Bộ trưởng GTVT: Nhà thầu không lo thiếu tiền để thi công “3 ca, 4 kíp”

Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo các đơn vị trong ngành cần tích cực tăng tốc thi công các dự án để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nhằm giảm áp lực bớt nặng nề cho năm tới.

Nhà thầu thi công thảm nhựa mặt đường tại một Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Nhà thầu thi công thảm nhựa mặt đường tại một Dự án Cao tốc Bắc-Nam phía Đông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân đạt tiến độ đề ra.

Đây cũng là nội dung chính của cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm diễn ra vào sáng 23/4, tại Hà Nội.

Làm đến đâu, giải ngân đến đó

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh theo kế hoạch được phân bổ, hai năm cuối của giai đoạn trung hạn 2021-2025, tổng số vốn đầu tư công còn lại Bộ Giao thông Vận tải cần phải giải ngân khoảng 150.000 tỷ đồng. Trong khi đó, kế hoạch vốn năm 2024 bộ được Thủ tướng Chính phủ giao là hơn 59.000 tỷ đồng.

“Nếu năm nay chỉ giải ngân số vốn này, áp lực giải ngân năm sau là khá lớn. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải tích cực thi công để công tác giải ngân năm sau sẽ bớt nặng nề. Các nhà thầu không lo thiếu tiền để thi công ‘3 ca, 4 kíp’. Việc thi công đến đâu, tiền sẽ thanh toán, giải ngân đủ đến đó,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Cụ thể, Bộ trưởnt cho biết sẽ chỉ đạo tiếp tục đăng ký bổ sung thêm vốn để các ban quản lý dự án, nhà thầu tập trung thi công, đẩy nhanh khối lượng, đẩy nhanh hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án sử dụng vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025.

bo truong Nguyen Van Thang.JPG
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chỉ đạo tại cuộc họp kiểm điểm tình hình thực hiện các dự án trọng điểm vào sáng 23/4. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Với các dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, các dự án cao tốc trục ngang (Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu) cần đẩy nhanh tiến độ để tăng sản lượng đi kèm với khối lượng giải ngân, Tư lệnh ngành Giao thông Vận tải yêu cầu chủ đầu tư, nhà thầu phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng chính quyền địa phương để giải quyết.

“Đây là những dự án quan trọng quốc gia mà trực tiếp địa phương được thụ hưởng. Dự án càng về đích sớm thì tập trung giải quyết tại một số vị trí ‘đường găng’ về đất yếu, cầu, hầm…,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.

Riêng dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2021-2025 phải hoàn thiện đồng bộ, toàn diện nhất, từ hạ tầng phần cứng, phần mềm, đặc biệt là trạm dừng nghỉ; việc đầu tư phải đảm bảo khi các dự án thành phần được khánh thành, đưa vào khai thác là đủ điều kiện để bàn giao ngay cho Cục Đường bộ Việt Nam quản lý, vận hành khai thác.

Tạo nhận thức mới, tinh thần tương trợ thi công

Tại cuộc họp, người đứng đầu Bộ Giao thông Vận tải cũng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần vào cuộc của các ban quản lý dự án, nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án và nhà thầu tại hai dự án thành phần gồm Cam Lâm-Vĩnh Hảo và Diễn Châu-Bãi Vọt.

“Với Cao tốc Cam Lâm-Vĩnh Hảo, có lúc tưởng chừng như không thể về đích nhưng nhà đầu tư, nhà thầu đã dồn toàn lực để đáp ứng, thậm chí là đưa các hạng mục về đích sớm. Dự án Diễn Châu-Bãi Vọt, cách đây khoảng 10 ngày, mọi việc cũng còn rất ngổn ngang, việc thông xe dịp 30/4 còn chưa ai dám nghĩ đến,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng chia sẻ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng cho rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Giao thông Vận tải, các nhà thầu trong liên danh đã có sự tương hỗ tích cực cho nhau. Đây là tinh thần rất đáng ghi nhận và tạo ra nhận thức mới, một tinh thần cộng đồng trách nhiệm vì lợi ích chung của đất nước giúp hai tuyến cao tốc có thể khánh thành vào dịp 30/4 tới đây.

vnp-cau-nui-do-cao-toc-bac-nam-17012024-6272.jpg
Các nhà thầu trong lien danh đã có sự hỗ trợ lẫn nhau trong công tác thi công dự án giao thông. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Về công tác đấu thầu, Bộ trưởng cũng yêu cầu các chủ đầu tư, ban quản lý dự án phải đảm bảo công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và tuyệt đối không để xảy ra tiêu cực.

“Các vụ, Cục Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải được giao tăng cường giám sát, quản lý chặt chẽ việc thi công dự án của các nhà thầu theo hợp đồng xử nghiêm các vi phạm, không để dự án chậm tiến độ do nhà thầu huy động không đủ máy móc, nhân lực. Thanh tra bộ tăng cường nhận diện, kịp thời thanh tra, kiểm tra các dự án, lĩnh vực tiềm ẩn sai phạm với tinh thần ‘không có vùng cấm, không có ngoại lệ,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định.

Trước đó, báo cáo kết quả giải ngân vốn đầu tư công, ông Bùi Quang Thái, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết ước đến hết tháng Tư này, Bộ Giao thông Vận tải đã giải ngân được hơn 15.300 tỷ đồng, đạt 26% kế hoạch vốn được giao. Trong số đó, các tuyến cao tốc giải ngân hơn 10.600 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm, đáp ứng kế hoạch yêu cầu.

Về tình hình triển khai các dự án, theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, tính đến nay, có 65/66 dự án sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đã được phê duyệt chủ trương đầu tư. Còn lại một dự án chưa phê duyệt là Dự án nâng cấp, cải tạo 3 tuyến Quốc lộ (53, 62, Nam Sông Hậu) tại Đồng bằng Sông Cửu Long, sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB).

“Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các chủ đầu tư, ban quản lý dự án chủ động phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan, triển khai đồng thời các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đáp ứng tiến độ yêu cầu,” ông Tiến thông tin./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục