Kiến nghị xử lý hình sự sớm với vi phạm trong kinh doanh đa cấp

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, dự án Luật cần cụ thể hóa hơn nữa về tác hại của việc vi phạm kinh doanh đa cấp trong đời sống xã hội, từ đó có sự điều chỉnh trong từng trường hợp cụ thể
Kiến nghị xử lý hình sự sớm với vi phạm trong kinh doanh đa cấp ảnh 1Người dân xã Ea Kao (thành phố Buôn Ma Thuột) lo lắng khi không nhận được tiền vốn và lãi từ Công ty đa cấp Phúc Gia Bảo. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN)

Ngày 24/5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13.

Dự án Luật lần này bổ sung một điều luật mới về Tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp (điều 217a).

Nhiều đại biểu cho rằng, việc bổ sung điều luật này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho số đông người dân đồng thời kịp thời chấn chỉnh các vi phạm trong kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng nhấn mạnh, dự án Luật cần cụ thể hóa hơn nữa về tác hại của việc vi phạm kinh doanh đa cấp trong đời sống xã hội, từ đó có sự điều chỉnh trong từng trường hợp cụ thể.

Trao đổi với phóng viên bên lề Kỳ họp chiều 24/5, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga (Đoàn Thái Nguyên) cho biết, theo ý kiến của đại biểu Quốc hội và kiến nghị của cử tri cần xử lý hình sự sớm đối với hành vi vi phạm kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Việc bổ sung quy định này xuất phát từ thực tiễn thời gian qua, các hành vi vi phạm quy định kinh doanh theo phương thức đa cấp xảy ra rất nhiều nơi, gây thiệt hại tới hàng ngàn người, thường là những người dân nghèo ở vùng nông thôn.

Theo quy định hiện hành, các đối tượng vi phạm có thể bị xử lý về tội lừa đảo hoặc tội lừa đảo qua mạng máy tính, mạng viễn thông.

[Quốc hội thảo luận vấn đề xử lý hình sự vi phạm kinh doanh đa cấp]

Tuy nhiên, qua xem xét cho thấy, để chứng minh được hành vi lừa đảo, khi đó, hậu quả xảy ra đã rất lớn. Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và cử tri, Chính phủ đã trình ra phương án này và đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp, việc bổ sung quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp nhằm xử lý sớm hành vi có thể chưa đến mức lừa đảo, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bảo vệ số đông người dân bị thiệt hại.

Bởi dự thảo Luật quy định xử phạt nghiêm đối với các cá nhân, tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp; những người tham gia nhưng không cố ý để dẫn đến hậu quả hoặc bị lôi kéo tham gia là những người bị hại.

Khẳng định kinh doanh đa cấp là phương thức kinh doanh tiến bộ, hiện đại nhưng bà Nga cho rằng để tránh những hậu quả gây ra cho xã hội, cần tuân thủ đúng những quy định của pháp luật trong kinh doanh theo phương thức đa cấp.

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Vũ Trọng Kim (Đoàn Hải Dương) khẳng định, thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân vi phạm quy định trong kinh doanh đa cấp gây thiệt hại rất lớn cho xã hội, đặc biệt là đối với những người nghèo. Vì thế, việc đưa quy định này vào Bộ luật Hình sự là phù hợp.

Tuy nhiên, đại biểu Vũ Trọng Kim cho rằng, dự án Luật cần cụ thể, chỉ rõ tác hại của hệ thống kinh doanh đa cấp trái phép đối với xã hội, từ đó có hình thức xử lý đối với từng trường hợp, đảm bảo thị trường kinh tế phát triển lành mạnh. Bên cạnh đó, cần bổ sung và hoàn thiện chế tài xử lý đối với đối tượng vi phạm, đáp ứng yêu cầu đấu tranh, phòng chống tội phạm trong điều kiện mới.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) cũng cho rằng, quy định trong luật cần chặt chẽ, cụ thể là cần quy định từ khi bắt đầu nhen nhóm có dấu hiệu kinh doanh trái phép đến khi gây hậu quả để điều chỉnh những hành vi vi phạm có thể xảy ra trong thời gian tới.

Theo đại biểu Phương, cần quy định dấu hiệu của đa cấp trong từ ngữ như thế nào, sau đó mới đưa vào điều luật để điều chỉnh. Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh Luật hình sự đưa ra quy định tội vi phạm quy định về kinh doanh theo phương thức đa cấp, chắc chắn xã hội sẽ thay đổi. Những người chuyên bán hàng đa cấp chắc chắn không dám lừa đảo, kinh doanh bất chính./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục