Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7

Thị trường chứng khoán Trung Quốc rơi tự do, Triều Tiên xác nhận có Bộ trưởng Quốc phòng mới là hai trong số các sự kiện nổi bất của thế giới trong tuần qua.
Hòa đàm chính thức đầu tiên giữa chính quyền Afghanistan và Taliban
Trong hai ngày 7-8/7, cuộc hòa đàm chính thức đầu tiên giữa chính quyền Kabul và phiến quân Taliban ở Afghanistan đã diễn ra tại thủ đô Islamabad của Pakistan.

Cuộc hòa đàm kết thúc với một thỏa thuận sẽ tiếp tục đàm phán sau tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo vào khoảng ngày 18/7 tới. Đây được xem là một bước tiến quan trọng và là lần đầu tiên Chính phủ Afghanistan công khai đối thoại trực tiếp với Taliban.

Trước đó, hai bên đã tổ chức nhiều cuộc họp không chính thức tại những địa điểm bên ngoài nước này (mới đây nhất là tại Na Uy vào tháng 6/2015 và tại Qatar hồi tháng 5/2015), nhằm chấm dứt cuộc chiến kéo dài 13 năm qua.

Các cuộc họp không chính thức này cũng đạt được ít tiến bộ cụ thể. Nguyên nhân chính là do hai bên đều giữ lập trường cứng rắn với các điều kiện đưa ra của mình.

Phía Chính phủ Afghanistan yêu cầu Taliban chấm dứt các cuộc tấn công và tuyên bố ngừng bắn. Trong khi lực lượng phiến quân Taliban lại tuyên bố sẽ tiếp tục các cuộc tấn công cho tới khi Mỹ và các lực lượng nước ngoài rút toàn bộ khỏi các vùng lãnh thổ Afghanistan, đồng thời yêu cầu Liên hợp quốc đưa một số thủ lĩnh chủ chốt của Taliban ra khỏi danh sách khủng bố.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 1Lực lượng an ninh tại hiện trường vụ Taliban tấn công cơ quan tình báo của Afghanistan tại Kabul cùng ngày diễn ra các cuộc đàm phán. (Nguồn: Reuters)

Xem thêm tại đây: Phái đoàn Afghanistan đến Pakistan đàm phán với Taliban
Tấn công khủng bố ở miền Nam Thái Lan, hàng chục người thương vong
Một loạt vụ tấn công khủng bố đã xảy ra tại miền Nam Thái Lan trong ngày 10/7 làm bảy người thiệt mạng và hơn 10 người bị thương.

Cảnh sát Thái Lan cho biết ba người đã thiệt mạng và bốn người bị thương khi một quả bom gắn trên xe môtô phát nổ ở bên ngoài một quán karaoke tại quận Sadao, tỉnh Songkhla miền Nam, nơi giáp ranh với khu vực xung đột và thường xuyên trong tình trạng bất ổn.

Cùng ngày, tại tỉnh cực Nam Narathiwat cũng xảy ra hai vụ nổ bom. Một vụ xảy ra tại quán karaoke ở quận Sugnai Kolok làm tám người bị thương. Vụ còn lại là bom gài trên xe môtô nhưng chưa rõ con số thương vong.

Cũng tại quận Sugnai Kolok, ngay sau nửa đêm 10/7 đã xảy ra một vụ đốt phá các cửa hiệu làm ba người thiệt mạng. Cách đó không xa, một người đàn ông Hồi giáo 35 tuổi bị bắn chết bởi một số tay súng chưa rõ tung tích.

Hiện vẫn chưa rõ các vụ tấn công này có liên quan đến nhau hay không, khi chúng được thực hiện trong tháng nhịn ăn ban ngày Ramadan của người Hồi giáo.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 2Nhân viên cứu hỏa nỗ lực khống chế đám cháy tại một tòa nhà sau vụ đánh bom ở Sungai Kolok, tỉnh Narathiwat. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Tấn công khủng bố ở miền Nam Thái Lan, hàng chục người thương vong
Triều Tiên chỉ định Bộ trưởng Quốc phòng mới
Ngày 11/7, Triều Tiên đã chỉ định Tướng Pak Yong-sik làm Bộ trưởng Quốc phòng mới của nước này, ba tháng sau khi người tiền nhiệm bị cách chức.

Trong bản tin về cuộc hội đàm quân sự với chính phủ Lào, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đã gọi ông Pak Yong-sik là "người đứng đầu Bộ Các lực lượng Vũ trang Nhân dân (tương đương Bộ trưởng Quốc phòng)."

Theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc, ông Pak Yong-sik được thăng chức Thiếu tướng năm 1999 và trở thành tướng 4 sao hồi tháng Năm vừa qua.

Đây là lần đầu tiên Triều Tiên xác nhận việc thay thế nhân sự sau vụ mất chức của Bộ trưởng Quốc phòng Hyon Yong-chol hồi tháng Tư vừa qua.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 3Tướng Pak Yong-sik. (Nguồn: Yonhap/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Triều Tiên xác nhận đã chỉ định bộ trưởng quốc phòng mới
Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ 7
Trong hai ngày 8-9/7, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 7 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) diễn ra tại thành phố Ufa của nước Cộng hòa Bashkortostan thuộc Liên bang Nga, với chủ đề “BRICS - Nhân tố mạnh mẽ phát triển toàn cầu.”

Hội nghị năm nay đánh dấu bước tiến quan trọng của nhóm BRICS trong tham vọng trở thành đối trọng thách thức phương Tây trong lĩnh vực tài chính toàn cầu.

Bên cạnh các vấn đề thời sự “nóng” được thảo luận như cuộc khủng hoảng Ukraine, nguy cơ Hy Lạp vỡ nợ, cuộc xung đột ở Syria và mối đe dọa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, việc BRICS tuyên bố thành lập hai định chế tài chính đầu tiên của mình là Ngân hàng Phát triển mới (NDB) và Quỹ dự trữ ngoại tệ (CRA), với tổng trị giá 200 tỷ USD, đã trở thành một sự kiện lớn thu hút sự chú ý của dư luận.

BRICS hy vọng hai định chế tài chính này sẽ là sự lựa chọn thay thế cho các định chế tài chính thế giới như Ngân hàng Thế giới (WB) hay Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm mục tiêu hỗ trợ các dự án cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển.

Các nước BRICS cũng coi hai định chế mới thành lập là "sân chơi riêng" và là nhân tố quan trọng giúp các nước thành viên nâng cao khả năng chống đỡ trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 4Các nhà lãnh đạo BRICS thảo luận tại hội nghị. (Nguồn: THX/TTXVN)

Xem thêm tại đây: BRICS thành lập Quỹ dự trữ ngoại hối với số vốn 100 tỷ USD
Mexico chấn động vì trùm ma túy Guzman lần thứ hai vượt ngục
Ngày 12/7, một chiến dịch truy lùng quy mô lớn đã diễn ra sau khi trùm ma tuý Mexico, Joaquin Guzman mang biệt danh "El Chapo" (Gã lùn) lần thứ hai trong 14 năm vượt ngục khỏi nhà tù được canh giữ rất cẩn mật.

Theo Ủy ban An ninh Quốc gia Mexico, lần cuối Guzman được nhìn thấy trên camera an ninh là vào lúc 8 giờ 52 phút khi y đi vào khu vực nhà tắm ở nhà tù Altiplano, cách thủ đô Mexico City 90km về phía Tây vào tối 11/7.

Theo nhà chức trách, Guzman đã trốn thoát qua đoạn đường hầm 1,5km tại khu vực nhà tắm của phòng giam. Đoạn đường hầm dẫn đến một toà nhà đang trong quá trình xây dựng bên ngoài nhà tù Altiplano. 18 quản giáo trong nhà tù này đã bị thẩm vấn sau vụ việc.

Một chiến dịch truy tìm đã được triển khai tại khu vực và trên các con đường của các bang lân cận. Các chuyến bay tại sân bay Toluca đã bị hoãn. Binh lính được triển khai tại các chốt kiểm soát ở đường cao tốc Mexico City-Toluca và tiến hành kiểm tra các ôtô và xe tải.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 5Trùm ma túy Joaquin Guzman (giữa) trong lần áp giải năm 2014. (Nguồn: Getty)

Xem thêm tại đây: Mexico chấn động vì trùm ma túy Guzman lần thứ hai vượt ngục
Thị trường chứng khoán Trung Quốc “rơi tự do”
Các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc đã không ngăn được đà “rơi tự do” của thị trường chứng khoán Thượng Hải, khi sàn giao dịch này giảm tới hơn 8% trong ngày 8/7.

Theo thông báo, ít nhất 1.249 công ty, chiếm 43% tổng số công ty niêm yết, đã ngừng giao dịch trên các thị trường chứng khoán Trung Quốc. Chỉ số CSI300 của Trung Quốc đã mất tới 1/3 giá trị kể từ tháng Sáu vừa qua, mức giảm sâu nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Ngày 8/7, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc (CSRC) đã cấm các cổ đông lớn và quan chức điều hành cấp cao của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán bán cổ phần trong vòng 6 tháng tới.

Các tỷ phú Trung Quốc cũng đau đầu chứng kiến tài sản của mình “bốc hơi,” khi giá cổ phiếu hạng A (blue chip) của nước này sụt giảm lan sang các cổ phiếu của Trung Quốc Đại lục niêm yết trên thị trường chứng khoán Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc) và Mỹ. Theo giới phân tích, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Trung Quốc đã mất khoảng 30% giá trị kể từ giữa tháng 6/2015 đến nay.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 6Một nhà đầu tư theo dõi các chỉ số chứng khoán tại sàn giao dịch Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam. (Nguồn: THX/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Các tỷ phú Trung Quốc “méo mặt” khi giá cổ phiếu hạng A sụt giảm
Giẫm đạp ở Bangladesh để nhận quần áo miễn phí, 20 người thiệt mạng
Ít nhất 20 người đã thiệt mạng và hơn 50 người bị thương trong một vụ giẫm đạp xảy ra ngày 10/7 khi đang cố gắng chen lấn để nhận quần áo miễn phí tại một nhà máy ở thành phố Mymensingh, miền Bắc Bangladesh.

Cảnh sát địa phương cho biết từ khoảng 4 giờ 45 phút ngày 9/7, có tới 1.500 người tập trung bên ngoài nhà máy sản xuất thuốc lá sau khi quản lý nhà máy này thông báo sẽ phát quần áo miễn phí cho người nghèo theo nghi lễ của người Hồi giáo.

Cảnh hỗn độn xảy ra khi hàng trăm người cố gắng chen vào nhà máy qua một chiếc cổng nhỏ. Những người thiệt mạng chủ yếu là phụ nữ.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 7 Thi thể các nạn nhân thiệt mạng tại Mymensingh. (Nguồn:AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Giẫm đạp ở Bangladesh để nhận quần áo miễn phí, 20 người thiệt mạng
Khoảng 22 triệu người Mỹ bị tin tặc nắm giữ thông tin cá nhân
Văn phòng Quản lý Nhân sự (OPM) của Chính phủ Mỹ ngày 9/7 thông báo những vụ tin tặc xâm nhập vào hệ thống máy tính của các cơ quan Chính phủ Mỹ gần đây đã đánh cắp thông tin cá nhân của khoảng 22 triệu người, tương đương 7% dân số nước này.

Giám đốc OPM Katherine Archuleta xác nhận những tin tặc tấn công các cơ sở dữ liệu của chính phủ đã nắm giữ thông tin của ít nhất 21,5 triệu người từng trải qua các cuộc điều tra lý lịch phức tạp, trong đó bao gồm 19,7 triệu người - hiện đang là nhân viên liên bang, hoặc đã nghỉ hưu, hoặc là những nhân viên tương lai và các nhà thầu - trong khi số còn lại chủ yếu là vợ/chồng, hoặc người sống chung cùng họ.

Theo OPM, khoảng 3,6 triệu người trong số những nhân viên từng trải qua cuộc kiểm tra trên cũng nằm trong nhóm 4,2 triệu nhân viên liên bang có thông tin cá nhân bị đánh cắp trong một vụ tấn công riêng rẽ hồi tháng trước, khiến tổng số cá nhân bị ảnh hưởng lên đến 22,1 triệu người.

Dữ liệu cá nhân bị đánh cắp bao gồm số an sinh xã hội; địa chỉ; quá trình học tập; thông tin về gia đình và bạn bè cũng như các mối quan hệ làm ăn; hồ sơ y tế, hành vi phạm tội và lịch sử tài chính. Ngoài ra, khoảng 1,1 triệu dấu vân tay cũng bị đánh cắp trong các vụ tấn công trên.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 8Ảnh minh họa. (Nguồn: adelaidenow)

Xem thêm tại đây: Mỹ: Giám đốc OPM từ chức sau khi hàng triệu dữ liệu bị đánh cắp
Trung Quốc lại phát hiện hàng chục tấn thực phẩm bẩn quá hạn nhiều năm
Chỉ vài tuần sau vụ thu giữ hàng tấn thịt đông lạnh quá hạn hàng chục năm, dư luận Trung Quốc lại một lần nữa rúng động với một vụ bê bối thực phẩm nữa, lần này là hơn 32 tấn đu đủ quá hạn được phát hiện ở miền đông.

Những sản phẩm làm từ đu đủ, chủ yếu là đu đủ khô này được sản xuất từ khoảng năm 2010. Số hàng đã bị cảnh sát Trung Quốc phát hiện trong một kho giữ lạnh ở quận Giang Bắc, thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang và đã quá hạn được hơn 2 năm.

Chính quyền địa phương đã xử phạt công ty lưu trữ lượng đu đủ này khoản tiền 1,4 triệu nhân dân tệ (225.000 USD) nhưng không nêu tên công ty.

Theo sổ sách ghi chép giao dịch mới nhất từ công ty này, 25 tấn đu đủ nói trên đã được bán cho một công ty sản xuất thực phẩm tại thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô lân cận. Số hàng này có thể đã được dùng làm nguyên liệu cho các loại nước uống và mứt quả.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 9Hơn 32 tấn đu đủ quá hạn được phát hiện ở Trung Quốc. (Nguồn: CCTV News)

Xem thêm tại đây: Trung Quốc phát hiện hàng chục tấn thực phẩm bẩn quá hạn nhiều năm
Italy: Cựu Thủ tướng Berlusconi bị kết án 3 năm tù vì tội hối lộ
Ngày 8/7, cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi đã bị Tòa án thành phố Napoli kết án 3 năm tù vì tội hối lộ một nghị sỹ đối lập để lôi kéo về với phe mình, nhằm làm cho chính phủ của Thủ tướng Romano Prodi sụp đổ vào năm 2008.

Trước đó, Viện công tố Napoli đã đề nghị Tòa án thành phố này tuyên mức án cao nhất cho tội hối lộ là 5 năm cho Berlusconi, người đã 3 lần làm Thủ tướng Italy và mới vừa kết thúc 1 năm lao động công ích vì một vụ án khác liên quan đến tội gian lận các hóa đơn tài chính và trốn thuế trong hoạt động kinh doanh ở tập đoàn truyền thông Mediaset do ông làm chủ.

Người đã đứng ra môi giới vụ này, một cựu nhà báo, ông Valter Lavitola, cũng bị kết án tương đương. De Gregorio, một người rất thân thiết với Lavitola, lúc đó đang rất cần tiền và đã nhận các khoản tiền này.

Theo Tòa án Napoli, trong các năm 2006 và 2008, thông qua Lavitola, ông Berlusconi đã chuyển cho Thượng nghị sỹ Sergio De Gregorio 3 triệu euro để ông này từ phe trung tả cầm quyền chuyển sang ủng hộ phe trung hữu, với mục đích "phá hoại" chính phủ của Thủ tướng lúc đó là ông Romano Prodi.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 10 Cựu thủ tướng Berlusconi và nhà báo Lavitola cùng bị kết án 3 năm tù vì tội hối lộ. (Nguồn: ANSA)

Xem thêm tại đây: Italy: Cựu Thủ tướng Berlusconi bị kết án 3 năm tù vì tội hối lộ
Cụ ông cao tuổi nhất thế giới qua đời tại Nhật Bản ở tuổi 112
Cụ Sakari Momoi, cụ ông cao tuổi nhất thế giới đã qua đời tại Nhật Bản hôm 5/7, thọ 112 tuổi.

Cụ Momoi qua đời do căn bệnh liên quan đến thận tại nhà dưỡng lão ở thành phố Saitama, phía Bắc thủ đô Tokyo, nơi cụ đã sống trong nhiều năm. Gia đình cho biết sức khỏe của cụ đã xấu đi từ cách đây một đến hai tuần.

Cụ Momoi sinh ngày 5/2/1903 và từng là hiệu trưởng một trường trung học.

Năm ngoái, cụ đã được tổ chức Kỷ lục Thế giới Guinness ghi nhận là cụ ông cao tuổi nhất thế giới ở tuổi 111.

Những sự kiện quốc tế nổi bật diễn ra trong tuần từ ngày 6-12/7 ảnh 11Cụ Sakari Momoi (phải) nhận giấy chứng nhận của Guinness tại Tokyo ngày 20/8/2014. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Xem thêm tại đây: Cụ ông cao tuổi nhất thế giới qua đời tại Nhật Bản ở tuổi 112
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục