gần 50.000 người tham gia. Bên cạnh đó, phong trào người cao tuổi tham gia làm kinh tế, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh Tổ quốc... được triển khai sâu rộng và có sức lan tỏa.

Đặc biệt, người cao tuổi trên cả nước đã vận động được con cháu hiến 12 triệu m2 đất để mở đường. Người cao tuổi ở gần 1.000 xã ở 44 tỉnh, thành phố có đường biên giới đã ký phối hợp với các đồn biên phòng về công tác bảo vệ an ninh Tổ quốc, vận động con cháu không nghe kẻ xấu, không vượt biên trái phép./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục