Thành công và chia rẽ

Liên hợp quốc năm 2012: Thành công và sự chia rẽ

Thắng lợi của Palestine tại Đại hội đồng khóa 67 và sự chia rẽ của HĐBA về Syria là hai gam màu sáng-tối trong hoạt động LHQ.
Giống như 67 năm qua kể từ khi thành lập, năm 2012 lại là một năm bộn bề công việc đối với Liên hợp quốc, một diễn đàn đa phương lớn nhất hành tinh, có trụ sở chính ở thành phố New York (Mỹ) và ở Geneva (Thụy Sĩ).
 
Tuy không phải đứng trước những quyết định khó khăn về chiến tranh-hòa bình, hay những lần biểu quyết để quyết định có khai hỏa hay không những cuộc xung đột ở chỗ này, chỗ khác như đã từng xảy ra trong quá khứ, song năm nay lại là năm diễn đàn Liên hợp quốc chật vật tìm kiếm giải pháp cho những cuộc tranh cãi kéo dài từ rất nhiều năm qua thuộc các lĩnh vực khác nhau.
 
Đa số các đại diện của những quốc gia thành viên mà phóng viên TTXVN tại đây được tiếp xúc, hoặc họ tự bày tỏ quan điểm trên trang thông tin chung của tổ chức có tới 193 quốc gia thành viên này, đều cho rằng sự kiện Palestine được Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 67 công nhận là "Nhà nước quan sát viên phi thành viên" ngày 29/11 vừa rồi là đình đám nhất, ghi dấu ấn đậm nhất trong hoạt động của Liên hợp quốc trong năm 2012.
 
Với việc có tới 138 phiếu thuận, chỉ có 9 phiếu chống, quyết định mang tính lịch sử này là thắng lợi ngoại giao vang dội của nhân dân Palestine trước sự phản đối quyết liệt của Mỹ và Israel. Nó chứng tỏ bản chất chính nghĩa của cuộc cách mạng Palestine, là kết quả của sự ủng hộ đúng đắn, trước sau như một của những người bạn chân chính của nhân dân Palestine, trong đó có Việt Nam.
 
Và quan trong hơn, với vị trí mới này, từ nay, Palestine có quyền tham gia các cơ quan của Liên hợp quốc và ký các hiệp ước quốc tế, chứ không phải như khi còn là "thực thể quan sát viên," chỉ có "quyền" ngồi…quan sát người khác làm. Và điều quan trọng hơn thế là từ vị trí này đến khi Palestine được công nhận là một quốc gia - thành viên của Liên hợp quốc sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian.
 
Có chứng kiến những tràng vỗ tay không ngớt trong phòng họp Đại hội đồng Liên hợp quốc hôm đó, và hàng nghìn người thuộc các dân tộc khác nhau tập trung bên ngoài trụ sở Liên hợp quốc ở Đại lộ 1 khu Manhattan sầm uất nhất thế giới, reo hò chào đón sự kiện này mới thấy hết tầm vóc và giá trị của một quyết định đưa ra từ Liên hợp quốc.
 
Năm nay cũng ghi nhận sự chia rẽ sâu sắc nhất trong Hội đồng Bảo an, cơ quan đầu não của Liên hợp quốc, chủ yếu liên quan tới cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội đẫm máu ở Syria. Tuy nhiên, như nhiều chính trị gia thuộc đủ các màu da đã nói với chúng tôi rằng trong cải rủi (chia rẽ, bất đồng) lại có cái may là đã không có một nghị quyết của Hội đồng Bảo an cho phép mang vũ khí đến đốt phá và giết chóc người Syria, giống như họ đã làm hồi đầu năm ngoái ở Libya.
 
Sự chia rẽ, bất đồng đó chẳng biết đã làm suy yếu Hội đồng Bảo an và Liên hợp quốc nói chung đến mức nào, song rõ ràng nó đã ngăn được một cuộc chiến, chí ít là đến lúc này, nhờ lập trường kiên định của Nga và Trung Quốc - hai trong năm nước ủy viên thường trực, không cho thông qua một nghị quyết hà khắc nhất chống Syria, kể cả việc đưa quân nước ngoài vào quốc gia Arập này. Nếu không có hai lá phiếu phủ quyết ấy, chắc chắn đất nước Syria nay đã tan tành hơn, có rất nhiều người chết thảm hơn so với những gì đã xảy ra tại Syria trong gần hai năm qua.

Không chỉ có vậy, trong năm 2012, các cơ quan chức năng của Liên hợp quốc đã cử hàng nghìn nhân viên không quản hiểm nguy trực tiếp tham gia các hoạt động cứu trợ nhân đạo tại nhiều nơi trên thế giới, tham gia gìn giữ hòa bình mà nhiều người quen gọi là lực lượng "Mũ nồi xanh" tại hàng chục điểm tranh chấp, xung đột, và đã có 29 người trong số họ không bao giờ trở về từ sứ mệnh thiêng liêng này.
 
Đó là chưa kể việc Liên hợp quốc đã liên tục đưa ra những cảnh báo về chính sách xâm hại quyền con người, nhất là đối với phụ nữ, trẻ em, vẫn còn rơi rớt ở những nơi ánh sáng của nền văn minh nhân loại còn lúc tỏ, lúc mờ. Và nữa, đã có hàng trăm cuộc họp của Liên hợp quốc bàn cách nâng cao dân trí, cải cách giáo dục, tạo thêm việc làm, chống cướp biển, dịch bệnh, giảm tai nạn giao thông, chống cháy rừng và sa mạc hóa, v.v, giúp cho cuộc sống của nhân loại được thịnh vượng hơn, thanh bình hơn.
 
Cũng như mọi năm, năm nay Liên hợp quốc đã khai mạc một khóa họp mới của Đại Hội đồng - khóa 67 vào trung tuần tháng 9 vừa rồi, một khóa họp có chương trình nghị sự dày đặc với 170 đề mục, đề cập tới mọi ngóc ngách của cuộc sống nhân loại. Đề xuất của Chủ tịch khóa họp 67, Vuk Jeremic, nguyên Ngoại trưởng Cộng hòa Serbia, kêu gọi các nước cùng nhau tìm biện pháp giải quyết mọi cuộc tranh chấp và xung đột trên phạm vi toàn cầu bằng biện pháp hòa bình, đã nhận được sự ủng hộ rộng khắp của mọi quốc gia.

Đại diện nhiều nước đã phát biểu tại diễn đàn này, coi đề xuất đó là hướng đi rất phù hợp với bối cảnh quốc tế hiện nay, khi mà những cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ở một số nơi đang diễn biến theo chiều hướng xấu, mang hơi hướng của thứ chủ nghĩa bành trướng, chèn ép, nạt nộ nhau, bất chấp tất cả, kể cả luật pháp quốc tế.

Nếu cần phải nói một vài đoạn "tuy nhiên," thì điều đáng nói nhất là cũng như những năm gần đây, năm nay, Liên hợp quốc tiếp tục bị chính những người trong cuộc chỉ trích về sự quan liêu, chậm đổi mới, hiệu quả hoạt động chưa tương xứng với tiềm năng và mong mỏi của cộng đồng quốc tế, và e rằng nếu cứ như vậy, Liên hợp quốc sẽ không đủ sức đối mặt với những thách thức trong tương lai.

Trong những ngày khai mạc kỳ họp Đại Hội đồng khóa 67, đã có tiếng nói gần như là của tập thể các nước thành viên đòi cải tổ nhanh chóng Liên hợp quốc, trước hết là Hội đồng Bảo an, từ cơ cấu tổ chức đến phương thức hoạt động. Nhiều đại biểu đã nói thẳng rằng số phận của nhân loại, sự tiến lùi của thế giới không thể chỉ trao cho Hội đồng Bảo an, đúng hơn là chỉ cho 5 nước ủy viên thường trực có quyền phủ quyết, vì thế, đã đến lúc phải thay đổi thể chế đó, đồng thời phải mở rộng thành phần Hội đồng Bảo an, cả không thường trực lẫn thường trực, sao cho công bằng hơn và có tính đại diện cao hơn.
 
Nhiều quốc gia còn phàn nàn về thực trạng Liên hợp quốc tiếp tục bị một nước, hay một nhóm nước thuộc dạng "mạnh vì gạo, bạo vì tiền" chi phối, làm cho ánh sáng công lý đôi lúc bị tối ngay ở diễn đàn Liên hợp quốc.
 
Khẳng định vai trò vô cùng quan trọng của Liên hợp quốc thông qua những việc tổ chức này đã làm được cũng như đòi hỏi phải nhanh chóng cải tổ để phục vụ tốt hơn sứ mệnh hòa bình, ổn định và tạo dựng một cuộc sống phồn thịnh hơn cho nhân loại là những tiếng nói chung nhất được cất lên từ trụ sở Liên hợp quốc ở New York trước khi đại diện các nước thành viên xếp lại những công việc bất tận của năm cũ, cùng nhân loại mừng lễ Giáng sinh và đón chào Năm Mới 2013./.

Phạm Phú Phúc (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục