Myanmar: Thủ lĩnh quân nổi loạn Rohingya thề chiến đấu đến cùng

Ngày 31/3, Ata Ullah, thủ lĩnh của quân nổi dậy người Rohingya ở Myanmar tuyên bố lực lượng này sẽ chiến đấu đến cùng, dù “triệu người phải chết” để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng.
Myanmar: Thủ lĩnh quân nổi loạn Rohingya thề chiến đấu đến cùng ảnh 1Ata Ullah, thủ lĩnh của quân nổi dậy người Rohingya tại Myanmar qua đoạn video. (Nguồn: Reuters)

Trong một cuộc trao đổi qua điện thoại video ngày 31/3, Ata Ullah, thủ lĩnh của quân nổi dậy người Rohingya tại Myanmar đã tuyên bố rằng lực lượng này sẽ chiến đấu đến cùng, dù “triệu người phải chết” để bảo vệ quyền lợi của cộng đồng thiểu số theo đạo Hồi này.

Đây là cuộc trả lời phỏng vấn báo chí đầu tiên của Ata Ullah, nhân vật được xem là thủ lĩnh của nhóm vũ trang người Rohingya chống lại Chính phủ Myanmar.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn, Ata Ullah cũng bác bỏ bất kỳ sự liên hệ nào của nhóm này với các lực lượng Hồi giáo nước ngoài và cho biết tôn chỉ của nhóm này chỉ là đấu tranh cho quyền lợi của cộng đồng người Rohingya trước "sự ngược đãi của chính phủ do người Bauman theo Phật giáo chiếm đa số lãnh đạo."

Ata Ullah nói: “Nếu chúng tôi không có được quyền lợi, nếu 1 triệu, 1,5 triệu hay tất cả người Rohingya cần phải hy sinh tính mạng, chúng tôi sẽ làm vậy. Chúng tôi sẽ giành lấy quyền của dân tộc mình, chúng tôi sẽ chiến đấu với chính phủ quân sự tàn ác.”

Phản ứng về tuyên bố trên của thủ lĩnh quân nổi dậy Rohingya, ông Zaw Htay, người phát ngôn của Văn phòng Cố vấn Nhà nước Myanmar nhấn mạnh: “Không ai được đứng trên pháp luật. Nếu họ tấn công chúng tôi bằng bạo lực, chúng tôi sẽ đáp trả tương xứng.”

Theo một báo cáo của Nhóm nghiên cứu Khủng hoảng Quốc tế hồi tháng 12/2016, nhóm nổi dậy này ban đầu có tên tiếng Arập là Harakah al-Yaqin (Phong trào Đức tin) được thành lập sau làn sóng bạo lực sắc tộc hồi năm 2012 tại Myanmar bởi những người Rohingya sống ở Saudi Arabia.

Trong các video phát tán trên mạng, Ata Ullah cũng đã viện dẫn Kinh Koran và kêu gọi “Thánh chiến.”

Mới đây, nhân vật này tuyên bố đổi tên nhóm trên thành Quân đội Cứu nguy người Rohingya Arakan.

Kể từ sau các vụ tấn công mà nhóm của Ata Ullah thừa nhận tiến hành nhằm vào lực lượng biên phòng Myanmar hồi tháng 10/2016, chính phủ nước này đã phát động các chiến dịch trấn áp tại miền Bắc, gây ra nhiều diễn biến bạo lực, khiến hơn 75.000 người Rohingya chạy sang Bangladesh và làm dấy lên các chỉ trích của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước Hồi giáo.

Đây được xem là một trong những diễn biến làm tổn hại đến uy tín chính phủ của Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.

Mặt khác, giới phân tích cũng đã cảnh báo về nguy cơ chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan xâm nhập vào khu vực bất ổn này, đe dọa an ninh của Myanmar và cả khu vực Đông Nam Á./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục