Khó khăn kiểm soát đường nhập lậu qua biên giới

Các cán bộ chống buôn lậu ngành hải quan cho biết, việc kiểm soát, ngăn chặn mặt hàng đường nhập lậu Việt Nam là rất khó khăn, phức tạp.
Các cán bộ chống buôn lậu ngành hải quan cho biết, mặc dù lượng đường nhập lậu vào Việt Nam hiện khá nhiều, gây ảnh hưởng thị trường đường trong nước nhưng việc kiểm soát, ngăn chặn mặt hàng đường nhập lậu Việt Nam là rất khó khăn, phức tạp.

Ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam cho biết, trung bình hàng năm có khoảng 300.000-400.000 tấn đường Thái Lan nhập lậu vào Việt Nam qua các cửa khẩu Lào và Campuchia, chiếm 20-30% sản lượng đường tiêu thụ trong nước.

Ông Long tính toán, nguồn đường nhập lậu này khiến Nhà nước thất thu ít nhất 650 tỷ đồng mỗi năm, trong đó khoảng 5% thuế nhập khẩu (khoảng 250 tỷ đồng), và mất 5% thuế VAT (250 tỷ đồng), đồng thời các đối tượng buôn lậu còn tránh được hàng trăm tỷ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Sở dĩ tình trạng buôn lậu đường tràn lan là do giá đường trong nước thường cao hơn hẳn giá đường ở Thái Lan, chỉ riêng chi phí nguyên liệu của các nhà máy đường của Việt Nam lên đến 80% giá thành, trong khi tỷ lệ này ở Thái Lan khoảng hơn 60%.

Ông Nguyễn Văn Ba, Đội trưởng Đội chống buôn lậu khu vực phía Bắc (Tổng cục Hải quan) cho biết, trung bình mỗi tháng tại các cửa khẩu phía Bắc có khoảng 5.000 container (khoảng 10.000 tấn) đường lậu núp dưới chiêu tạm nhập tái xuất.

Nguyên nhân do thời gian qua Trung Quốc hạn chế trồng mía, tác động đến sản lượng đường trong nước nên các đối tượng buôn lậu đường mượn Việt Nam làm điểm trung chuyển để đẩy mạnh hình thức tạm nhập tái xuất đường vào Trung Quốc, nguồn đường chủ yếu có nguồn gốc từ Thái Lan, Ấn Độ, Hàn Quốc.

Lượng đường lậu ở hai đầu cửa khẩu thường xuyên chạy qua chạy lại mỗi khi có biến động giá giữa Trung Quốc và Việt Nam. Riêng tại ở cảng Hải Phòng hiện vẫn còn 199 container đang nằm chờ thời cơ để chạy qua biên giới.

Dọc tuyến biên giới Tây Nam, tiếp giáp với Campuchia được xem là nóng bỏng nhất của hoạt động buôn lậu đường.

Theo ông Nguyễn Độ Kim, Đội phó đội chống buôn lậu phía Nam (đội 3), khu vực Châu Đốc (An Giang) "chuyên điều tiết xuất nhập đường, chủ yếu là đường lậu.”

Dọc khu vực giáp ranh dày đặc các điểm, kho tập kết đường lậu, mỗi điểm như vậy có từ 5-6 ghe, mỗi ghe chứa từ 60-70 tấn đường lậu chuyển về Việt Nam. Các đối tượng buôn lậu sử dụng chứng từ mua bán của các nhà máy đường trong nước nên gần như các cán bộ hải quan biết rõ là nguồn đường lậu nhưng cũng… “bó tay”, không thể xử lý.

Ngoài hình thức buôn lậu lén lút, các đầu nậu còn lợi dụng các kẽ hở trong quản lý thương mại tại các vùng biên.

Theo đại diện cơ quan phòng chống buôn lậu miền Trung, tại khu thương mại Lao Bảo thuộc cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), do hàng hóa kinh doanh tại đây được hưởng ưu đãi về thuế quan, mặt hàng đường không phải chịu thuế nên đây trở thành nơi các đầu nậu tuồn đường Thái Lan vào.

Tính từ đầu năm đến nay có khoảng 22.000 tấn đường Thái Lan được đưa qua khu thương mại này, trong đó có trên 10.000 tấn tái xuất sang Trung Quốc. Đó còn chưa kể các hoạt động vận chuyển đường lậu nhỏ lẻ qua đường mòn và đường thủy ở biên giới với số lượng từ 20-30 tấn mỗi ngày.

Theo ông Kim, biện pháp tốt nhất để ngăn chặn đường nhập lậu là các nhà máy đường trong nước phải ghi rõ chủng loại, số lượng… sản phẩm của mình trên hóa đơn, kèm theo các phiếu phân tích chất lượng, độ màu của đường… đồng thời các nhà máy phải thường xuyên cập nhập thông tin tình hình thị trường, diễn biến giá cả để các cán bộ chống buôn lậu có căn cứ phát hiện gian dối để xử lý.

Ông Kim cho biết, Đội chống buôn lậu khu vực miền Trung đã từng đề nghị Hiệp hội mía đường Việt Nam cung cấp tên các doanh nghiệp được phép tạm nhập tái xuất để quản lý nhưng Hiệp hội cũng không nắm được.

Trước sự phức tạp, khó kiểm soát của đường nhập lậu như vậy, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Diệp Kỉnh Tần cho biết, hiện cả nước có hơn 30 nhà máy đường, mà các sản phẩm từ các nhà máy này hoàn toàn khác biệt nhau, vì vậy rất khó để cán bộ chống buôn lậu phân biệt đâu là đường sản xuất trong nước, đâu là đường lậu.

Việc ngăn chặn trước mắt chỉ có thể bằng cách các doanh nghiệp sử dụng các loại bao bì, nhãn mác có những nhận biết đặc trưng, sau đó gửi cho cơ quan phòng chống buôn lậu giúp công tác nhận diện được dễ dàng hơn.

Thứ trưởng Diệp Kỉnh Tần cũng khuyến cáo, trong thời gian tới các doanh nghiệp ngành đường trong nước cần tính tới các giải pháp hạ giá thành sản xuất vì không lâu nữa thuế xuất nhập khẩu đường giữa các nước ASEAN sẽ về 0%, lúc đó không còn đường lậu nhưng các doanh nghiệp cũng chịu sức ép lớn hơn bây giờ/.

Liên Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục