Nghệ sỹ ưu tú Hán Văn Tình: “Đã là nghiệp thì không thể bỏ”

"Khi ta đã coi đó là cái nghiệp, một phần không thể thiếu trong cuộc sống thì việc bỏ từ đâu có dễ, nếu không muốn nói rằng, đấy là điều không thể!” nghệ sỹ Hán Văn Tình quả quyết.
Nghệ sỹ ưu tú Hán Văn Tình: “Đã là nghiệp thì không thể bỏ” ảnh 1Nghệ sỹ ưu tú Hán Văn Tình trong một cảnh diễn tuồng (Ảnh: NVCC)

“Nhìn gương mặt tôi hài hài, hay cười nên nhiều người vẫn nghĩ tôi là diễn viên hài. Thế nhưng, tôi là một nghệ sỹ tuồng chính hiệu đấy nhé!” Nói rồi, Chu Văn Quềnh của “Đất và người” đưa tay xoa xoa cái đầu trọc, miệng tủm tỉm cười.

Sau gần bốn thập kỷ gắn bó cùng sân khấu tuồng với không ít những thăng trầm, nghệ sỹ ưu tú Hán Văn Tình bảo, trụ lại cuối cùng trong anh vẫn là niềm khát khao được diễn, đưa những tích tuồng cổ đến gần hơn với khán giả trẻ.

Nghiệp…

Nói về bộ môn nghệ thuật vốn kén khán giả này, người nghệ sỹ ấy say sưa nhưng thấm buồn, giọng đầy day dứt, khắc khoải.

“Không buồn làm sao được khi hiện nay, khán giả trẻ quay lưng với sân khấu truyền thống. Họ hồ hởi đi xem phim nước ngoài, nghe nhạc dance… nhưng lại không chút ngần ngại thừa nhận rằng, chưa một lần xem các vở diễn sân khấu truyền thống,” anh nói.

Hỏi người nghệ sỹ ấy, thực tế buồn vậy, sao anh không từ bỏ tuồng, chuyển sang diễn hài, bước hẳn sang lĩnh vực điện ảnh, truyền hình - nơi thường được nhận cát-xê cao hơn, có nhiều đất diễn hơn, nghệ sỹ Hán Văn Tình cười buồn: “Với tôi, diễn tuồng không chỉ là nghề mà còn là nghiệp - cái nghiệp tôi đeo đẳng cả một đời.”

Đôi mắt đượm vẻ u hoài, gương mặt người nghệ sỹ bỗng trở nên trầm tư. Anh kể, cách đây chừng bốn thập kỷ, nếu không có nghệ sỹ nhân dân Quang Tốn, nghệ sỹ nhân dân Bạch Trà đứng ra bảo lãnh thì cậu học trò dù rất có năng khiếu nhưng chỉ nặng chưa đầy 40 kg, cao 1m37 như anh cũng không thể được vào học ở trường Sân khấu Việt Nam.

“Sau đó, nếu không có những nghệ sỹ gạo cội ấy miệt mài truyền nghề thì sao tôi có cơ hội đứng trên sân khấu, được khán giả nhắc tên như ngày hôm nay. Tuồng là cái gốc của tôi,” nghệ sỹ ưu tú Hán Văn Tình chia sẻ.

Thẳm sâu trong suy nghĩ, anh luôn trăn trở một điều: “Trải qua bao khói lửa đạn bom, vượt lên bao thiếu thốn của đời sống vật chất, thế hệ đi trước vẫn luôn nặng lòng gìn giữ vốn nghệ thuật cổ, bản sắc văn hóa mà cha ông truyền lại. Vậy tại sao, chúng ta - thế hệ được sống trong những điều kiện tốt hơn, đủ đầy hơn lại không thể làm được điều đó?”

Anh coi tuồng như một cái nghiệp. Khán giả không đến rạp, anh cùng một số đồng nghiệp đưa tuồng đến các trường học (thông qua chương trình “Sân khấu học đường nhằm đào tạo, nuôi dưỡng một lớp khán giả trẻ); mang các tác phẩm về các làng, xã ở những địa phương xa (như Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn…) để diễn, phục vụ khán giả…

“Sau những chuyến đi ấy, trừ đi các loại chi phí, thù lao còn lại cho anh em nghệ sỹ cũng chẳng còn là bao. Thế nhưng, đổi lại, chúng tôi thấy thực sự hạnh phúc khi khán giả hào hứng vỗ tay và nhiều người chia sẻ rằng: Trước đó, vì không hiểu nên họ không thích tuồng; nhưng khi biết rồi, họ lại rất thích thú,” nghệ sỹ kể.

Nghệ sỹ ưu tú Hán Văn Tình: “Đã là nghiệp thì không thể bỏ” ảnh 2Trên truyền hình, tên tuổi nghệ sỹ Hán Văn Tình gắn liền với vai Chu Văn Quềnh trong bộ phim "Đất và người" (Ảnh: NVCC)

Giấu mình vào những vai diễn

Lặng đi chừng vài phút, Hán Văn Tình bảo, những nghệ sỹ của các bộ môn nghệ thuật truyền thống, để trụ được với nghề rất cần niềm đam mê và sự hy sinh. Bởi lẽ, họ không được công chúng nhắc đến nhiều như đồng nghiệp thuộc các lĩnh vực nghệ thuật hiện đại.

“Phần đông khán giả cũng chỉ ấn tượng tôi là Chu Văn Quềnh trong bộ phim truyền hình ‘Đất và người’ hay qua một số vai diễn hài khác. Ít ai nhớ những vai diễn tuồng mà tôi đảm nhận như vai Kiều Công Tiễn trong vở ‘Tiếng gọi non sông’ hay vai ngự y trong vở ‘Tiếng thét giữa hoàng cung’…” anh lấy chính mình ra làm ví dụ.

Để có thể theo đuổi nghệ thuật truyền thống, anh cũng như nhiều nghệ sỹ khác phải “chạy sô”: diễn hài, đóng phim, quay quảng cáo... “Vất vả là thế nhưng có mấy nghệ sỹ sân khấu truyền thống từ bỏ sàn diễn đâu! Khi ta đã coi đó là cái nghiệp, một phần không thể thiếu trong cuộc sống thì việc bỏ từ đâu có dễ, nếu không muốn nói rằng, đấy là điều không thể!” người nghệ sỹ trải lòng.

Nhiều khán giả nói Hán Văn Tình “chết tên” với vai Chu Văn Quềnh. Sau vai diễn ấy, anh mờ nhạt dần trên truyền hình. Thế nhưng, anh lại bảo, với diễn viên, việc được công chúng gọi tên bằng vai diễn là một vinh dự lớn.

Người nghệ sỹ kể với niềm hãnh diện rằng, đã 10 năm rồi kể từ ngày ‘Đất và người’ phát sóng trên truyền hình nhưng bây giờ, ra đường, nhiều người vẫn gọi tên anh là Quềnh và nháy mắt chào: “Không thể hoãn cái sự sung sướng ấy lại!” Anh chia sẻ, hiện nay, ở cương vị Trưởng đoàn 2-Nhà hát Tuồng Việt Nam, anh cũng không thể chỉ nghĩ đến những vai diễn cho riêng mình.

“Thời gian tới, nếu có những vai diễn phù hợp (phù hợp cả về nội dung, tính cách, thời gian…), tôi sẽ tham gia. Tôi không sợ cái bóng của chính mình và cũng sẽ không ngại nếu có ai đó nói rằng, Hán Văn Tình thụt lùi so với chính mình. Tôi muốn và luôn cố gắng để tự làm mới mình,” nghệ sỹ Hán Văn Tình tâm sự.

Ở tuổi ngoài 50, cuộc sống đi qua những khúc quanh, trải nghiệm đủ những ngọt bùi, đắng cay, nghệ sỹ Hán Văn Tình bảo, với anh, diễn không chỉ để thỏa đam mê nghệ thuật, để kiếm sống mà đôi khi, đó còn là nơi anh giấu mình.

“Nhiều người không hiểu, nói tôi ham hố vật chất khi có những thời kỳ, tôi vắt kiệt sức đi diễn. Thế nhưng, họ không biết, hóa thân vào vai diễn là cách để tôi tạm quên đi những nỗi cô đơn, thoát khỏi sự chống chếnh khi mất đi những người thân yêu hay gặp phải những trở ngại,” nghệ sỹ Hán Văn Tình bộc bạch.

Cứ như vậy, anh đi con đường nghệ thuật riêng của mình, chậm rãi nhưng chắc chắn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục