Người Tây Ban Nha mong trúng số để thoát nghèo

Giải xổ số dịp Giáng sinh có tổng giá trị giải thưởng 2,47 tỷ euro là dịp để người Tây Ban Nha mong có thể thoát khỏi đói nghèo.

Hàng trăm người hâm mộ giải xổ số thường niên nhân dịp Giáng sinh ở Tây Ban Nha đã hướng sự quan tâm của họ tới buổi quay số diễn ra cuối tuần qua, với một số mặc những bộ trang phục kỳ dị, với hy vọng sẽ trúng số và quên đi tình trạng kinh tế của họ.

Giải xổ số lớn nhất châu Âu El Gordo (trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là Béo ú) có tổng giải thưởng 2,47 tỷ euro (3,25 tỷ USD) trong năm nay, tụt xuống so với mức 2,68 tỷ euro trong năm 2011. Với việc hoạt động quay số được truyền trực tiếp trên TV, cả nước Tây Ban Nha đã nín thở khi 2 đứa trẻ thông báo con số trúng giải là: 76058. "Năm nay tôi lại không giành giải, nhưng thế cũng được. Chúng tôi đã ở buổi quay số cùng bạn bè để vui vẻ. Đó là một cách để chống lại khủng hoảng" - Enrique Vilches, một người về hưu 80 tuổi mặc bộ trang phục của một chú hề cho biết. Giống nhiều người khác, Vilches đã tiêu khá nhiều tiền vào xổ số. "Tôi đã tiêu khoảng 200 euro (260 USD) và nếu vợ tôi biết chuyện, bà ấy hẳn sẽ giết tôi" - ông cụ nói. Cặp vợ chồng chia sẻ khoản lương hưu trị giá 900 euro mỗi tháng, trong đó họ còn phải sử dụng nó để hỗ trợ cho những đứa cháu, khi cha mẹ chúng đang lâm vào cảnh thất nghiệp giống nhiều người khác ở một đất nước có tỉ lệ thất nghiệp lên tới 25% như ở Tây Ban Nha. Trong khi cư dân Tây Ban Nha chỉ tiêu chưa đầy 8% tiền của họ lên giải xổ số năm nay, mỗi người vẫn "đốt" trung bình 52 euro, tụt đi so với mức 57 euro của năm ngoái. "Giờ đây trong thời khắc khủng hoảng này, giải xổ số trở nên hết sức đặc biệt. Chúng tôi chơi nhiều hơn và hy vọng sẽ thắng thứ gì đó" - Oscar Binon, 31 tuổi, thổ lộ.
Người Tây Ban Nha mong trúng số để thoát nghèo ảnh 1
Người Tây Ban Nha xếp hàng chờ mua xổ số Giáng sinh El Gordo (Nguồn: AFP)
"Mọi người không làm ăn tốt trong thời suy thoái, nhưng chúng tôi vẫn chưa mất hết hy vọng" - Rufino Huertas, một lao động 55 tuổi ở công ty tàu điện ngầm cho biết. Mặc một bộ đồ hóa trang được gắn thêm những đồng peseta (tiền Tây Ban Nha trước khi nước này dùng đồng euro) tự chế, Huertas nói: "Vì sao lại là đồng peseta? Bởi vì cuộc sống từng đã tốt đẹp hơn với peseta"./.
Linh Vũ (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục