Khó kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm tiêu thụ tại TP. HCM

Khoảng 80% các loại nông sản thực phẩm đang tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ các tỉnh, thành khác nên khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm.
Khó kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm tiêu thụ tại TP. HCM ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Đình Huệ/TTXVN)

Tại hội nghị chuyên đề về Vệ sinh an toàn thực phẩm do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức ngày 30/9, Ban Chỉ đạo liên ngành Vệ sinh an toàn thực phẩm Thành phố cho biết hiện nay, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nguồn thực phẩm từ các tỉnh, thành khác vận chuyển vào Thành phố.

Khoảng 80% các loại nông sản thực phẩm đang tiêu thụ tại Thành phố Hồ Chí Minh có nguồn gốc từ các tỉnh, thành khác. Do quy mô nuôi trồng nhỏ lẻ, khó áp dụng hệ thống quản lý chất lượng, tính an toàn của sản phẩm chưa được kiểm soát chặt chẽ nên hầu như việc kiểm soát nuôi trồng tại những nơi này là không thể thực hiện.

Việc giám sát chủ yếu được thực hiện tại ba chợ đầu mối thông qua các kiểm tra nhanh và lấy mẫu nhưng số mẫu lấy không nhiều và không mang tính đại diện. Nhiều trường hợp khi có kết quả xác định lô hàng có hàm lượng dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép thì lô hàng đã được lưu thông ra ngoài thị trường. Nguyên nhân của tình trạng này là do chưa có kho lạnh nên không thể lưu giữ đối với các lô hàng khi cần làm các kiểm tra nhanh dương tính. Hầu như các lô hàng về Thành phố Hồ Chí Minh chưa được chứng nhận nguồn gốc và chất lượng, rất khó kiểm soát cũng như truy nguyên được nguồn gốc khi có sự cố xảy ra.

Bên cạnh đó, việc kinh doanh, giết mổ gia súc gia cầm không rõ nguồn gốc, không phép vẫn còn tồn tại. Nguồn gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng vẫn tiếp tục được vận chuyển về Thành phố thông qua các cửa ngõ và các tỉnh lân cận, rất khó kiểm soát. Trong khi đó, việc ban hành các tiêu chẩn thực hành nông nghiệp tốt đối với việc nuôi gia súc, gia cầm vẫn chưa triển khai được một cách đồng bộ.

Ngoài ra, việc kiểm soát đánh bắt, chứng nhận chất lượng tại các cảng cá chưa thực hiện được, dẫn đến sự kiểm soát ở các chợ đầu mối đối với nguồn hàng nhập vào còn hạn chế, chưa xây dựng hệ thống kho lạnh để lưu giữ các sản phẩm nghi ngờ không đạt chất lượng, tính an toàn, dẫn đến việc tạm giữ hàng hóa chờ kết quả xét nghiệm còn hạn chế.

Trong lĩnh vực kinh doanh phụ gia thực phẩm, việc kiểm soát chất lượng chưa được thực hiện triệt để. Kinh doanh phụ gia thực phẩm với hóa chất công nghiệp khác chưa được sắp xếp lại, việc ghi nhãn phụ gia chưa được thực hiện đúng và đủ theo quy định đối với sản phẩm sang chiết đóng gói. Người kinh doanh phụ gia thực phẩm còn hạn chế về kiến thức nên chưa đủ trình độ hướng dẫn cho người sử dụng, dẫn đến việc sử dụng phụ gia trong sản xuất, chế biến thực phẩm còn nhiều vi phạm. Ngoài ra, khả năng phát hiện các độc chất có trong thực phẩm do người sản xuất chế biến chủ động bỏ vào hoặc có nguồn gốc tự nhiên, không có trong quy định hoặc trong cảnh báo vẫn còn khá hạn chế.

Tại hội nghị, một số giải pháp để đảm bảo an toàn cho nguồn nông sản thực phẩm tiêu thụ đã được các đại biểu tập trung thảo luận như khảo sát lựa chọn và hỗ trợ về chuyên môn cho các cơ sở sản xuất ở các tỉnh, thành cung cấp thực phẩm cho thành phố.

Các ý kiến cho rằng chỉ có quy mô tập trung thì người sản xuất mới đủ sức xây dựng cơ sở vật chất và người tham gia sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt. Lúc đó, chỉ cần quản lý khâu lưu thông, bảo quản nữa thì sẽ đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục