Sắp khánh thành dự án cầu đường sắt và ga Ninh Bình

Ngày 12/6, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức thông tuyến gói thầu CP1A (trong đó có cầu đường sắt Ninh Bình và ga Ninh Bình) thuộc Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.
Sắp khánh thành dự án cầu đường sắt và ga Ninh Bình ảnh 1Thi công ga Ninh Bình. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Ban quản lý dự án đường sắt (Bộ Giao thông Vận tải) cho biết, ngày 12/6, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tổ chức thông tuyến gói thầu CP1A thuộc Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh.

Gói thầu CP1A là một trong các gói thầu xây lắp chính của Dự án Nâng cao an toàn cầu đường sắt trên tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh, nằm trên địa bàn hai tỉnh Nam Định và Ninh Bình. Nhà thầu thi công là liên danh MES-Rinkai-Taisei-Cienco1 (MRTC1) với tổng giá trị là gần 6,6 tỷ yen (tương đương 1.518 tỷ đồng).

Quy mô gói thầu gồm thi công xây dựng mới cầu đường sắt Ninh Bình, ga Ninh Bình, cầu vượt đường sắt phía Nam ga Ninh Bình và một số hạng mục liên quan trong phạm vi đường hai đầu cầu như đường chui, đường ngang.

Cầu đường sắt Ninh Bình được xây dựng mới cách cầu cũ khoảng 30m về phía hạ lưu, bao gồm ba nhịp dầm vòm thép, chiều dài mỗi nhịp 75m; 22 nhịp dầm hộp, chiều dài mỗi nhịp 33m. Cầu có hệ thống mố, trụ bằng bêtông cốt thép trên móng cọc khoan nhồi. Kiến trúc tầng trên đường sắt gồm ray 50N của Nhật Bản hàn dài, liên kết trực tiếp vào dầm thép và đặt trên tà vẹt liên kết trực tiếp với bản bêtông giúp tàu chạy êm thuận, ít rung lắc.

Ga Ninh Bình được xây dựng mới cách ga cũ 1,35km về phía Nam. Quy mô đường trong ga được tăng từ 4 lên 11 đường giúp tăng khả năng đón tiễn hành khách; tập kết, xếp dỡ hàng hóa; chỉnh bị, sửa chữa đầu máy toa xe và dồn tàu. Công trình vào khai thác sẽ góp phần nâng cao an toàn chạy tàu của ngành đường sắt, nâng cao tốc tộ chạy tàu và rút ngắn hành trình các đoàn tàu trên tuyến.

Năng lực vận tải và xếp dỡ hàng hóa của ga Ninh Bình tăng lên đáp ứng lượng hành khách và khách du lịch đến Ninh Bình cũng như nhu cầu vận chuyển, xếp dỡ hàng hóa ngày càng tăng; đồng thời một số nút giao đồng mức cũng được xóa bỏ, đảm bảo an toàn đường sắt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục