Myanmar đối thoại cấp cao về các vấn đề chính trị trong nước

Cuộc đối thoại cấp cao sáu bên do Quốc hội Myanmar đề xuất nhằm thảo luận các vấn đề chính trị, trong đó có việc sửa đổi hiến pháp, tổ chức tổng tuyển cử và tiến trình hòa bình.
Myanmar đối thoại cấp cao về các vấn đề chính trị trong nước ảnh 1Toàn cảnh một phiên họp Quốc hội Myanmar. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 10/4, cuộc đối thoại cấp cao sáu bên do Quốc hội Myanmar đề xuất nhằm thảo luận các vấn đề chính trị, trong đó có việc sửa đổi hiến pháp, tổ chức tổng tuyển cử và tiến trình hòa bình đã diễn ra tại thủ đô Nay Pyi Taw.

Tham dự cuộc đối thoại có Tổng thống U Thein Sein, Tổng Tư lệnh Các lực lượng quốc phòng Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, lãnh đạo phe đối lập, Chủ tịch đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) Aung San Suu Kyi, Chủ tịch Hạ viện U Shwe Mann, Chủ tịch Thượng viện U Khin Aung Myint và Thượng nghị sỹ Aye Maung đại diện các nhóm sắc tộc vũ trang.

Trước đó, hôm 8/4, tại Dinh Tổng thống, Tổng thống U Thein Sein đã gặp 44 nhân vật chính trị, trong đó có Phó Tổng thống, Chủ tịch Quốc hội, Thứ trưởng Quốc phòng, các lãnh đạo đảng phái, người phụ trách các vấn đề sắc tộc tại các vùng và bang, và đại diện các sắc tộc để thảo luận các vấn đề chính trị trong nước.

Tháng Một vừa qua, Tổng thống U Thein Sein đã triệu tập một cuộc gặp tương tự với sự tham gia của 48 đại biểu.

Hội nghị lần này có sự tham dự của 44 đại biểu, tập trung thảo luận ba điểm chính - gồm tiến trình hòa bình trong nước, tổng tuyển cử năm 2015 và ổn định chính trị trước và sau tổng tuyển cử.

Bộ trưởng Thông tin U Ye Htut cho biết tại cuộc gặp, các lực lượng chính trị đã hoan nghênh việc ký kết dự thảo thỏa thuận ngừng bắn toàn quốc (NCA) mới đây, đồng thời nhấn mạnh cần vạch ra một khuôn khổ cho đối thoại chính trị. Các đại biểu cũng cho rằng đối thoại chính trị cần bắt đầu trước khi diễn ra tổng tuyển cử.

Hiến pháp hiện hành của Myanmar được ban hành từ tháng 5/2008, trong đó có điều khoản bị cho là ngăn cản bà Aung San Suu Kyi ra tranh cử tổng thống. Điều khoản này quy định bất kỳ người nào có cha mẹ, vợ/chồng, con hợp pháp là công dân nước ngoài không được phép giữ cương vị tổng thống. Các con của bà San Suu Kyi mang quốc tịch Anh.

Ngoài ra, còn một điều khoản gây tranh cãi trong Hiến pháp là quy định 1/4 số ghế trong Quốc hội thuộc về quân đội.

Myanmar dự kiến tổ chức cuộc trưng cầu ý dân về việc sửa đổi hiến pháp vào tháng Năm, và tổng tuyển cử vào tháng 11. Cả Thượng viện lẫn Hạ viện Myanmar đều đã thông qua Luật trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp sửa đổi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục