Nỗi đau kéo dài...

Ngôi nhà chung của trẻ em nhiễm chất độc da cam

Có khoảng 200 trẻ em nhiễm dioxin sống tại làng trẻ Hòa Bình với các chứng bệnh chậm phát triển, bại não, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ...
Có người bạn đã gần 30 tuổi mà vẫn mang dáng vóc của một cậu bé lên mười. Người khác, ngay từ khi sinh ra đã bị bại não, ngoài 20 tuổi mà vẫn phải có người “theo từng bước,” lo từng sinh hoạt cá nhân,… Đó chỉ là một trong số ít những câu chuyện đáng thương ở làng trẻ Hòa Bình (Thanh Xuân, Hà Nội). Đến nơi này, nhìn các em học sinh ngơ ngác nhìn ngắm mọi vật, đang ngây ngô nói cười bỗng dưng quay sang tranh giành đồ dùng, đồ chơi của nhau mới thấy hết được những nỗi éo le  và sự thiếu thốn trong cuộc sống của những mảnh đời nơi đây. Nỗi đau kéo dài Trong cái lạnh của một chiều đông, một nhóm học sinh ngồi lặng im trên hàng ghế đá nơi góc sân. Nhìn các em thật khó đoán tuổi vì vẻ mặt ngơ ngác, gương mặt hênh hếch, ngây ngô, không chớp mắt nhìn về phía đối diện. Những cái nhìn ngây dại, đầy ám ảnh xoáy vào lòng người một nỗi xót xa. Số trẻ em nhiễm chất độc dioxin ở làng trẻ Hòa Bình thường dao động trong khoảng 200 em. Các em ở đây đều có hoàn cảnh đặc biệt, phần lớn gặp phải các chứng bệnh như chậm phát triển, bại não, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ,… Sự hỗ trợ của gia đình các em gần như không có. Không gian làng trẻ Hòa Bình như chật chội với hàng trăm em nhỏ đang ngày ngày sinh hoạt ở đây. Những dãy nhà cũ kỹ, rêu phong, những chiếc giường sắt hoen gỉ, cũ mòn vẫn ngày ngày chở che cho những em nhỏ là nạn nhân của chất độc dioxin. Chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng của nó vẫn đeo đẳng kéo dài và hiện hữu rõ nét nơi này. Các em mang trong mình một nỗi đau chung. Nơi đây có những thành viên đã gia nhập và gắn bó với ngôi nhà chung này ngay từ những ngày đầu như Đào Đăng Son, người được mệnh danh là “người thầm lặng” của làng Hòa Bình. Mặc dù đã gần 30 tuổi nhưng Son thấp bé như một đứa trẻ lên 10. Anh bị teo cả hai chân khi lên sáu tuổi, “nhập cư” vào làng trẻ Hòa Bình đến nay đã 20 năm. Cha Son ngày trước đi chiến trường Tây Ninh, nhiễm chất độc màu da cam, cả hai người con đều bị di chứng chất độc quái ác này. Son bị teo cơ, cô em bị bại não không hay biết gì. Ở đây, Son được mọi người gọi bằng cái tên thân mật-“người Mỹ trầm lặng vì Son có niềm đam mê và năng khiếu đáng ngạc nhiên với máy tính. Vào làng, ngoài những giờ tập vật lý trị liệu, Son “trốn biệt” trong phòng máy tính. Những lúc buồn, nản về hoàn cảnh của mình, Son lại vùi mình mày mò máy tính. Ở làng trẻ, chuyện Son bỗng dưng “im thít và lặn mất tăm” khi đến giờ ăn hay ở quên… qua đêm ở phòng máy tính là chuyện thường. Chị Quỳnh Hoa, Phó Giám đốc Làng trẻ cho biết: “Làng trẻ Hòa Bình đã trở thành ngôi nhà thứ hai của Son, Với năng lực vốn có, hiện Son ngày ngày giúp đỡ các bạn học nghề, sử dụng máy tính để có thể hòa nhập hơn với cuộc đời.” Có những thời điểm, mỗi bữa ăn của các em có giá trị chỉ khoảng 8000 đồng. Mùa đông, các em phải chia nhau, đắp chung những tấm chăn được các nhà hảo tâm tặng. Vì nhiều em bị bại não nên nhiều lúc, chuyện các em tranh giành nhau, cào cấu lẫn nhau là việc diễn ra như việc diễn ra như cơm bữa. Những người thầy đặc biệt Rất nhiều mảnh đời thiệt thòi và cũng không ít những bàn tay thầm lặng đã ngày đêm che chở, nâng đỡ cho những số phận không nguyên vẹn có được cuộc sống tốt hơn. Khác với những lớp học thông thường, những giáo viên ở đây còn phải kiêm luôn công việc phục vụ, quét dọn, lau chùi lớp học. “Học sinh của cô đủ độ tuổi từ 6-25 tuổi, có những bạn 25 tuổi nhưng không biết đọc, viết, đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh… Một ngày làm việc của chúng tôi bắt đầu từ lúc 7 giờ 30 và sẽ lần lượt phải thu xếp xong những công việc đó. Việc đưa một cậu học trò 25 tuổi đi vệ sinh không phải là chuyện gì xa lạ” cô Nguyễn Thị Hòe chia sẻ. Không chỉ có vậy, theo lời kể của chị Hoa, các giáo viên ở đây đã không ít lần bị các em học sinh đánh đến sưng mắt cả tháng trời hay cào cấu đến thâm tím mặt mũi. Từ trong khó khăn, nhiều em đã vươn lên, giúp đỡ chính những người bạn cùng cảnh ngộ của mình. Thái Thị Nga đến từ mảnh đất miền Trung đầy nắng gió. Khuôn mặt, đôi bàn tay em chi chít những đốm đen bởi chứng rối loạn sắc tố da, do ảnh hưởng từ di chứng của chất độc da cam từ khi mới sinh ra. Kể về hoàn cảnh của mình, Nga khẽ khàng: “Ba đi bộ đội về mang trong mình chất độc dioxin quái ác. Cả bốn chị em sinh ra đều mang dị tật. Tuổi thanh xuân của mẹ trôi đi trong nước mắt. Trong sâu thẳm, ba vẫn luôn khát khao có một cậu con trai. Năm 2004, ba đưa em lên làng trẻ Hòa Bình. Từ đó đến nay, em gắn bó với nơi này.” Hiện nay, Nga đang theo học Trường Trung cấp Y Hà Nội. “Em luôn hy vọng mình có thể giúp đỡ được những bạn có hoàn cảnh giống mình, bởi em là người trong cuộc, em hiểu những nỗi vất vả, thiệt thòi mà các bạn phải chịu đựng,” Nga chia sẻ. Làng trẻ em Hòa Bình suốt 20 năm nay đã trở thành ngôi nhà chung, mang lại sự bình yên, thắp lên niềm hy vọng sống cho hàng nghìn trẻ em bị nhiễm chất độc da cam./.
Làng trẻ Hòa Bình (tên đầy đủ là Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng) tọa lạc tại số 35 Lê Văn Thiêm, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Làng được thành lập từ năm 1991 với bốn chức năng chính: Chăm sóc sức khỏe sử dụng vật lý trị liệu; giáo dục cơ bản cho trẻ em; hướng nghiệp trẻ tàn tật tới một số loại hình nghề nghiệp như may, thêu, dệt, khâu, đẽo đá, tin học; chăm sóc trẻ em sử dụng các phương tiện đặc biệt.

Qua 20 năm hoạt động, làng đã phục hồi hơn 3000 lượt trẻ về vận động, học phổ cập tiểu học, học nghề. 

An Ngọc (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục