Thanh Hóa giúp DN Nhật tìm thấy cơ hội kinh doanh

Thanh Hóa đã tổ chức hội thảo tại Tokyo nhằm cung cấp thông tin và giúp nhà đầu tư Nhật tìm thấy cơ hội kinh doanh mới ở Thanh Hóa.
Chiều 15/5, Ủy ban Nhân dân Tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) và Trung tâm Nhật Bản-ASEAN đã tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư vào tỉnh Thanh Hóa tại thủ đô Tokyo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Hồ Minh Tuấn, Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản, nhấn mạnh quan hệ Việt Nam-Nhật Bản đã phát triển đến tầm cao mới, Nhật Bản là nước viện trợ song phương lớn nhất cho Việt Nam, tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, đào tạo nguồn nhân lực, góp phần quan trọng cho phát triển kinh tế Việt Nam.

Mặc dù tình hình kinh tế khó khăn sau động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011 và ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính ở châu Âu, Nhật Bản vẫn dành viện trợ ODA cao cho Việt Nam. Năm 2011, Nhật Bản đã trở thành nhà đầu tư nước ngoài hàng đầu ở Việt Nam với vốn đăng ký hơn 22 tỷ USD, là đối tác thương mại lớn thứ hai với kim ngạch buôn bán hai chiều hơn 21 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo ông Hồ Minh Tuấn, quan hệ kinh tế, đầu tư và thương mại Việt Nam-Nhật Bản vẫn chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Ông hy vọng cuộc hội thảo này sẽ cung cấp những thông tin mà nhà đầu tư Nhật Bản quan tâm và giúp các nhà đầu tư Nhật Bản tìm thấy những cơ hội kinh doanh mới ở Thanh Hóa.

Ông Hiroyuki Moribe, nguyên Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội, cho rằng quan hệ Việt Nam-Nhật Bản những năm gần đây đã trở thành mối quan hệ hữu nghị, mật thiết.

Theo ông Moribe, với các dự án lớn xây dựng cơ sở hạ tầng, như dự án đường cao tốc Bắc-Nam (55 tỷ yen), dự án chuẩn bị xây dựng các tuyến đường sắt đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh (44 tỷ yen), dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn (40,3 tỷ yen), dự án xây dựng nhà ga số 2 sân bay quốc tế Nội Bài (20,6 tỷ yen), ODA của Nhật Bản cho Việt Nam năm 2011 đã đạt mức kỷ lục 270 tỷ yen.

Theo ông, Chính phủ Việt Nam đang thảo luận ý tưởng xây dựng các khu công nghiệp dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản để tập trung vào phát triển ngành công nghiệp phụ trợ và ông tin rằng Thanh Hóa cũng sẽ tiến hành xây dựng những khu công nghiệp như vậy trong thời gian tới. Cùng với các dự án lớn hiện có, những khu công nghiệp này sẽ mở ra những cơ hội đầu tư, kinh doanh mới cho các doanh nghiệp Nhật Bản.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa Trịnh Văn Chiến hoan nghênh các doanh nghiệp Nhật Bản đến dự hội thảo, đồng thời giới thiệu những điều kiện thuân lợi về chính sách, vị trí địa lý, tài nguyên khoáng sản, danh lam thắng cảnh, nguồn nhân lực… của Thanh Hóa để tiếp nhận đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực.

Đặc biệt, Thanh Hóa có môi trường đầu tư được cải thiện nhanh, năm 2011 đứng thứ 24 trong số 64 tỉnh thành, tăng 20 bậc so với năm 2010, hiện đứng thứ tư trong số các tỉnh thành thu hút nhiều vốn FDI nước ngoài với tổng vốn FDI nước ngoài vào 42 dự án trị giá trên 7,2 tỷ USD, trong đó đầu tư của Nhật Bản chiếm 96,7%, khoảng 6,84 tỷ USD.

Ông Trịnh Văn Chiến nhấn mạnh tỉnh Thanh Hóa đánh giá cao đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có các nhà đầu tư Nhật Bản, luôn lắng nghe tiếng nói của các nhà đầu tư nước ngoài, cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để đem lại lợi ích cho tỉnh và các nhà đầu tư.

Theo ông Chiến, Thanh Hóa sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ trong phát triển, hoàn thiện cơ chế chính sách, đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực… để đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Thanh Hóa coi các nhà đầu tư Nhật Bản là đối tác chiến lược, kêu gọi các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên như hóa dầu, điện tử, viễn thông và phát triển cơ sở hạ tầng.

Nhấn mạnh các điều kiện thuận lợi của tỉnh Thanh Hóa, như vị trí địa chính trị quan trọng, nguồn tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào và các chính sách ưu đãi cho đầu tư nước ngoài của tỉnh Thanh Hóa, bà Trần Thị Thu Hằng - Phó Giám đốc Sở ngoại vụ Thanh Hóa, cho rằng các doanh nghiệp Nhật Bản sẽ có những sự lựa chọn rộng rãi phù hợp với điều kiện đầu tư, kinh doanh của mình.

Bà Hằng cũng giới thiệu một số dự án ưu tiên cho đầu tư nước ngoài của tỉnh Thanh Hóa, như dự án xây dựng cầu Nguyệt Viên, dự án xây dựng khu xử lý nước thải tại khu kinh tế Nghi Sơn, dự án đường vành đai phía Tây Thanh Hóa, dự án đầu tư-xây dựng và khai thác cảng Nghi Sơn, dự án đầu tư vào khu công nghiệp phía Tây quốc lộ 1A và dự án phát triển khu đô thị phía Đông Nam Thanh Hóa.

Ông Yoshifumi Tsujio, cố vấn đầu tư cao cấp Cục đầu tư nước ngoài của Bộ Kế hoạch Đầu tư (MPI), đã có bài phát biểu phân tích các đặc điểm chính trị-xã hội, kinh tế, xu hướng đầu tư, môi trường đầu tư thuận lợi và các cơ hội đầu tư ở Việt Nam nói chung và Thanh Hóa nói riêng, đồng thời nêu một số tồn tại mà Chính phủ Việt Nam đang nỗ lực giải quyết để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư.

Các nhà đầu tư Nhật Bản đang tham gia các dự án lớn ở Thanh Hóa, như Tập đoàn ximăng Taiheiyo, Tập đoàn Marubeni, cũng đã trình bày kinh nghiệm đầu tư, kinh doanh của mình. Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và các doanh nghiệp Nhật Bản cũng trao đổi ý kiến quan tâm liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh tại tỉnh Thanh Hóa.

Ngoài Tokyo, tỉnh Thanh Hóa sẽ tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư tại Osaka ngày 18/5./.

Minh Sơn-Hữu Thắng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục