Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam hợp tác nghiên cứu với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc Báo cáo năm 2015 về tăng trưởng bao trùm thông qua lăng kính phát triển con người, nhằm góp phần xác định mô hình tăng trưởng mới để đảm bảo tất cả mọi người dân Việt Nam đều có thể phát huy đầy đủ tiềm năng và được hưởng cuộc sống thịnh vượng.
Báo cáo nêu rõ, việc thực hiện đổi mới và hội nhập, phát triển con người Việt Nam đã có kết quả ấn tượng, song không đồng đều và có xu hướng chững lại. Chuyển dịch tích cực trong cơ cấu xã hội và có thành tích đáng ghi nhận trên các lĩnh vực giáo dục, y tế và an sinh xã hội.
Phát triển con người ở Việt Nam
Ở cấp quốc gia, Việt Nam đã đạt được những kết quả ấn tượng về phát triển con người song tiến bộ không đồng đều qua từng giai đoạn. Trong những năm cuối thập niên 80, chỉ số phát triển con người bị suy giảm, tạo ra sự chênh lệch về phát triển con người giữa Việt Nam và các nước có mức phát triển tương đồng. Chỉ số này tăng nhanh hơn trong 10 năm sau đó nhưng vẫn tồn tại sự chênh lệch. Đáng lưu ý là thành tích về mặt phát triển con người thấp hơn so với phát triển kinh tế, mức gia tăng bất bình đẳng thấp hơn một số nước trong khu vực nhưng lại có thành tích về bình đẳng giới tương đối tốt.
So sánh với Ấn Độ, Hàn Quốc, Indonesia, Lào, Malaysia, Nhật Bản, Philippines, Singapore, Trung Quốc thì Việt Nam là nước có kết quả tốt nhất tiến bộ về phát triển con người giai đoạn 1990-2000, song vị trí này bị lùi dần trong các giai đoạn sau đó đến nay.
Ở cấp vùng, khoảng cách về phát triển con người được thu hẹp trong một thời gian dài nhưng xu hướng này đã bị đảo chiều sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đến nay vẫn chưa được thiết lập lại một cách rõ nét. Chỉ số phát triển con người cấp tỉnh cho thấy, tất cả các tỉnh đều có tiến bộ tích cực, song mức độ không đồng đều. Cả tăng trưởng kinh tế cũng như đạt được sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và xã hội đều đóng vai trò quan trọng đối với phát triển con người. Các tỉnh dẫn đầu về phát triển con người vẫn duy trì được tiến bộ như kỳ vọng, nhưng Hà Nội đã tụt xuống hạng thứ tư, sau Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu.
Tăng trưởng bao trùm
Việt Nam đã đạt được tốc độ tăng trưởng trung bình tương đối cao, nhờ những động lực được tạo ra qua các cuộc cải cách kinh tế để chuyển từ kế hoạch hóa tập trung sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, giúp Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng trên cả ba lĩnh vực, tạo nên các trụ cột của tăng trưởng bao trùm. Tăng trưởng kinh tế được khởi sắc rõ nét trong năm 2015 với tốc độ đạt 6,68% và được cộng đồng quốc tế đánh giá rất tích cực.
Liên quan đến việc làm có năng suất, tỷ trọng việc làm nông nghiệp giảm mạnh từ gần 80% vào những năm cuối thập niên 80 xuống còn 44,3% năm 2015, với lao động được chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. Ngành nông nghiệp cũng có những thay đổi cơ cấu tích cực, với sự gia tăng tỷ trọng của các nhóm ngành có năng suất và thu nhập cao hơn. Tỷ trọng việc làm trong khu vực chính thức tăng từ 28,2% năm 2007 lên 33,7% năm 2014. Nhờ đó, Việt Nam đã thu hẹp được khoảng cách tương đối về năng suất lao động với các nước trong khu vực dù khoảng cách tuyệt đối với nhiều nước vẫn còn lớn.
Trong lĩnh vực giáo dục, những thành tích nổi bật bao gồm tỷ lệ nhập học và tốt nghiệp cao ở cấp tiểu học, bình đẳng giới cao trong cả ba cấp học đầu. Các kết quả trong lĩnh vực y tế nhìn chung tốt hơn hầu hết các nước có mức độ GDP trên đầu người tương tự như Việt Nam, đặc biệt là giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ em, kiểm soát bệnh lao và sốt rét. Tuổi thọ kỳ vọng, một hợp phần then chốt của phát triển con người đã tăng từ 67,6 tuổi lên 75,9 tuổi từ năm 1980 đến 2013.
Thành tựu về an sinh xã hội cũng rất ấn tượng. Bảo hiểm xã hội đã có 11,4 triệu thành viên đóng góp và cung cấp lương hưu cho 2,2 triệu người về hưu. Gần 1,6 triệu người già từ 80 tuổi trở lên đang được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng. Đến năm 2015, gần 75% người Việt Nam là đối tượng của bảo hiểm y tế. Các hộ nghèo và dân tộc thiểu số cùng con em họ được nhận trợ cấp tiền mặt, miễn học phí, hỗ trợ sản xuất và đào tạo nghề.
Cơ hội và thách thức trong giai đoạn phát triển mới
Giai đoạn phát triển mới, Việt Nam chính thức bước vào quá trình chuyển đổi từ giai đoạn phát triển dựa chủ yếu vào gia tăng sử dụng nguồn lực sang dựa vào nâng cao hiệu quả sử dụng và phân bổ nguồn lực cũng như gia tăng việc ứng dụng công nghệ và phát huy sáng tạo. Những cơ hội và thách thức đan xen nhau, tác động lớn đến tăng trưởng bao trùm trong quá trình chuyển tiếp này. Những nền tảng quan trọng về kinh tế, giáo dục, y tế và an sinh xã hội đã đạt được tạo tiền đề quan trọng để nâng tăng trưởng bao trùm lên cấp độ mới. Các chiến lược của nhiều chính phủ ở các nước phát triển, tập đoàn đa quốc gia đang đem đến những cơ hội mới cho Việt Nam, giúp đất nước tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị toàn cầu, đẩy mạnh hội nhập thông qua tham gia Hiệp định thương mại đối tác xuyên Thái Bình Dương và các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Tăng trưởng kinh tế được khởi sắc rõ nét trong năm 2015 nhưng kết quả này chịu chi phối bởi khu vực có vốn đầu tư nước ngoài với kết quả vượt trội so với khu vực kinh tế trong nước. Mối liên kết yếu ớt giữa hai khu vực này đang cản trở sự nắm bắt cơ hội nâng cao năng lực công nghệ của các doanh nghiệp. Những thách thức gặp phải do trong khoảng 10 năm trở lại đây tăng trưởng kinh tế chậm lại chủ yếu bởi các động lực tăng trưởng hiện nay của Việt Nam đã đến ngưỡng giới hạn. Hệ thống giáo dục và y tế không đáp ứng được yêu cầu của giai đoạn mới. Những bất cập trong hệ thống quản trị giáo dục và y tế-các dịch vụ mang nhiều tính chất “hàng hóa công” ở tất cả các cấp, việc mở rộng xã hội hóa không đi kèm với những tiêu chuẩn và điều tiết phù hợp của Nhà nước đã tạo ra các kết quả đầu ra không tương xứng với những đầu tư lớn của Nhà nước và các gia đình trong các lĩnh vực này. Trong không ít trường hợp, việc này dẫn đến người sử dụng phải trả tiền cho các dịch vụ tốn kém không cần thiết do những nhà cung cấp có vị thế độc quyền, song ít bị điều tiết, đưa ra.
Theo số liệu năm 2013, chi tiêu công cho an sinh xã hội nói chung bằng 2,8% GDP thì riêng phần trợ giúp xã hội chỉ chiếm 0,4% GDP. Tình trạng này và diện bao phủ hạn chế của trợ giúp xã hội đã dẫn tới sự “bỏ sót nhóm ở giữa” - cận nghèo và trung lưu lớp dưới thường làm việc ở khu vực phi chính thức ở trong tình trạng dễ bị tổn thương khi phải đối phó với các cú sốc và có khả năng rất hạn chế để đầu tư cho tương lai. Mức độ trợ cấp xã hội quá thấp khó tạo sự khác biệt trong cuộc sống của những người có đủ tiêu chuẩn thụ hưởng và đến một số hệ quả, trong đó có tình trạng còi phổ biến ở trẻ em thuộc các gia đình nghèo và có mức thu nhập thấp.
Nâng tăng trưởng bao trùm lên cấp độ cao hơn
Theo nhóm các tác giả, để thúc đẩy tăng trưởng bao trùm lên cấp độ cao hơn trong bối cảnh mới cần có các giải pháp cải cách thể chế và chính sách toàn diện để mở rộng việc làm có năng suất, cải thiện hệ thống dịch vụ giáo dục và y tế cũng như đổi mới hệ thống an sinh xã hội.
Về mặt kinh tế, cần kiểm soát lạm phát và duy trì các cán cân vĩ mô ở mức hợp lý bằng cách thực hiện các chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, chính sách tỷ giá linh hoạt; đồng thời đảm bảo tính bao trùm của tăng trưởng bằng việc làm cho chính sách tài khóa lũy tiến hơn, bao gồm cả giảm dần và đi đến chấm dứt trợ giá cho sử dụng năng lượng hóa thạch kèm theo các biện pháp phù hợp để bảo vệ người nghèo, tiết kiệm chi thường xuyên, đưa vào áp dụng luật thuế tài sản…
Nâng cao hiệu quả của nền kinh tế bằng cách đẩy mạnh cải cách trong nước song hành với nỗ lực tăng cường hội nhập quốc tế, bao gồm thực hiện hiệu quả cải cách hành chính công và chống tham nhũng quyết liệt; đẩy nhanh tiến độ cải cách cơ cấu trong các lĩnh vực đầu tư công; tài chính ngân hàng, doanh nghiệp nhà nước và nông nghiệp, khu vực tư nhân; cải thiện tính hiệu quả và linh hoạt của thị trường lao động.
Phát triển thị trường vốn dài hạn, thúc đẩy sự phát triển của các quỹ đầu tư mạo hiểm gắn với phát triển công nghệ và sáng tạo. Đặc biệt có biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp và một số doanh nghiệp đang hoạt động hiệu quả trong các lĩnh vực ứng dụng và phát triển công nghệ, nhất là công nghệ trung bình và công nghiệp phụ trợ gắn với các chuỗi giá trị toàn cầu.
Về hệ thống giáo dục, duy trì thành tựu cũng như tăng cường tập trung cải thiện chất lượng và khả năng tiếp cận ở cấp mầm non, đào tạo nghề và đại học nhằm nâng cao khả năng của người dân trong việc nắm bắt các cơ hội việc làm đòi hỏi tay nghề và trình độ chuyên môn cao hơn. Có tư duy mới về điều tiết của Nhà nước đối với các dịch vụ công này để bảo đảm tính công bằng và hiệu quả. Đánh giá toàn diện về cách thức huy động và quản lý việc sử dụng nguồn lực trước khi mở rộng xã hội hóa.
Hệ thống an sinh xã hội cũng cần phải đổi mới để bảo đảm diện bao phủ lớn hơn và hiệu quả cao hơn, giúp người dân và nền kinh tế có được sức chống chọi tốt hơn với các cú sốc, tăng khả năng đầu tư cho tương lai và nắm bắt các cơ hội việc làm có năng suất cao hơn. Có các biện pháp khuyến khích để đạt mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đi đôi với việc cải thiện quản lý, tính minh bạch, công bằng, hiệu quả của Quỹ bảo hiểm y tế. Đảm bảo khả năng tự cân đối tài chính của bảo hiểm xã hội bằng việc cân đối mức đóng và hưởng tính đến tốc độ già hóa của dân số khi xem xét khả năng nâng tuổi nghỉ hưu, tính đến tốc độ phát triển của khu vực chính thức và cân nhắc khía cạnh tài chính trong kế hoạch mở rộng bảo hiểm xã hội.
Xây dựng hệ thống trợ giúp xã hội dựa trên nguyên tắc “vòng đời” bằng việc mở rộng dần dần diện bao phủ và mức hỗ trợ của chính sách hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em và phụ nữ mang thai. Những biện pháp này sẽ đòi hỏi có thêm nguồn lực và phân bố lại các nguồn lực bằng cách tích hợp các chương trình chính sách chồng chéo, loại bỏ các chính sách không phù hợp. Nhưng cũng cần nhấn mạnh rằng một hệ thống an sinh xã hội tốt hơn sẽ là một khoản đầu tư công tốt, có hiệu quả và có khả năng mang lại lợi ích lớn về mặt kinh tế và xã hội./.